Thị trường tết đang chộn rộn với bánh mứt hoa quả. Xôn xao nhất là tại các làng nghề và trong các chợ…
Bánh kết tay
Nắm bắt thị trường và xu hướng chọn tháp bánh thờ để chưng tết, nhiều hộ ở Thăng Bình bắt tay vào làm tháp bánh thờ để phục vụ nhu cầu.
THEO kinh nghiệm của người làm bánh kết tay, đầu tháng 11 âm lịch là bắt đầu công việc. Muốn làm được một tháp bánh, cần phải chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, từ đế bánh bằng giấy, đĩa nhựa cho đến dán khung bánh. Theo chị Võ Thị Đào, tổ 12, thị trấn Hà Lam, một người vừa có kinh nghiệm đi bỏ các mặt hàng bánh kẹo, vừa có 4 năm kinh nghiệm làm bánh kết tay cho biết giá cả của mỗi loại khác nhau, tùy thuộc vào tháp bánh to hay nhỏ. Tháp bánh in rẻ nhất, khoảng 5.500 - 6.000 đồng/tháp vì nguyên liệu rẻ và dễ làm. Tháp bánh thạch rau câu có giá từ 8.000 đồng/tháp thường cho đến 40.000 đồng/tháp có bắt đèn nháy. Còn tháp hoa sen, tháp trái dứa làm từ kẹo thì giá 25.000 - 30.000 đồng/tháp. Tháp bằng kẹo sô cô la giá cao nhất, tháp nhỏ nhưng giá lên 30.000 - 40.000 đồng/tháp, do giá thành của kẹo sô cô la vừa cao, mà vừa phải mua về bao bọc lại cho lên màu sắc phù hợp.
Tháp bánh thờ kết tay được làm rất nhiều ở Thăng Bình. Ảnh: Đ.D |
“Hiện nay mỗi ngày tôi bỏ được khoảng 300 tháp bánh, thường đến mấy ngày gần tết thì lên khoảng 500 tháp. Bây giờ mình bỏ cho các cửa hàng họ chưng ra, rồi bắt mối, khi nào họ cần bánh thì họ gọi mình. Bỏ đến cận giao thừa, khi đó họ mới mua được nhiều” - chị Đào nói.
Cũng giống như chị Đào, hộ anh Nguyễn Tuấn, Bình Nguyên, mỗi ngày cũng xuất ra khoảng 500 tháp bánh, đi bỏ các nơi. Thường thì gia đình anh đi bỏ mối các chợ, các đại lý ở Thăng Bình, Hiệp Đức và cả huyện Quế Sơn. “Ở đâu có chợ, có người bán thì mình đi bỏ ở đó thôi, chỗ nào cũng được. Xong một mùa bánh tết, gia đình thu lại khoảng 20 triệu đồng, đủ để có một cái tết ấm áp” - anh Tuấn cho biết thêm.
Theo bà Nguyễn Thị Hà, một chủ gian hàng bánh kẹo ở chợ Hà Lam (thị trấn Hà Lam) cho biết bán tháp thờ phải phụ thuộc vào thị hiếu của khách hàng. Số lượng khách hàng mua tháp bánh thờ thời gian này rất đông nhưng số lượng chắc chắn đến tết thì chưa biết, bởi có năm đến sát tết khách mua đông, không có hàng để bán, nhưng có năm dư tháp bánh rất nhiều.
ĐÔNG DƯƠNG
Lo lắng mùa hoa tết
Trong khi các địa phương khác rộn ràng vụ hoa tết thì ở các xã vốn có truyền thống trồng hoa như Bình Triều, Bình Phục (Thăng Bình) người dân lại không còn tha thiết với việc trồng hoa.
Nhiều năm nay, người dân 2 xã Bình Triều, Bình Phục luôn lấy việc trồng hoa cúc làm nguồn thu nhập chính. Theo người dân địa phương, hoa cúc thích hợp với vùng đất cát. Giống hoa được lấy từ Đà Lạt, bắt đầu trồng vào cuối tháng 8 đến cuối năm thì vừa chớm nở phục vụ tết. Những loại hoa cúc được ưa chuộng là cúc sao, cúc vàng chanh, cúc chuột, gơ,... có giá khoảng 3.000 - 3.500 đồng/cây, hoa cúc vàng giá thấp hơn khoảng 2.000 - 3.000 đồng/cây, hoa cúc Đà Lạt giá thấp nhất 500 – 1.200 đồng/cây, còn phụ thuộc vào hoa lớn hay nhỏ.
Ông Trần Ngọc Hậu chăm sóc vườn hoa vụ tết. Ảnh ĐÔNG DƯƠNG |
Tuy nhiên, nhận thấy thời tiết không thích hợp, hộ bà Nguyễn Thị Lư, thôn 1, xã Bình Triều chỉ tập trung trồng cúc vàng để tránh trường hợp lỗ vốn. “Cúc vàng giá thấp hơn, nhưng trồng cúc vàng, nếu nở sớm hay muộn cũng không lo, vì có thể bán trước tết cho người ta cúng tất niên, hoặc bán rằm tháng Giêng… không sợ bị lỗ” - bà Lư cho biết.
