Chống hạn vụ hè thu

TRIÊU NHAN 22/06/2017 09:29

Vụ hè thu này, huyện Đại Lộc xuống giống đại trà. Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thời tiết bất thường, huyện đã chủ động triển khai nhiều phương án chống hạn, đảm bảo vụ mùa thắng lợi.

Hội Nông dân huyện ra quân nạo vét kênh mương khơi thông nguồn tưới. Ảnh: BÍCH LIỄU
Hội Nông dân huyện ra quân nạo vét kênh mương khơi thông nguồn tưới. Ảnh: BÍCH LIỄU

Gieo sạ hết diện tích

Vụ hè thu 2017, Đại Lộc gieo sạ các giống lúa chủ lực như Nhị ưu 838, BC15, Quảng Nam 9, Q5, Thiên ưu 8, HT1, TBR1, TBR 225, TH3-5, Đột biến 6... Đến nay, nhiều địa phương đã và đang hoàn thành việc xuống giống, đảm bảo cơ cấu lịch thời vụ đề ra. Ngay từ đầu vụ, nhiều địa phương đã chủ động chống hạn nhằm đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất cho cả vụ. Ngoài tuân thủ cơ cấu lịch thời vụ, tổ chức gieo sạ giống trung và ngắn ngày, Đại Lộc còn chú trọng quy hoạch cánh đồng lớn, cứng hóa giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương thủy lợi đảm bảo tưới tiêu.

Huyện còn tích cực chuyển đổi 150ha diện tích cuối kênh bị “treo” nước sang trồng cây trồng cạn để tiết kiệm nước tưới bằng việc bố trí cây trồng hợp lý trên từng chân đất. Chi nhánh thủy lợi huyện cũng đã phối hợp với Hội Nông dân huyện tổ chức ra quân nạo vét kênh mương N2 tại xã Đại An với chiều dài hơn 1km thuộc hệ thống kênh công trình trạm bơm Ái Nghĩa và hàng chục tuyến kênh nội đồng khác phần lớn chưa được kiên cố hóa nhằm khơi thông dòng chảy. Các đội thủy nông được củng cố nhằm điều tiết nước tưới, quản lý nguồn tưới, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, hạn chế tối đa tình trạng thất thoát nước tưới ở các công trình thủy lợi và ngay trên từng đồng ruộng. Huyện cũng chỉ đạo các HTX nông nghiệp có kế hoạch, phương pháp phòng chống hạn cho vụ mùa, đồng thời tiếp tục chuyển đổi một số diện tích ở cuối kênh, các hồ chứa nhỏ thiếu nước ở cuối vụ sang trồng cây trồng cạn để tiết kiệm nước.

Bên cạnh đó, Chi nhánh thủy lợi huyện Đại Lộc sử dụng các biện pháp tận dụng nguồn nước tưới hồi quy, nạo vét những đoạn cuối kênh, đắp nâng bờ công trình nhằm tăng lưu lượng đảm bảo cấp nước, đảm bảo không để xảy ra khô hạn nặng. Chi nhánh đã và đang hoàn thiện việc tu bổ, sửa chữa nhiều đoạn kênh mương chính, cống tiêu, cống tưới và cầu máng, phục vụ tưới tiêu cho đồng ruộng. Công tác tu bổ kênh mương, cứng hóa bê tông kênh mương góp phần điều hành nước tốt hơn và nhanh hơn. Tuy nhiên, công tác điều hành phục vụ tưới tiêu cũng đối diện với nhiều khó khăn như một số tuyến kênh có mức tưới cao đến cả chục nghìn m3/ha, hệ thống trạm bơm Gò Da phải bơm 2 cấp, dẫn đến chi phí quản lý vận hành tăng cao, điện năng tiêu tốn lớn. Ở nhiều cánh đồng ruộng mấp mô dẫn đến lãng phí nước tưới, cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân tưới tiết kiệm, đắp bờ giữ nước… Việc tưới cho lúa áp dụng phương pháp tưới ngập, thiếu hệ thống thủy lợi nội đồng hoàn chỉnh nên chưa áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm hoặc theo quy trình nông - lộ - phơi…

