Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: Đã xử lý hình sự

VIỆT NGUYỄN 24/05/2018 08:41

Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Quảng Nam (Ban chỉ đạo 389) lần đầu tiên xử lý hình sự bà Phạm Thị Thuận (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) buôn bán động vật hoang dã quý hiếm.

Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh kiểm tra hành chính tại nhà bà Phạm Thị Thuận. Ảnh: V.N
Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh kiểm tra hành chính tại nhà bà Phạm Thị Thuận. Ảnh: V.N

Với hành vi mua bán trái phép động vật hoang dã, trong đó có 13 con rắn hổ chúa, 4 cá thể rùa núi viền, 33 cá thể rùa sa nhân, 1 cá thể rùa 4 mắt, 10 cá thể ba ba, bà Phạm Thị Thuận đã bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng để điều tra về hành vi vi phạm các quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Trước đó, ngày 8.5, Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh đã kiểm tra hành chính tại nhà bà Thuận và phát hiện số động vật hoang dã nói trên bị nhốt để chờ chở đi tiêu thụ.

Theo bà Thuận, số động vật hoang dã được mua của nhiều người dân để bán kiếm lời, không có hồ sơ, giấy tờ hợp pháp. “Lâu nay, Ban chỉ đạo 389 Quảng Nam mới chỉ xử lý hành chính các vi phạm. Lần đầu tiên có trường hợp của bà Thuận bị xử lý hình sự vì tính chất, mức độ quá nghiêm trọng, phải xử nghiêm đúng theo quy định của pháp luật” - ông Đoàn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo 389 nói.

Trung tá Hồ Song Ân - Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh cho biết, bà Phạm Thị Thuận đã mua bán, tàng trữ động vật hoang dã trái phép với quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Quảng Nam. Sau khi nắm được thông tin về sai phạm trong hoạt động kinh doanh của bà Thuận, lực lượng chức năng đã phân công trinh sát theo dõi, điều tra, nắm rõ quy luật hoạt động của đối tượng để tiến hành bắt quả tang. Hầu hết loài động vật hoang dã không rõ nguồn gốc được phát hiện ở nhà bà Thuận đều nằm trong danh mục nguy cấp, quý, hiếm. “Chúng tôi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Thuận để tiếp tục điều tra mở rộng. Sai phạm này là rất nghiêm trọng, phải xử lý mạnh tay để răn đe, chấn chỉnh, hạn chế sai phạm trong thời gian đến” - Trung tá Hồ Song Ân nói.

Thời gian qua, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Cụ thể, Chi cục Quản lý thị trường đã tổ chức tuyên truyền chống buôn lậu thuốc lá tại 88 điểm trên địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố. Sở NN&PTNT đã nâng cao công tác tuyên truyền, lồng ghép trong các đợt thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm; sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp; bảo vệ, phát triển rừng, thủy sản. Bộ đội biên phòng đã chỉ đạo các đơn vị trên tuyến biên giới, hải đảo tuyên truyền pháp luật về biên giới quốc gia, chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua biên giới, cửa khẩu. Đáng nói nhất là chỉ riêng trong tháng 4 đầu năm nay đã có đến 285 vụ việc sai phạm trên lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được ngành chức năng điều tra, phát hiện, xử lý hành chính. Ngành chức năng đã thu nộp ngân sách nhà nước hơn 3 tỷ đồng…

Theo ông Đoàn Ngọc Sơn, lực lượng chức năng thiếu, trang thiết bị phục vụ ít ỏi là khó khăn lớn nhất trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh bởi địa bàn quá rộng, địa hình phức tạp, đối tượng vi phạm rất đa dạng lại sử dụng các thủ đoạn ngày một tinh vi. Trong thời gian đến, tiếp tục quản lý chặt chẽ các địa bàn, nhất là hải đảo, biên giới, cửa khẩu, quản lý chặt thị trường, làm rõ các dấu hiệu tội phạm, lập phương án đấu tranh bài bản, triệt phá các đường dây, đầu nậu, cửa hàng lớn, đối tượng buôn lậu chuyên nghiệp, xử lý nghiêm sai phạm. Cùng với đó là kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm cũng như phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông để thông tin nhanh, rõ các sai phạm.

VIỆT NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: Đã xử lý hình sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO