Hơn 5 năm sau Kết luận số 26 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về nội dung hợp tác, hỗ trợ giữa tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng liên quan việc giải quyết những vấn đề tại vùng giáp ranh, đến nay, nhiều nội dung theo chỉ đạo vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Theo UBND huyện Đông Giang, nguyên nhân vướng mắc kéo dài do TP.Đà Nẵng chưa bàn giao mặt bằng “sạch” như đã cam kết mà người dân trồng cây chồng lấn trước đây.
Vướng mắc kéo dài
Ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, tình trạng chồng lấn đất rừng giáp ranh được phát hiện sau vụ phá rừng Cà Nhông vào cuối năm 2014. Ngay sau khi vụ phá rừng này được phanh phui, chính quyền 2 địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng đã nhiều lần “ngồi lại” để tính hướng giải quyết. Tuy nhiên, hơn 7 năm sau vụ việc, đến nay vẫn còn nhiều nội dung chưa được xử lý dứt điểm.
Theo ông Minh, tại Công văn số 1402, ngày 29.7.2016, Sở NN&PTNT TP.Đà Nẵng cam kết thực hiện một số nội dung liên quan đến việc giải quyết những vướng mắc còn tồn đọng trong vụ phá rừng Cà Nhông.
Trong đó, có nội dung bàn giao mặt bằng “sạch” đối với diện tích 3,9ha trồng keo chồng lấn cho huyện Đông Giang trước tháng 9.2017 và bàn giao mặt bằng đối với diện tích 2,34ha đất trồng cây cao su do Lâm trường Sông Nam (nay là Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa) giao khoán cho các hộ dân trồng chồng lấn sang đất của Đông Giang.
Tuy nhiên đến nay, việc giải quyết vẫn chưa được thực hiện đúng cam kết. Chính quyền huyện Đông Giang cho hay, theo chức năng quản lý được phê duyệt, khu vực đất trồng cao su do Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa giao khoán cho các hộ dân trồng chồng lấn sang đất của Đông Giang sẽ được chuyển sang đất rừng phòng hộ. Sau khi TP.Đà Nẵng bàn giao mặt bằng, địa phương sẽ tiến hành thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ người bị thu hồi đất theo quy định.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - Hồ Quang Minh cho biết, ngoài 6,44ha đất chồng lấn trồng cây keo và cao su, hiện vẫn còn hơn 18,1ha đất rừng tại khu vực giáp ranh. Vì thế, cùng với việc sớm bàn giao mặt bằng 6,44ha cho địa phương như cam kết, TP.Đà Nẵng cần chỉ đạo cơ quan chức năng làm rõ tính pháp lý diện tích đất hơn 18,1ha này.
“Trong trường hợp có giao khoán thì xử lý giống phần diện tích 6,44ha, còn trường hợp không có hồ sơ pháp lý mà người dân tự lấn chiếm sử dụng thì phía Quảng Nam xử lý vi phạm hành chính, thu hồi đất quản lý theo đúng quy định” - ông Minh kiến nghị.
Để xây dựng phương án hỗ trợ bồi thường cho các hộ được giao nhận khoán trồng cao su trên đất chồng lấn, ông Minh nói, trước hết cần phải thanh lý hợp đồng giao khoán cho các hộ trên diện tích chồng lấn. Nhưng trên thực tế, việc thanh lý hợp đồng này vẫn chưa được thực thi nên gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan của huyện trong việc tham mưu, phối hợp.
“Theo đơn giá bồi thường được UBND tỉnh Quảng Nam ban hành, 1ha cao su 9 năm tuổi là hơn 125,2 triệu đồng. Tuy nhiên, qua trao đổi và làm việc với người dân, đơn giá như vậy được cho là quá thấp, người dân không phối hợp thực hiện” - ông Minh chia sẻ.
Sớm xử lý dứt điểm
Bí thư Huyện ủy Đông Giang - ông Đỗ Tài cho hay, qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Kết luận số 26 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về nội dung hợp tác, hỗ trợ giữa tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng liên quan việc giải quyết những vấn đề tại vùng giáp ranh, đến nay hai bên đã cắm xong mốc ranh giới giữa hai địa phương theo cam kết. Đồng thời hoàn thành việc di dời Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông về phần đất thuộc địa phận TP.Đà Nẵng quản lý.
Ông Tài cho rằng, số liệu 2,34ha đất trồng cao su đang bị chồng lấn có thể chưa chính xác so với thực tế. Bởi trước đây, qua báo cáo, diện tích đất trồng cao su chồng lấn sang đất Đông Giang là hơn 6ha. Vì thế, cần phải đánh giá lại thực trạng một cách cụ thể, chính xác để có cơ sở giải quyết dứt điểm vụ việc, không để tồn đọng kéo dài nhiều năm.
“Vụ việc này (chồng lấn đất rừng - PV) kéo dài suốt 2 nhiệm kỳ mà vẫn chưa giải quyết xong vì vướng mắc rất nhiều chỗ. Năm nào chúng tôi cũng bị kiểm điểm. Vì thế, rất mong tỉnh quan tâm chỉ đạo, giúp địa phương giải quyết dứt điểm” - ông Tài nói.
Liên quan đến vướng mắc, tồn đọng kéo dài trong việc giải quyết chồng lấn đất rừng vùng giáp ranh với TP.Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, Đông Giang cần chủ trì phối hợp với Sở NN&PTNT và Sở TN-MT đánh giá toàn bộ thực trạng khu vực đất chồng lấn để có cơ sở báo cáo với UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo giải quyết.
Sau khi có đầy đủ thông tin, số liệu về hiện trạng, cơ sở pháp lý và những vướng mắc cần được xử lý, tỉnh sẽ làm việc với TP.Đà Nẵng nhằm sớm giải quyết dứt điểm, không để sự vụ tồn đọng kéo dài gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh - chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.