Chủ động phòng chống hạn

Vụ này, thị trấn Ái Nghĩa xuống giống hơn 320ha với các giống chủ lực như TBR 225, HT1, Nhị ưu 8… được gieo sạ theo 2 trà với giống trung và ngắn ngày. Ông Trương Cảm - Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa cho biết, hiện 332ha của  thị trấn đã cơ bản gieo sạ xong. Để chống hạn, ngoài việc vận động người dân chọn cơ cấu giống hợp lý, gieo sạ đúng lịch, HTX còn chú trọng duy tu, sửa chữa nhiều công trình thủy lợi đảm bảo cấp nước tưới cho vụ mùa. Cụ thể như sửa chữa 5 trạm bơm điện, trong đó trạm bơm điện Hòa An được hoàn thiện với tổng kinh phí 3,1 tỷ đồng; bê tông hóa tuyến kênh cánh đồng Tây An với tổng kinh phí 600 triệu đồng nhằm đảm bảo tưới tiêu cho trên 50ha lúa vụ hè thu thường xuyên xảy ra thiếu nước nghiêm trọng. Đại Đồng là vùng chịu ảnh hưởng khô hạn nghiêm trọng ở vụ hè thu.

Toàn xã có 7 trạm bơm, trong đó có 2 trạm bơm đợi phục vụ tưới tiêu, song một số tuyến dọc sông thường xuyên bị bồi lấp khiến cho nhiều diện tích lúa tại các cánh đồng ven chân núi Sơn Gà của các thôn Vĩnh Phước, Lâm Tây, An Định bị thiếu hụt nước tưới nghiêm trọng vào mùa khô. Theo ông Đặng Ngọc Phú - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đồng, địa phương vừa xuống giống khoảng 353ha lúa hè thu với các giống chủ lực như TBR 225, HT1, Nhị ưu 8… Để chống hạn, địa phương đã khuyến khích bà con nông dân sử dụng các loại giống trung và ngắn ngày có khả năng chống chịu tốt, tập trung nguồn lực nạo vét kênh mương nội đồng, chuyển đổi nhiều diện tích đối với những vùng bị “treo” nước sang trồng cây sả, cây bắp, đậu xanh, đậu phụng nhằm nâng cao năng suất, sản lượng.

Vụ này, xã Đại Hòa gieo sạ hơn 157,8 ha, trong đó có 70ha sản xuất giống lúa F1- TBR225 do Công ty Giống Thái Bình đầu tư, liên kết với HTX và xã viên. Diện tích sản xuất lúa giống được bố trí ở 3 thôn: Bộ Nam, Bộ Bắc và Giáo Tây; 87,8ha được bố trí làm các giống lúa thương phẩm như HTI, TBR225, TBR45- TUW- ĐÀI THƠM 8- SV181… vốn là những loại giống trung ngày, chịu hạn và cho năng suất cao. Hiện, các trà lúa có độ tuổi bình quân 10 - 17 ngày tuổi, cây lúa phát triển tốt, vào thời kỳ tỉa dặm, thâm canh, chăm sóc. Trước tình trạng nắng hạn kéo dài, nguồn tưới của trạm bơm bàu Thạch Bộ bị khô cạn, nhiều diện tích lúa có khả năng bị thiếu nước tưới ở thời điểm quan trọng. Để chống hạn, HTX Đại Hòa thường xuyên cử cán bộ bám đồng, kiểm tra trạm bơm và có kế hoạch tưới tiêu phù hợp, không để xảy ra tình trạng ruộng bị khô nứt làm ảnh hưởng tới việc thâm canh cây lúa…

Theo ông Trần Văn Mai - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, điều đáng lo ngại là nguồn tưới. Qua khảo sát, mực nước trong các hồ chứa trên địa bàn hiện cao hơn so với cùng kỳ nhưng nếu nắng hạn kéo dài như hiện nay thì nguy cơ thiếu nước sẽ rất lớn. Ngoài việc chuyển đổi 150ha không chủ động nguồn nước tưới sang sản xuất cây màu, huyện còn đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con nông dân áp dụng các biện pháp giữ nước, chống thất thoát nguồn nước tưới. Đồng thời chỉ đạo các HTX lập kế hoạch dùng nước, xây dựng lịch tưới cụ thể phù hợp với việc cơ cấu giống đối với từng vùng, từng trà, theo từng tuyến kênh, đảm bảo không để xảy ra khô hạn nặng cục bộ gây thất thu…

TRIÊU NHAN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chống hạn vụ hè thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO