Chốn xưa khơi nguồn

HOÀNG LIÊN 14/02/2018 22:01

Năm 2018 gợi nhắc câu chuyện đậm chất bi tráng của 110 năm trước với bao gương kiên trung, bất khuất của vùng đất và con người làm nên lịch sử: Phong trào kháng thuế cự sưu (1908). Khởi phát từ Đại Lộc, phong trào đã “châm ngòi” cho cuộc đấu tranh bất bạo động làm rung chuyển cả Trung kỳ.

Đình làng Phiếm Ái, nơi lý trưởng các làng xã ở Đại Lộc họp bàn kế hoạch tổ chức đoàn kéo lên huyện đường để nhờ quan xin xâu, giảm thuế cho dân.Ảnh: HOÀNG LIÊN
Đình làng Phiếm Ái, nơi lý trưởng các làng xã ở Đại Lộc họp bàn kế hoạch tổ chức đoàn kéo lên huyện đường để nhờ quan xin xâu, giảm thuế cho dân.Ảnh: HOÀNG LIÊN

Khơi “lửa” cuộc dân biến

Phong trào kháng thuế cự sưu của 110 năm trước đã đi vào lịch sử, được nhiều nhà nghiên cứu gọi là “cuộc dân biến” khi lực lượng nổi dậy chính là nông dân. Phong trào khởi nguồn từ bữa đám giỗ của họ Trương làng Phiếm Ái (Đại Nghĩa), cụ thể là tại nhà ông Nghè Nhiếp (Trương Nhiếp). Tại đây, các ông Trương Kỳ, Trương Hoành, Trương Tốn, Trương Côn, Trương Đính và Lương Châu (lý trưởng làng Hà Tân), Hứa Tạo (lý trưởng làng Ái Nghĩa)… bàn nhau làm đơn lấy chữ ký của 35 lý trưởng các làng xã, trình tri huyện chuyển đạt lên tỉnh cùng Tòa sứ giảm nhẹ sưu và nhiều món thuế kẻo nặng quá dân không đóng nổi. Thế nhưng, lý trưởng làng La Đái sau khi ký đơn đã lén đi báo tri huyện Đại Lộc việc dân chúng chuẩn bị nổi loạn. Trước tình thế bất lợi, tại đình làng Phiếm Ái, 34 vị lý trưởng các làng xã đã họp bàn kế hoạch tổ chức đoàn kéo lên huyện đường để nhờ quan xin xâu, giảm thuế cho dân. Từ vài trăm, đoàn người gia nhập lên tới cả nghìn người, rồi lan ra cả tỉnh, các tỉnh thành lân cận. Ngọn lửa đấu tranh lan khắp Trung kỳ khiến bọn thực dân, phong kiến hoảng loạn, điên cuồng đối phó…

Đến nay vẫn còn nhiều thắc mắc đặt ra với lịch sử như: Động lực nào tạo nên sức mạnh của phong trào? Tại sao lịch sử chọn Đại Lộc, một vùng quê nhỏ mà không phải là trung tâm sầm uất khác? Tại sao cả xứ Trung kỳ đều sống cảnh “một cổ hai tròng” dưới áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến, song chỉ người Đại Lộc quật khởi đứng lên trước tiên? Những yếu nhân tộc Trương là ai mà có sức mạnh “châm ngòi nổ” cho phong trào?

Đất nghèo sinh nhân kiệt

Theo nhiều nhà nghiên cứu, lịch sử chọn Đại Lộc, bởi nơi đây hội đủ yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Vùng Đại Lộc có địa thế hiểm trở, bởi không ngẫu nhiên “9 xã sông Côn” lại được chọn làm căn cứ đóng quân của Nghĩa hội Quảng Nam. Vùng này vẫn còn sót lại nghĩa trủng Cồn Văn Thánh (Đại Minh), nghĩa trủng Nghĩa Tây (Đại Nghĩa) và nhiều nghĩa trủng khác. Phong trào Nghĩa hội dù đã lắng xuống trước sự đàn áp đẫm máu của thực dân nhưng lửa yêu nước hẳn vẫn còn âm ỉ, chờ dịp bùng phát. Đất nghèo sinh nhân kiệt. Nhà nghiên cứu Vu Gia trong “Địa chí Đại Lộc” cũng từng nhấn mạnh tới vùng đất “địa linh nhân kiệt” này. Ví như, vùng Đại Nghĩa vẫn còn tục danh “phố Lam”, được lý giải với nghĩa “khí núi bốc lên”, ý chỉ vùng đất vượng khí, ắt sinh nhân kiệt.

Ý thức phản kháng của người nông dân

Phong trào kháng thuế cự sưu tại Quảng Nam và sau đó lan ra các tỉnh miền Trung là một trong những sự kiện nổi bật của phong trào yêu nước chống Pháp ở Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ 20, là một trong những đỉnh cao của Phong trào Duy tân ở Trung kỳ. Theo PGS-TS. Ngô Văn Minh: “Mặc dù đàn áp khốc liệt nhưng Toàn quyền Đông Dương cũng phải sửa đổi đôi chút chính sách bóc lột để giảm bớt sự công phẫn của nhân dân, như giảm bớt số tiền thuế và số ngày đi xâu, xem xét trừng trị một số quan lại tham nhũng, yêu cầu chính quyền hàng tỉnh phải có chương trình cụ thể đảm bảo an toàn tối thiểu cho người đi làm xâu, tránh không được huy động một lúc cả xã hay trong những ngày mùa”. Để có được kết quả nhỏ nhoi ấy, nhân dân đã phải đổi biết bao mồ hôi nước mắt, kể cả máu và mạng sống của rất nhiều sĩ phu yêu nước, trí thức nho sĩ và tầng lớp nông dân - lực lượng chủ yếu của phong trào chống thuế.T.S

Lần theo gia phả, ông tổ tộc Trương của làng Phiếm Ái là Trương Văn Mặc (Mực) sinh ra ở Phú Xuân, từng là danh tướng triều Tây Sơn. Tiếp nối truyền thống yêu nước, thương dân, nhiều người con họ Trương học rộng tài cao, đỗ ông Tú, ông Nghè, nhưng không cam tâm làm nô lệ, tay sai cho giặc. Cụ Trương Nhiếp đỗ cử nhân khoa Mậu Tuất, Đồng Khánh thứ 3, năm 1888. Trong “cuộc dân biến”, cụ đã đỡ đầu cho những người họ Trương và dân làng, các lý trưởng làm đại sự. Khi đàn áp phong trào, thực dân Pháp và triều đình tìm mọi cách vẫn không đủ chứng cứ buộc tội, bèn giáng chức, khử hàm phẩm, thủ tiêu sắc bằng của cụ. Hay Trương Kỳ (Trương Đường, xã Năm) vốn là lý trưởng làng Phiếm Ái, ông đứng về phía dân cùng khổ, tham gia tổ chức đoàn biểu tình nên giặc gọi ông là “sòng đầu dân”, kết tội “đi lại tụ hội, làm tờ rủ ký”, bèn cách chức, giam tù, tra tấn ông dã man. Còn có nhiều người đứng đầu phong trào là con cháu, rể tộc Trương đã vong thân trước sự khủng bố đẫm máu của quân thù; chỉ còn cụ Lương Châu (rể tộc Trương, lý trưởng làng Hà Tân) và Trương Hoành còn sống sót, về sau tiếp tục tham gia kháng chiến. Một nhân vật trọng yếu khác là cố vấn hướng đạo chống Pháp - Trương Liên (đỗ cử nhân khoa Kỷ Mão, 1879) làm quan Huấn đạo, phủ Duy Xuyên. Như vậy, việc họ Trương khơi lửa và phong trào kháng thuế khởi đi từ Đại Lộc là có căn cơ.

Vọng dấu trăm năm

Trải 110 năm thăng trầm dâu bể, nơi xưa kia từng lưu dấu buổi giỗ kỵ năm nào ở nhà cụ Nghè Nhiếp giờ là khuôn viên vườn nhà ông Trương Bá Du (đã mất), đang được các con ông tiếp quản. Người trẻ không còn biết nhiều về sử, người già ở làng không còn đủ minh mẫn để kể chuyện lịch sử từng nghe cha ông mình truyền tụng năm xưa. Hội thảo về phong trào kháng thuế diễn ra đúng dịp kỷ niệm 100 năm do UBND tỉnh tổ chức năm 2008 là nỗ lực tôn vinh lịch sử, đất và người Đại Lộc, Quảng Nam. Năm nay, dịp tròn 110 năm lịch sử phong trào, huyện Đại Lộc bố trí kinh phí giải tỏa mặt bằng xây dựng Nhà bia tưởng niệm cạnh đình làng Phiếm Ái - cùng với nhà ông Nghè Nhiếp đình làng đã được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia ngay trong những ngày đầu năm 2018, nơi ghi dấu ấn cuộc dân biến.
Xứ sở tôn vinh những người con họ Trương. Bia tưởng niệm cụ Trương Nhiếp được lập trang nghiêm ở Đền tưởng niệm Trường An. Nhiều trường học Đại Lộc vinh dự đặt tên những người con yêu nước như Trường Tiểu học Trương Hoành, Trường Tiểu học Hứa Tạo… Ông Trương Á (hậu nhân đời thứ 12 Trương tộc), giáo viên dạy sử chia sẻ: “Kể từ dịp kỷ niệm 100 năm phong trào chống sưu thuế, ngành giáo dục đã tổ chức biên soạn tài liệu về phong trào và đưa vào giảng dạy trong học đường với thời lượng 1 tiết học. Đây là cách để ôn lại truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của cha ông một thuở”. Cũng theo ông Á, giữ tiếng thơm của cha ông, con cháu họ Trương nhiều đời chăm lo chuyện học hành, đỗ đạt cao, cống hiến cho xã hội…

Dưới con sóng thời gian, biển xanh đã hóa nương dâu, nhưng truyền thống bất khuất của đất và người Đại Lộc, tiếng thơm của những yếu nhân họ Trương vẫn còn vọng về.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chốn xưa khơi nguồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO