Một cuộc diễn tập huy động hàng trăm cán bộ chiến sĩ của nhiều đơn vị công an, quân sự, cảnh sát biển, biên phòng, nhằm nâng cao năng lực xử lý an ninh hàng hải, chống khủng bố, bảo đảm an ninh cảng biển... vừa được Cục Hàng hải tổ chức tại cảng Chu Lai - Trường Hải (Núi Thành) vào cuối tuần qua.
Không chỉ huy động nhiều lực lượng, trong kịch bản diễn tập, có sự xuất hiện của chó nghiệp vụ, súng bắn tỉa, rô bốt gắp mìn, xe thùng phá hủy bom mìn, tàu chữa cháy trên biển và nhiều trang thiết bị hiện đại khác. Ngoài diễn tập vận hành cơ chế, buổi diễn tập thực binh thực sự ấn tượng với 4 tình huống: thương thuyết giải cứu con tin, rà phà bom mìn, chữa cháy, cứu hộ cứu nạn và truy bắt đối tượng khủng bố trên biển.
Trình diễn năng lực
Tình huống giả định đặt ra tại buổi diễn tập là tổ chức khủng bố âm mưu tấn công các khu công nghiệp, cảng biển khu vực miền Trung, trong đó có cảng Chu Lai - Trường Hải. Cục An ninh nội địa đã tham mưu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chủ động nắm tình hình, tăng cường bảo vệ những mục tiêu trọng điểm. Triển khai các biện pháp nghiệp vụ, Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang phát hiện, bắt giữ 3 đối tượng nghi vấn khủng bố, tổ chức đấu tranh. Các đối tượng này khai nhận đang móc nối với nhóm đối tượng khác âm mưu tấn công khủng bố nhiều mục tiêu, đặc biệt là cảng Chu Lai - Trường Hải.
Quy trình vận hành cơ chế chỉ đạo đã được thể hiện đồng bộ từ Cục An ninh nội địa, Công an tỉnh, Cục Hàng hải, Cảng vụ Hàng hải, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng để ứng phó từng tình huống cụ thể, bám sát diễn biến. Theo kịch bản diễn tập, rất nhanh sau khi nắm được thông tin, bọn khủng bố bất ngờ xâm nhập vào cảng biển, bắt cóc con tin, dùng “vũ khí nóng” chống trả đồng thời đặt chất nổ ở nhiều vị trí để phá hoại, ra yêu sách cho lực lượng chức năng phải đảm bảo các điều kiện để chúng chạy ra hải phận quốc tế, đe dọa sử dụng thiết bị bay không người lái tấn công liều chết và giết con tin nếu không được đáp ứng.
Cán bộ, chiến sĩ tham gia diễn tập sử dụng đạn mã tử; chất nổ, chất tạo khói, tiếng súng nổ, tiếng bom mìn, lửa khói đều rất thật. Dưới nước, các lực lượng cảnh sát biển, biên phòng, cảng vụ huy động ca nô, tàu cao tốc trình diễn truy đuổi, tiêu diệt khủng bố. Tàu chữa cháy trên biển được huy động để xử lý tình huống giả định cháy tàu hàng, tàu cá do bọn khủng bố dùng thiết bị bay không người lái mang chất nổ phá hủy. Cơ chế liên lạc, hiệp đồng phối hợp chỉ huy, tác chiến được triển khai thông suốt. Sự xuất hiện của chó nghiệp vụ tấn công khủng bố, dùng thiết bị chuyên dụng để phát hiện, dùng rô bốt gắp bom, thùng chuyên dụng tiêu hủy bom và thực hành chữa cháy bằng thiết bị chuyên dụng mang lại nhiều ấn tượng. Sau hơn 2 giờ, buổi diễn tập đã thành công tốt đẹp.
Nâng cao khả năng xử lý sự cố
Theo ông Nguyễn Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo diễn tập, mục đích buổi diễn tập là để các lực lượng ngành hàng hải, công an, quân đội và các cơ quan, đơn vị liên quan trong khu vực vùng nước cảng biển Quảng Nam nâng cao nhận thức và đánh giá tình hình thực hiện Bộ luật Quốc tế về an ninh tàu và bến cảng (ISPS Code); khả năng phổi hợp, tổ chức chỉ huy, chỉ đạo; khả năng bảo đảm thông tin, liên lạc, hậu cần; phương án và kỹ năng tác chiến xử lý tình huống khủng bố, thực hành sử dụng trang thiết bị chuyên dụng phục vụ công tác phòng chống khủng bố trong lĩnh vực hàng hải. Đây cũng là hoạt động nhằm phòng tránh việc bị động khi tình huống thực tế xảy ra. Tại buổi diễn tập, Cục Hàng hải đã mời các địa phương, đơn vị có cảng biển để giới thiệu, làm mẫu cho các cảng biển khác trong cả nước học hỏi, rút kinh nghiệm triển khai thực hiện trong thời gian tới” - ông Hoàng cho hay.
Đánh giá cao kết quả của buổi diễn tập, ông Nguyễn Văn Công - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh, Quảng Nam là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung, nằm tiếp giáp tuyến hàng hải quốc tế trên biển Đông. “Với vị trí quan trọng về giao thông vận tải, kết nối giao thương trong nước và quốc tế của các tỉnh thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên, đồng thời là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan, cảng Chu Lai - Trường Hải đóng vai trò chiến lược trong phát triển vùng nói chung và địa phương nói riêng. Do vậy, yêu cầu đảm bảo an ninh cảng biển ở khu vực này luôn là vấn đề cấp thiết, quan trọng nhằm đảm bảo sự ổn định về an ninh, đảm bảo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo tiền đề phát triển bền vững kinh tế địa phương, khu vực” - Thứ trưởng Bộ giao thông vận tải Nguyễn Văn Công nói.
Theo Cục Hàng hải, Việt Nam hiện nay có 45 cảng biển với hơn 260 bến cảng, hàng năm tiếp nhận hơn 100 nghìn lượt tàu biển trong và ngoài nước, lượng hàng hóa thông quan hàng năm hơn 560 triệu tấn. Trong đó, có nhiều cảng biển có mức tăng trưởng hàng năm 15 - 20%. Công tác đảm bảo an ninh hàng hải và phòng chống khủng bố là hết sức quan trọng, nhất là trong tình hình khủng bố quốc tế và khu vực xảy ra ở nhiều nơi, tình hình tranh chấp chủ quyền biển đảo tại Biển Đông diễn biến phức tạp, đe dọa nghiêm trọng an toàn và an ninh hàng hải.