Chống hạn ở Đại Lộc

BÍCH LIÊN 24/06/2014 08:55

Thời điểm này, nhiều địa phương tại Đại Lộc đã hoàn thành việc xuống giống lúa hè thu, song không ít diện tích bị hoang hóa vì khô hạn. Nông dân đang nỗ lực chống chọi với khô hạn để cứu lúa và hoa màu.

  • Bỏ hoang ruộng đồng
  • Nỗi lo ở vùng cực hạn
  • Hơn 1.310ha lúa bị khô hạn nặng
  • 300ha lúa ở Quế Sơn bị khô hạn nghiêm trọng
  • Cháy khô vì nắng hạn
  • Miền núi nỗ lực chống hạn
  • 4 tỷ đồng thực hiện công tác chống hạn và nhiễm mặn
  • Chống hạn cho vùng cuối kênh
Cánh đồng thôn Ngọc Kinh Đông bị bỏ hoang.Ảnh: BÍCH LIÊN
Cánh đồng thôn Ngọc Kinh Đông bị bỏ hoang.Ảnh: BÍCH LIÊN

Ruộng hoang, đồng cháy

Những ngày này, người dân thôn Ngọc Kinh Đông (Đại Hồng, Đại Lộc) đứng ngồi không yên bởi hàng chục héc ta hoa màu ven sông có nguy cơ héo rũ. Nắng hè rát bỏng, nguồn nước khô kiệt đã khiến những cánh đồng bắp, đậu xanh, ớt, dưa… ven sông héo rũ, còi cọc vì thiếu nước. Thăm đồng khi đã xế chiều, ông Trần Ngọc Bích ngao ngán: “Hai sào ruộng đã bỏ hoang, nay tới cả 2 sào màu của gia đình cũng bị chết héo. Vụ này coi như mất trắng rồi”. Cạnh đó, vợ chồng ông Hồ Muôi cũng chung nỗi niềm khi toàn bộ 4 sào bắp và đậu xanh của gia đình thiếu nước tưới trầm trọng, cây tới kỳ trổ hoa, đơm trái nhưng lại còi cọc, không phát triển được. Trong khi đó, “còn nước còn tát”, một số nông hộ khác đào giếng, sắm máy bơm, đường ống hàng trăm mét đưa nước từ sông vào cứu hoa màu, cầm chừng để đợi mưa xuống. Còn những ai không đủ điều kiện thì chỉ còn cách bỏ hoang, may rủi nhờ vào mưa bởi đường ống kéo từ sông lên đồng dài mấy trăm mét, tiền thuê máy bơm tưới 120 – 150 nghìn đồng/giờ là quá cao so với nhiều người.

Trong khi hầu khắp cánh đồng tại Đại Lộc đã được đồng loạt xuống giống thì hai cánh đồng của thôn Ngọc Kinh Đông, xã Đại Hồng lại trở nên khô khốc vì nắng hạn. Khoảng 28ha ruộng đã được cày ải, chỉ chờ có nước là gieo sạ nhưng tới nay vẫn phải bỏ hoang. Đây là số diện tích lâu nay sử dụng nước tự chảy từ đập Khe Bò và đập Cây Xoay, nhưng 2 đập trên đã bị khô kiệt nước. Ruộng đồng hoang hóa, bà con Ngọc Kinh Đông và thôn 6 (xã Đại Hồng) đang lo lắng, rầu rĩ. “Thôn nghèo, ruộng đồng lại không sản xuất được, chúng tôi cũng không biết sống dựa vào gì nữa” - cụ bà Nguyễn Thị Nghĩ nói. Cũng theo người dân, vụ hè thu những năm trước tuy có thiếu nước vào giai đoạn cuối, năng suất có giảm nhưng dù sao vẫn còn có thể sản xuất được, chưa đến mức phải bỏ đất hoang hóa. Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Ngọc Mẫn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc cho biết, diện tích trên địa phương đã nhiều lần tính đến phương án chuyển đổi nhưng do địa hình, đặc thù đất đai khá phức tạp, chỉ cần một trận mưa là úng thủy, cây trồng khó mà phát triển trên loại đất này. Hơn nữa, vùng này nằm sát núi nên khâu “ứng cứu” gặp khó vì không đủ nguồn nước để bơm lên đồng. “Địa phương lúng túng, chỉ còn cách chờ mưa xuống, nếu kịp sẽ bố trí cho bà con gieo sạ giống ngắn ngày” - ông Mẫn nói.

Nỗ lực chống hạn

Theo ông Hồ Ngọc Mẫn, đến nay toàn huyện Đại Lộc đã xuống giống với tổng diện tích 4.329ha, trong đó có 300ha sản xuất lúa giống cho các công ty giống cây trồng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều diện tích phải bỏ hoang như ở Đại Hồng hay cục bộ tại một vài nơi, cây lúa đã sạ đứng trước nguy cơ chết héo vì thiếu nước. Hiện mực nước các hồ đập tại Đại Lộc đang xuống thấp và nếu không có mưa, phần lớn hồ đập sẽ bị “treo”. Chẳng hạn, hồ Hóc Lách (Đại Thạnh) tưới cho 13,5ha của cánh đồng trong xã chỉ cần 2 đợt tưới nữa sẽ khô kiệt nước. Hay như lạch Cầu Chìm dẫn nước tưới phục vụ 3 trạm bơm trên địa bàn xã Đại Quang đã cạn dòng… Phương án chống hạn đối với những công trình trên đã được thiết lập kịp thời. Chẳng hạn, đối với 13,5ha của hồ Hóc Lách, Phòng NN&PTNT đã kịp thời chỉ đạo dùng hệ thống đường ống cấp nước sẵn có tại Đại Thạnh bơm trực tiếp từ sông Thu Bồn vào bể chứa rồi bơm dợi lên các trạm bơm lân cận tưới cho 6ha, số còn lại sử dụng nguồn dự trữ trong hồ để tưới. Hay như lạch Cầu Chìm, để dẫn nước từ sông Vu Gia vào, ngành nông nghiệp khảo sát và triển khai dùng bao cát ngăn nước, bơm dợi vào trạm phục vụ tưới cho một số diện tích.

Cũng theo ông Mẫn, tình trạng khô hạn không chỉ tác động lên cây lúa mà còn tác động nghiêm trọng lên cả cây màu. Tại những vùng đã “thủy lợi hóa”, cây trồng phát triển khá tốt, nhiều loại cây trồng cho năng suất cao. Vụ này, toàn huyện phát triển 277ha đậu xanh giống theo hợp đồng ký kết với công ty, đậu xanh được mùa, được giá, nông dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, đáng lo nhất là những diện tích ven sông, toàn bộ vùng này là đất cát pha, phải “chạy nắng” rất vất vả. Nhiều vùng người dân phải xoay xở tìm nguồn tưới song vẫn không thấm vào đâu. Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng NN&PTNT, ước tính diện tích hoa màu bị ảnh hưởng bởi khô hạn toàn huyện khoảng 100ha và con số này sẽ tăng nếu không có mưa.

Ông Lê Khắc Bảy - cán bộ phụ trách thủy lợi (Phòng NN&PTNT) cho biết thêm, toàn huyện có 7 hồ đập, 45 công trình trạm bơm lớn nhỏ. Nhưng hiện 5/7 hồ đập trong số đó đã khô nước, 5 trạm bơm thiếu nước phải dợi nước từ sông vào tưới một số diện tích bị ảnh hưởng. Đại Quang, Đại Đồng, Đại Hưng, Đại Sơn… là các địa phương đối diện với tình trạng khô hạn gay gắt. Trên địa bàn huyện, ngoài 28ha lúa bỏ hoang tại Đại Hồng, toàn huyện còn xấp xỉ 100ha đã gieo sạ nhưng không có nước để tỉa dặm, nếu không có mưa bổ sung, nguy cơ lúa chết héo sẽ xảy ra trên một số diện tích. Hiện tại, mực nước sông trên địa bàn huyện xuống rất thấp nhưng cơ bản vẫn đảm bảo nước cho các trạm bơm hoạt động, nhưng về lâu dài thì khó khăn. “Ngành thủy lợi huyện đã và đang cố gắng hết sức tìm mọi biện pháp để khắc phục khô hạn. Tạm thời chỉ có thể sử dụng máy dầu, máy nổ bơm nước lân cận để dợi vào trạm bơm nỗ lực cứu số diện tích đã gieo sạ thiếu nước nói trên. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ có thể tiến hành đối với những vùng thấp, còn những vùng cao thì rất khó” - ông Bảy nói.

BÍCH LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chống hạn ở Đại Lộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO