Hệ lụy từ xây dựng hạ tầng các khu tái định cư (TĐC) thủy điện luôn là nỗi trăn trở ở miền núi. Trở lại các ngôi làng mới ở Phước Sơn, “nốt nhạc buồn” lại ngân lên khi đồng bào dân tộc thiểu số vẫn bế tắc với câu chuyện giảm nghèo và bị đánh mất nhiều thứ.
![]() |
Thiếu đất sản xuất luôn là rào cản giảm nghèo bền vững ở các làng tái định cư. Ảnh: HỮU PHÚC |
Ngán ngẩm với công trình dân sinh
Làng TĐC thôn 2, xã Phước Hòa (Phước Sơn) ra đời gần 10 năm nay, nhưng vẫn thiếu sức sống. Nhà cửa cũ kỹ, tường xây mốc meo, xuất hiện nhiều vết nứt toác. Con đường bê tông dẫn vào làng lởm chởm sạn đá, gồ ghề khó đi. Ra định cư ở làng mới gần 10 năm nay, nhưng ông Lê Văn Thắm cho biết vẫn còn cảm giác ngán ngẩm bởi các điều kiện sinh hoạt, đời sống tối thiểu không đảm bảo. Nằm ở đầu công trình nước tự chảy, song nghịch lý là người dân luôn trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Hệ thống đường ống dẫn nước vào nhà dân bị hư hỏng, không ai chịu khắc phục. Đưa chúng tôi ra xem hệ thống đường ống đặt âm xuống lòng đất hư hỏng trồi lên trên, ông Thắm nói: “Lẽ ra chủ đầu tư nhà máy thủy điện phải đặt đường ống bằng chất liệu bền hơn, đằng này dùng ống nhựa giá rẻ, trâu bò giẫm lên là có thể bể ngay. Nguồn nước thì dồi dào nhưng người dân sử dụng phung phí. Đáng lo hơn nếu đường ống bị hư, dân không biết chỗ mô mà tìm để sửa chữa. Nhiều lúc người dân báo lên chính quyền cử cán bộ đến kiểm tra nhưng rồi lại ra về”.
Thu hồi 105ha nhưng chỉ bố trí 25ha Con số trên được Chủ tịch UBND xã Phước Xuân Nguyễn Tấn Sâm nêu ra tại buổi làm việc với Đoàn giám sát HĐND tỉnh về khảo sát tình hình đời sống người dân tại các khu TĐC thủy điện vào chiều 22.8. Theo địa phương, dự án thủy điện chỉ mới tập trung đầu tư hạ tầng, công trình dân sinh mà thiếu quan tâm xây dựng phương án sản xuất, tính toán quy hoạch quỹ đất canh tác dự phòng cho việc tăng dân số, tách hộ, chính sách giãn dân. Đoàn giám sát HĐND tỉnh đánh giá, chỗ sản xuất mới thua xa nơi cũ, chủ đầu tư nhà máy thủy điện không chỉ giao đất thiếu nhiều diện tích so với diện tích đất thu hồi mà còn bố trí nơi sản xuất không thuận lợi đi lại, chất lượng đất xấu. |
Theo người dân địa phương, đến bây giờ họ vẫn chưa được phổ biến vị trí đặt đường ống dẫn nước sạch âm dưới lòng đất nên khi xảy ra sự cố họ không biết cách khắc phục, trong khi đó chủ đầu tư thì nói bàn giao cho địa phương nên hết trách nhiệm. Ngoài hạng mục nước sạch, thì đường bê tông nông thôn, nhà cửa, công trình phụ xuống cấp dân cũng chờ… cán bộ đến giúp. Một số ngôi nhà TĐC đồng bào đang ở, cửa hư hỏng nằm xiên xẹo. Tại làng, phần lớn đều có hiện trạng “nhà ghép”, nghĩa là bên ngôi nhà tường xây, lợp tôn, người dân còn dựng thêm nhà gỗ truyền thống và mọi sinh hoạt đều ở trong ngôi nhà gỗ này. Thực tế là hầu hết đồng bào đều không thích ở trong ngôi nhà do chủ đập thủy điện xây. Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Nguyễn Mạnh Hà nói: “Sự xuống cấp về hạ tầng cơ sở, các công trình dân sinh ở ngôi làng TĐC chính quyền nắm rất rõ, nhiều lần đề xuất với chủ đầu tư thủy điện (Công ty CP Thủy điện Đắc Mi), nhưng họ vẫn thoái thác trách nhiệm”.
Trước đây, huyện Phước Sơn phát đi nhiều văn bản kiến nghị tỉnh, chủ đập thủy điện đề xuất hỗ trợ kinh phí sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng khu TĐC gồm đường giao thông nội bộ, nhà ở của dân, nước sinh hoạt… Trong khi đó, ông Đinh Hữu Tấn - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Đắc Mi thông tin, năm 2017, công ty đã duy tu, bão dưỡng hệ thống điện, nước, mái tôn, xử lý các nhà cửa bị nứt cho 41 hộ dân TĐC thủy điện Đắc Mi 4C tại xã Phước Hòa với kinh phí 600 triệu đồng. Ngoài ra, xử lý, sửa chữa hệ thống đường ống cung cấp nước sạch cho toàn bộ khu TĐC.
Hầu hết là hộ nghèo
Chủ đầu tư nhà máy thủy điện đã xây dựng 2 khu TĐC tại huyện Phước Sơn (gồm thôn 2 - xã Phước Hòa có 44 hộ TĐC và thôn Nước Lang - xã Phước Xuân có 25 hộ). Sau hơn 10 năm, có ít nhất 100 hộ sinh sống tại hai ngôi làng này. Ông Hồ Văn Chung (thôn 2, xã Phước Hòa) ra định cư ở làng năm 2009, giờ trong ngôi nhà này có nhiều thế hệ gia đình sống chung và tất cả đều là hộ nghèo. Theo già Chung, đất canh tác của gia đình là rừng dế hơn 2 sào. Mỗi vụ chỉ canh tác vài ba ang lúa giống (mỗi ang tương đương 30 lon). Lúa rẫy làm ra nếu không bị mất mùa, thiên tai thì chỉ đủ đáp ứng lương thực chừng nửa năm. Để có cái ăn đắp đổi qua ngày, gia đình ông phải vào rừng già bứt mây, làm thuê, hay khai thác lâm sản phụ. Ông Đinh Mạnh Vĩnh – Chủ tịch UBND xã Phước Hòa thông tin, thu nhập bình quân của mỗi người dân TĐC là dưới 7,5 triệu đồng/năm. Mong ước lớn của địa phương là Nhà nước hỗ trợ khoảng 15 tỷ đồng xây dựng cây cầu bắc qua sông, để dân thuận lợi hơn với vùng sản xuất vì hiện nay muốn đến nơi sản xuất, người dân phải đi vòng qua địa bàn xã Phước Hiệp. Cây keo trồng thì bị mất giá do đường vận chuyển khó khăn. Trong số 44 hộ dân TĐC tập trung và tại chỗ ở thôn 2 (xã Phước Hòa) thì chỉ có 4 hộ thoát nghèo.
![]() |
Ông Lê Văn Thắm chỉ vào đường ống dẫn nước âm dưới lòng đất bị hư hỏng. |
Ngôi làng Nước Lang (xã Phước Xuân) nằm vắt vẻo dưới đồi núi cao. Năm 2007, làng có 25 hộ dân TĐC thì nay đã tăng lên 45 hộ. Làng bủa vây bởi màu xanh bất tận của cây keo và rừng nguyên sinh trập trùng. Chính sách dịch vụ môi trường rừng đã hỗ trợ cải thiện cuộc sống đồng bào Giẻ Triêng, nhưng cái bóng của sự khó nghèo vẫn phủ lên. Bà Y Nở - Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Nước Lang nói: “Thiếu đất sản xuất, khó kiếm việc gì khác ngoài rừng, đời sống bấp bênh khiến đói nghèo triền miên. Mỗi hộ có chỉ khoảng 3 - 4 sào đất lúa, 8.000m2 đất nương rẫy làm sao mà khá lên được”. Theo bà Nở, đất rừng thì không được Nhà nước cấp “sổ đỏ” nên đâu có thể thế chấp vay ngân hàng phát triển sản xuất, chăn nuôi. Chợt nhớ đến lời nói chua cay của ông Lê Thanh Việt (người dân TĐC thôn 2, xã Phước Hòa), rằng trong 44 hộ TĐC có 4 hộ thoát nghèo thuộc đối tượng cán bộ và người dân vay được vốn ngân hàng. Ông Việt may mắn hơn nhiều đồng bào Giẻ Triêng khác bởi có rừng diện tích lớn và được cấp “sổ đỏ” đất lâm nghiệp. Chủ tịch UBND xã Phước Xuân Nguyễn Chí Sâm thông tin, chỉ có 107 hộ được cấp “sổ đỏ” đất lâm nghiệp từ năm 2011 về trước và 7 năm nay hầu như không có một trường hợp nào của xã được cấp giấy trên mảnh đất rừng mình quản lý, sử dụng.
Có mục sở thị 2 làng TĐC ở Phước Hòa và Phước Xuân, mới nhìn thấy thủy điện đã bố trí cho đồng bào “chỗ đứng” chông chênh thế nào. Sống chủ yếu dựa vào rừng, tư liệu sản xuất chính là đất nhưng không nhiều và bấp bênh thì làm sao ổn định an ninh lương thực tại chỗ được!
HỮU PHÚC