Chống biến đổi khí hậu: cuộc đua thời gian

NAM VIỆT 25/04/2016 15:53

(QNO) - Cuối tuần qua, 170 quốc gia chính thức ký kết thỏa thuận Paris, thể hiện trách nhiệm để cứu lấy hành tinh trước sự gia tăng của nhiệt độ trái đất.

Ngoại trưởng Mỹ bế cháu gái đến tham gia lễ ký kết thỏa thuận Paris (ảnh: ocregister)
Ngoại trưởng Mỹ bế cháu gái đến tham gia lễ ký kết thỏa thuận Paris (ảnh: ocregister)

Thỏa thuận lịch sử Paris đạt được vào cuối năm ngoái tại thủ đô Paris, Pháp trong cuộc họp thượng đỉnh Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (BĐKH), nay chính thức được đại diện 175 quốc gia thành viên Liên hiệp quốc trong đó có Việt Nam ký kết đúng vào ngày Trái đất (22.4), tại trụ sở Liên hiệp quốc. Đáng chú ý khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trên tay bế cháu gái của mình vừa tròn 2 tuổi, đặt bút ký vào hồ sơ thỏa thuận và hôn vào trán cháu bé. Tiếng vỗ tay của cả hội trường vang lên như ngầm hài lòng với động thái của quan chức cấp cao Mỹ, được xem là một biểu tưởng muốn nhấn mạnh rằng thế giới cần hành động ngay từ bây giờ, hay nói như Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon rằng, tất cả chúng ta chạy đua với thời gian để cứu lấy trái đất, cứu lấy thế hệ mai sau. Nếu không, chúng ta sẽ mắc nợ con cháu.

Phát biểu tại buổi họp báo ngay sau buổi lễ ký kết, ông Ban Ki-moon nói đó là ngày lịch sử bởi lần đầu tiên, một thuận thỏa thuận quốc tế có số thành viên ký kết nhiều nhất, chỉ trong vòng một ngày, một kỷ lục mới trong ngành ngoại giao thế giới. Các nhà lãnh đạo thế giới thể hiện quyết tâm thay đổi hành tinh với tương lai tốt đẹp hơn và thỏa thuận là “cách duy nhất để cứu loài người sống trên trái đất”. Mục đích của thoả thuận là giữ nhiệt độ trên toàn cầu không tăng cao hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, khi đó sẽ giúp thế giới tránh được những hậu quả khốc liệt của BĐKH. Ngoài ra, thỏa thuận cũng đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển ứng phó và thích nghi với BĐKH.

Tuy nhiên, việc ký kết thỏa thuận vào cuối tuần qua được xem là bước khởi đầu. Bởi thỏa thuận chỉ có hiệu lực còn thêm một quy định bắt buộc là khi nào 55 quốc gia chịu trách nhiệm về ít nhất 55% hiện tượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng phê chuẩn bản thỏa thuận. Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ cho biết, Trung Quốc có kế hoạch phê chuẩn thỏa thuận này trước hội nghị thượng đỉnh G20, sẽ diễn ra vào tháng 9 tới tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc. Dù vậy, thỏa thuận về BĐKH của Liên hiệp quốc được mong đợi đi vào hiệu lực sớm, trước khi Nghị định thư Kyoto kết thúc vào năm 2020. 

Một ngày mang tính lịch sử của Liên hiệp quốc trong cuộc chiến chống BĐKH toàn cầu diễn ra trong bối cảnh Cơ quan khí tượng Nhật Bản và Anh cho biết nhiệt độ trung bình trong năm 2016 sẽ đạt kỷ lục mới. Như thế giới vừa trải qua tháng 3 nóng nhất trong vòng một thế kỷ qua. Cụ thể, nhiệt độ toàn cầu trong tháng 3 cao hơn 1,07 độ C so với mức nhiệt trung bình của thế kỷ 20. Còn Tổ chức nhân đạo quốc tế DARA ở Tây Ban Nha cảnh báo, tác động của BĐKH làm giảm 1,6% GDP thế giới mỗi năm, tương đương 1.200 tỷ USD và có thể tăng lên 3,2% trước năm 2030. Đau lòng hơn, sẽ có 100 triệu người tử vong từ nay đến trước năm 2030 nếu thế giới không kịp thời nhiệt độ toàn cầu tăng cao. Dẫu vậy, một tín hiệu vui phát đi từ báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), đầu tư toàn cầu năm 2015 cho các dự án dầu và phát triển than chỉ có 130 tỷ USD, trong khi số tiền đầu tư vào các dự án năng lượng sạch lên tới 286 tỷ USD. 

NAM VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chống biến đổi khí hậu: cuộc đua thời gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO