Chống dịch hiệu quả, đặt sức khỏe và tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết

NGUYÊN ĐOAN 30/07/2021 17:26

(QNO) - Sáng nay 30.7, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương về tình hình phòng chống dịch và phương án tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được Quốc hội khóa XV quyết nghị tại Kỳ họp thứ nhất. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh sáng nay 30.7. Ảnh: N.Đ
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Nam. Ảnh: N.Đ

Tại điểm cầu Quảng Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường; Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh dự hội nghị.

Phấn đấu chậm nhất quý IV.2021 có vắc xin trong nước

Tại hội nghị, Chính phủ đã lấy ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 30 được Quốc hội khóa XV quyết nghị tại Kỳ họp thứ nhất.  

Theo dự thảo nghị quyết, để tập trung ngăn chặn, chủ động phòng chống dịch bệnh theo các mức nguy cơ, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát dịch bệnh, đặt sức khỏe, tính mạng nhân dân lên trên hết, trước hết, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”, Chính phủ đưa ra 8 giải pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian đến.

Theo đó, các địa phương trên cơ sở đánh giá mức nguy cơ theo Quyết định số 2686 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, căn cứ mức nguy cơ tại từng thời điểm, địa bàn để quyết định áp dụng hoặc tiếp tục áp dụng linh hoạt các Chỉ thị số 15, 16, 19 của Thủ tướng Chính phủ, các giải pháp chống dịch khác đã thực hiện trong thời gian qua và các biện pháp cần thiết trước đây.

Việc thực hiện giãn cách và các biện pháp phải nghiêm ngay từ đầu, có thể làm chặt chẽ hơn, cao hơn, nhanh hơn mức nguy cơ. Vừa làm vừa thường xuyên rút kinh nghiệm, điều chỉnh sát với thực tiễn.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh trao đổi với đại diện lãnh đạo Công an tỉnh về phương án hỗ trợ người dân đi xe máy từ TP.Hồ Chí Minh về quê theo đường Hồ Chí Minh trong giờ giải lao. Ảnh: N.Đ
Giờ giải lao, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh trao đổi với lãnh đạo Công an tỉnh về phương án hỗ trợ người dân đi xe máy từ TP.Hồ Chí Minh về quê theo đường Hồ Chí Minh. Ảnh: N.Đ

Chính phủ giao Bộ Y tế xây dựng phương án đảm bảo công tác y tế đối với tình huống khi có 300 nghìn người mắc Covid-19 làm căn cứ cho mua sắm, dự trữ, tổ chức lực lượng, đầu tư nguồn lực, trình Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 trước ngày 15.8.2021.

Đồng thời tập trung, khẩn trương, tăng tốc nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, sản xuất vắc xin trong nước nhanh nhất, sớm nhất có thể; ban hành ngay quy định cấp giấy đăng ký lưu hành khẩn cấp vắc xin, cho phép sử dụng báo cáo giữa kỳ giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng vắc xin trong nước để đánh giá, xem xét cấp phép khẩn cấp; phấn đấu chậm nhất phải có vắc xin để tiêm cho người dân vào quý IV năm 2021.

Đặc biệt, hoàn thành việc hướng dẫn để người dân tiêm đủ liều vắc xin có thể tham gia lao động, đi lại, sinh hoạt bình thường trước 30.8.2021.

Về đảm bảo hậu cần, theo Chính phủ, ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ chi hoạt động thường xuyên; kinh phí phòng chống dịch Covid-19 được chuyển nguồn sang năm tiếp theo, kinh phí cho các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết được điều chỉnh để chi cho công tác phòng chống dịch Covid-19.

Trong trường hợp cấp thiết, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ cho ngân sách địa phương để thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19. Bộ Tài chính quyết định định mức hỗ trợ, ứng trước ngân sách nhà nước hỗ trợ các địa phương khi vượt khả năng cân đối ngân sách của địa phương; quy định ngân sách phòng chống dịch được chuyển nguồn sang năm kế tiếp khi chưa có quyết định công bố hết dịch; chủ trì định giá vắc xin sản xuất trong nước đặt hàng từ ngân sách nhà nước…

Bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết

Trao đổi với lãnh đạo các địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 khẳng định: Chiến lược chống dịch của nước ta là chiến dịch của một nước đang phát triển, dựa vào đặc thù riêng của cả hệ thống chính trị Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và truyền thống của nhân dân Việt Nam, nhất quyết không bị tác động, bị giao động của bất kỳ thế lực không trong sáng nào.

Phó Thủ tướng cho rằng, dịch bệnh sẽ còn căng thẳng cho đến khi chúng ta có miễn dịch cộng đồng bằng vắc xin hoặc có thuốc đặc trị Covid-19; nếu không sẽ không thể quay lại cuộc sống bình thường được, lúc nào cũng rất cảnh giác, luôn luôn trong tình trạng phòng chống dịch dịch bệnh.

Thông tin về tình hình dịch bệnh ở TP.Hồ Chí Minh và các địa phương phía Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị lãnh đạo các địa phương thường xuyên cập nhập tình hình dịch bệnh trên cả nước, các mức cảnh báo để chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch trên địa bàn, với tinh thần sớm hơn, cao hơn chứ không được muộn hơn.

Trong công tác phòng chống dịch cần tiếp tục thực hiện nghiêm 5 bước: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Những tỉnh có ca mắc ít thì phải thực hiện truy vết đến cùng, điều tra dịch tễ để khoanh vùng phạm vi hẹp lại, không để dịch lây lan sang các khu vực khác.

Việc giãn cách xã hội, cách ly tập trung phải thực hiện nghiêm ngay từ đầu. “Cả nước phải thực hiện nghiêm các văn bản như từ trước tới nay, cố gắng khống chế không để dịch bệnh lây truyền “đỏ hết” như TP.Hồ Chí Minh và một địa phương lân cận” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương các lực lượng tuyến đầu chống dịch như y tế, quân đội, công an, các tổ chức cộng đồng, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… đã đồng hành với Chính phủ để thực hiện “mục tiêu kép” đã đề ra trong thời gian vừa qua.

Chỉ ra các mặt còn hạn chế, bất cập, nhất là khâu tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, những hạn chế, bất cập này cần phải được khắc phục trong thời gian tới. Đồng thời khẳng định, mục tiêu nhất quán, cao nhất của Chính phủ là chống dịch hiệu quả, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết; phát triển kinh tế - xã hội để phát triển đất nước, có nguồn lực phục vụ cho chống dịch, với mục tiêu đảm bảo cho người dân được ấm no, an toàn, hạnh phúc.

Theo Thủ tướng, trên phạm vi cả nước lúc này cần tập trung ưu tiên số một cho công tác phòng chống dịch, kiểm soát được dịch bệnh thì mới phát triển kinh tế - xã hội được. Với tinh thần tôn trọng thực tiễn, bám sát diễn biến của thực tiễn, các cấp ủy, chính quyền tận dụng tối đa khả năng để khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh. Nơi an toàn, nơi có điều kiện vẫn phải mở rộng sản xuất, dứt khoát không để xảy ra khủng hoảng kinh tế - xã hội, khủng hoảng truyền thông.

Xác định dịch bệnh Covid-19 và các biến thể là căn bệnh thế kỷ, tạm thời chưa có thuốc chữa, Thủ tướng cho rằng, công tác phòng dịch vẫn là chiến lược, cộng với vắc xin và ý thức của người dân, các giải pháp pháp về công nghệ, có như vậy mới thích ứng được với dịch bệnh. “Đây là cuộc chiến trường kỳ, lâu dài, vì vậy, chúng ta cần chuẩn bị tâm thế, nguồn lực, các biện pháp cho phù hợp, không lơ là, chủ quan trong bất kỳ thời điểm nào” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, cấp ủy, chính quyền các cấp phải tổ chức thực hiện thật nghiêm, hiệu quả các chỉ đạo, kết luận, nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về phòng chống dịch bệnh Covid-19. Các bộ, ngành các cấp tùy vào chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện thật tốt trong phạm vi được phân cấp, ủy quyền gắn với chịu trách nhiệm, cấp trên tăng cường giám sát kiểm tra.

Thủ tướng nhấn mạnh, khi thực hiện việc cách ly, giãn cách xã hội để phòng chống dịch cần quan tâm hỗ trợ tối đa cho người dân các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, không để xảy ra thiếu ăn, thiếu mặc. Đáp ứng các yêu cầu về y tế của người dân ở mọi lúc, mọi nơi; giảm tối đa các ca tử vong…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chống dịch hiệu quả, đặt sức khỏe và tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO