Một kiến trúc sư trẻ sớm từ giã chuyên ngành để đeo đuổi nghề trùng tu tháp Chăm, “hiểu” các kiến trúc Chăm và đưa ra ý tưởng độc đáo: dùng hệ thống chống đỡ kiểu “bàn tay” để bảo tồn tháp Sáng ở Phật viện Đồng Dương.
Những người quan tâm đến di tích Phật viện Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình) đều không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh di tích này hoang tàn, đổ nát từng ngày. Năm 2007, UBND tỉnh đã giao Sở Văn hóa - thể thao, Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích (QLBTDT) tỉnh và các sở, ngành liên quan bàn biện pháp chống đỡ cấp thiết di tích tháp Sáng. Lúc bấy giờ, các ngành hữu quan đã ghi nhận tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của di tích: một mảng tường của tháp Sáng (tháp Cổng) cao hơn 5 mét đang chơi vơi, không có điểm tựa; các viên gạch đã tự hủy hoại phân hóa theo thời gian nên nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, nguy nhất là vào mùa mưa bão. Chưa kể, toàn bộ những gì còn lại của di tích đã quá tàn tạ này bị vây bủa bởi cây cối do người dân trồng, lấn đến tận chân tháp… Tuy nhiên, với khoản kinh phí khá khiêm tốn lúc bấy giờ (gần 50 triệu đồng), việc chống đỡ tháp Sáng cũng chỉ mang tính chất giải quyết tình thế cấp bách để cứu di tích. Chúng tôi còn giữ những bức hình chụp tháp Sáng sau lần chống đỡ này, đó là những thanh xà gỗ yếu ớt, sớm bị hư mục bởi khí hậu khá khắc nghiệt ở đây, rêu, nấm nhanh chóng mọc trên những thân gỗ sau chỉ vài năm. Bất cứ người nào đứng cạnh di tích này đều thấy rõ tháp sẽ khó có thể chống đỡ với sức nặng thời gian…
Tháp Sáng hiện được chống đỡ bằng khung kim loại do KTS. Tô Chí Vinh thiết kế. |
Đến tháng 8.2012, UBND huyện Thăng Bình chủ trì cuộc hội thảo quy mô lớn với các chuyên gia hàng đầu trong nước và các ngành chức năng trong lĩnh vực bảo tồn, khảo cổ để tìm cách “đánh thức” di tích Phật viện Đồng Dương. Mặc dù đã có nhiều tuyên bố, lời hứa, kế hoạch được đưa ra từ hội thảo, nhưng từ bấy đến nay vẫn chưa có động thái nào thể hiện quyết tâm cứu Đồng Dương… Gần một năm sau, di tích vẫn tiếp tục phải chống đỡ, nhưng lần này phương án đưa ra khá khoa học. Người được giao nhiệm vụ thiết kế khung chống đỡ là kiến trúc sư Tô Chí Vinh, 35 tuổi, quê gốc xã Duy Phú (Duy Xuyên).
Tháp Sáng được chống đỡ bằng gỗ năm 2007. |
(KTS. TÔ CHÍ VINH) |
Chúng tôi gặp anh Tô Chí Vinh trong cái nắng gay gắt đầu hè tại Mỹ Sơn. Anh đang tham gia trùng tu tháp E7 cùng các chuyên gia Italia trong vai trò là người của Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT&DL), chỉ huy một bộ phận nhân viên trùng tu tháp E7. “Thật khó nói về công việc của mình. Khi nào có việc phải rời xa hiện trường vài ngày là bứt rứt không yên. Làm việc cạnh các chuyên gia Italia, nghĩ họ từ hàng ngàn cây số đến đây, nâng niu quý trọng từng viên gạch vỡ, cẩn thận bóc gỡ từng lớp đá, gạch… càng thấy trách nhiệm của mình với di sản”. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành kiến trúc dân dụng, nhưng Tô Chí Vinh đã đánh đổi nhiều thứ để lấy đam mê của mình khi quyết định theo đuổi lĩnh vực trùng tu di tích, và anh không cảm thấy hối tiếc. Mỗi viên gạch, mỗi mảng tường cũ ở những di tích Chăm như có một số phận, câu chuyện kỳ lạ thu hút lấy anh…
Được Trung tâm QLBTDT tỉnh giao nhiệm vụ thiết kế khung chống đỡ cho tháp Sáng Đồng Dương, điều lo lắng nhất của Vinh là việc gì sẽ xảy ra khi tháo gỡ khung chống đỡ cũ, mà tháp hiện giờ đã quá yếu… Kinh nghiệm trùng tu di tích mà anh có được là hầu hết di tích Chăm đều chỉ có thể tự nâng đỡ lấy mình, bất kỳ tác động của ngoại lực nào (gió mạnh, va quẹt của cấy cối…) đều là mối nguy lớn. Phương án chống đỡ được kiến trúc sư Tô Chí Vinh phác thảo dựa trên kinh nghiệm của mình, chưa thấy bất cứ nơi nào dùng đến, đó là dùng nhiều “bàn tay” áp nhẹ vào thân tháp. Dù khung chống đỡ bằng kim loại, di tích cũng không bị xâm hại bởi những “bàn tay” ấy là bảng gỗ mềm, bền, không làm “đau” thân tháp; giữa thân tháp và “cánh tay” là một bộ phận truyền cơ động có thể co giãn, điều chỉnh khoảng cách… Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nhận xét rằng, phải hiểu lắm công việc trùng tu mới có ý tưởng độc đáo như Vinh. Nhìn những “bàn tay” vững vàng nâng đỡ thân tháp Sáng, ai cũng cảm thấy yên tâm.
Những “cánh tay” nâng đỡ tháp Sáng. |
Ông Phan Văn Cẩm - Giám đốc Trung tâm QLBTDT tỉnh cũng khẳng định: “Chống đỡ tháp Sáng Đồng Dương là phần việc tôi rất hài lòng vì được thực hiện rất kỹ lưỡng. Trung tâm QLBTDT đã giao nhiệm vụ cho một kiến trúc sư có tâm huyết, từng gắn bó với nhiều di tích Chăm trên địa bàn Quảng Nam. Đơn vị tổ chức thi công, giám sát cũng đã làm tròn nhiệm vụ của mình”. Cũng theo ông Cẩm, hiện Quảng Nam có 2 dạng kiến trúc quan trọng, đó là dạng kiến trúc gỗ và kiến trúc Chăm. Trong khi mảng kiến trúc gỗ đang có đội ngũ nghệ nhân, thiết kế, thi công, kể cả giám sát… rất hùng hậu, nhiều kinh nghiệm thì mảng kiến trúc Chăm rất thiếu hụt.
Mười năm qua, UNESCO đã giúp cho Quảng Nam thực hiện dự án Bảo tồn khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, thuyết minh và đào tạo trong ứng dụng những tiêu chuẩn quốc tế về bảo tồn di tích… Tuy nhiên, mục tiêu đào tạo cán bộ bảo tồn tại chỗ chưa đạt kết quả mong muốn, đội ngũ này vẫn còn mỏng trong khi Quảng Nam vốn dày đặc di tích Chăm. Hiện Đại sứ quán Italia đang giúp cho Quảng Nam dự án đào tạo đội ngũ công nhân trùng tu di tích, hy vọng tương lai đội ngũ này sẽ đáp ứng nhu cầu trùng tu.
DOÃN HOÀNG