Ông Trần Ngọc Hậu, người bám nghề trồng hoa hơn 20 năm nay ở tổ 12, thôn Ngọc Sơn Đông, xã Bình Phục cho biết mỗi năm gia đình ông trồng khoảng 4 - 5 sào bông, thu hoạch khoảng 4 - 5 triệu đồng/sào, nhưng năm nay, nhận thấy thời tiết thay đổi thất thường nên gia đình ông chỉ trồng 2 sào, một sào cúc vàng, một sào cúc sao vàng. “Năm nay, nắng nóng kéo dài, những tháng cuối năm mới bắt đầu se lạnh, nhiều hoa lại nở sớm, nhiều hoa thì im im, tết không biết có nở kịp không” - ông Trần Ngọc Hậu chia sẻ.
Trồng hoa vốn là nguồn sống chính của bà con nơi đây mỗi dịp xuân về, công đoạn trồng và chăm sóc cây rất công phu, dễ bị nấm, lại phụ thuộc vào thời tiết, giá cả lại bấp bênh nên nhiều hộ nơi đây bắt đầu giảm số lượng trồng hoa, thêm vào đó thâm canh thêm các loại rau củ như đậu, su hào, xà lách để kiếm thêm thu nhập trong dịp tết. “Dù có thế nào mình cũng không bỏ hoa, chỉ trồng thêm các loại rau củ để tăng thu nhập thôi. Trồng hoa cúc mấy chục năm rồi, phải bám lấy nó mà sống. Nhưng mà giờ đến thế hệ trẻ, không còn đứa nào thiết tha mặn mà với nghề này cả, giá cả thất thường, thu nhập không bao nhiêu, nhiều khi lại lỗ vốn. Thôi thì tuổi mình còn bám được đến đâu thì bám” - bà Lư trăn trở.
ĐÔNG DƯƠNG
Vàng mã chạy hàng
Những người làm vàng mã những ngày này cũng tất bật luôn tay cho những đơn đặt hàng kịp tết…
Nghề làm vàng mã ở thôn Xuyên Đông, thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) rất phát triển, đem lại thu nhập cao cho người dân. Nghề này làm quanh năm vì nhu cầu của người dân rất cao, bình thường thì giỗ kỵ, tết đến thì lo làm vàng mã, đồ cúng tiễn ông Táo về trời, cúng tổ tiên ông bà, ra tết thì làm kiệu cờ phục vụ lễ hội… Đặc biệt vào dịp gần tết là lúc cao điểm, nhiều hộ dân nơi đây trở thành những xưởng sản xuất vàng mã, chủ yếu là các mặt hàng: quần áo, giấy áo, giấy tiền.... Ông Nguyễn Ngọc Tùng (tổ 3, Xuyên Đông, Nam Phước), một đại lý vàng mã cho biết: “Vào những ngày cận tết thì nhu cầu sắm tết cho người cõi âm rất cao, có thời điểm, khách ùn ùn tới lấy hàng khiến nhà tôi xoay không kịp. Bởi vậy, ngoài hai vợ chồng ra thì tôi còn thuê thêm 4 nhân công làm để phục kịp nhu cầu của mọi người. Mỗi ngày phải làm từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều, có hôm phải làm tới tận 8 giờ đêm nhưng vẫn không đủ hàng để cung cấp. Các mặt hàng khó đến đâu chỉ cần chụp mẫu là có tôi đều thể thực hiện được, quan trọng nhất là thời gian làm ra nó mất bao lâu”.
Người dân thôn Xuyên Đông, thị trấn Nam Phước tất bật với nghề vàng mã. Ảnh: LÊ BÌNH |
Chị Hương, một đại lý bán vàng mã tại địa phương đang nhập hàng về bán cho biết: “Cả năm làm ăn bận rộn, ngày tết ai cũng cố gắng “biếu” tổ tiên cái gì đấy, gia đình nghèo thì bộ quần áo, gia đình giàu làm ăn được thì hào phóng mua biếu ông bà, tổ tiên những món hàng như: ô tô, nhà lầu, điện thoại... Có kinh nghiệm mấy năm nên tôi dồn hàng về nhà, chờ cận tết khan hiếm hàng, giá cả tăng cao lúc đó sẽ đẩy hàng ra bởi nếu không nhập sớm bây giờ thì sẽ không có hàng để bán tết. Hàng này, khách mua hàng chỉ hỏi giá, rồi trả tiền, chẳng mấy ai kỳ kèo giá cả”.
Hiện nay tại chợ Nam Phước và các cửa hàng bán lẻ trên các tuyến đường Hùng Vương (Duy Xuyên), giá bộ đồ cúng Táo Quân làm bằng giấy màu 35 - 50 nghìn đồng/bộ, loại làm bằng giấy bóng có giá 80 - 150 nghìn đồng/bộ tùy vào từng loại. Các giấy màu, tiền vàng có giá 20 - 30 nghìn đồng/bộ... Nhìn chung giá cả các mặt hàng ổn định không tăng so với năm ngoái. Nghề làm vàng mã ở đây hoàn toàn thủ công, công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng mất khá nhiều thời gian. Mỗi “công nhân” đều được phân công cho một việc, người thì chuyên dán các loại mũ, người chuyên dán mặt hình nhân, người thì lắp ghép thân hình. Chị Ngọc (trú Xuyên Đông, Nam Phước) làm nhân công cho biết: “Làm nghề này chúng tôi phải thật tỉ mỉ, khéo léo, kiên trì, thì mới làm ra đồ đẹp, mới đắt hàng, mỗi bộ đồ lễ tôi có thể nhận được 5 -10 nghìn đồng, tùy vào mức độ khó dễ, cầu kỳ hay đơn giản. Nếu chịu khó làm khoảng hơn 1 tháng thì cũng được cái tết tươm tất”.
LÊ BÌNH - ANH HOÀNG