Từ bao đời nay, hơn 6.000ha đất với 238 hộ dân Ca Dong thuộc sự quản lý của huyện Nam Trà My, thế nhưng việc vẽ bản đồ 364 (theo Chỉ thị 364, ngày 6.11.1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nay là Thủ tướng Chính phủ) đã đẩy đất đai, con người từ Quảng Nam thuộc về tỉnh Kon Tum. Từ vướng mắc trên, lãnh đạo hai tỉnh đã nhiều lần họp bàn tìm hướng giải quyết nhưng đến nay chưa tìm ra được tiếng nói chung.
Dân không đồng tình
Năm nay đã ngoài 60 tuổi đời và gần 40 năm tuổi Đảng, ông Nguyễn Xuân Bốn sinh sống cả đời mình ở thôn 3, xã Trà Vinh, Nam Trà My. Theo già Bốn, ở đây có 7 ngôi làng, với 238 hộ (hơn 1.000 khẩu) người đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong. Họ đã ở đây nhiều đời, mồ mả ông bà, văn hóa truyền thống, lịch sử vùng đất này đều thuộc tỉnh Quảng Nam quản lý. Tuy nhiên, việc vẽ lại bản đồ đã khiến đất đai, con người thuộc địa phận xã Đắk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Điều này khiến người dân không đồng tình.
“Ông bà tổ tiên tôi sống ở đây, bản thân tôi cũng tham gia làm cán bộ xã (nguyên Chủ tịch UBND xã Trà Vinh). Giấy tờ tùy thân, hộ khẩu và cả chế độ chính sách của tôi cũng như bà con đều do huyện Nam Trà My cấp. Giờ bảo về bên xã Đắk Nên, vô lý thế làm sao chấp nhận được. Có nhiều người hỏi vì sao không về bên kia, tôi trả lời: Thế bản đồ 364 có trước hay người dân Ca Dong ở vùng này có trước. Tôi kiên quyết không về đâu” - già Bốn nói.
Cũng vì chồng lấn về địa giới hành chính, nên việc đầu cơ sở hạ tầng cho người dân thôn 3 xã Trà Vinh rất hạn chế. Giao thông chưa được đầu tư, trường lớp tạm bợ, điện và hệ thống thông tin liên lạc vẫn chưa về đến làng. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn rất khó khăn.
Cô giáo Nguyễn Thị Hương (giáo viên Trường Mẫu giáo Trà Vinh), bày tỏ: “Trường thì dột nát nhiều nơi, chỗ học của các cháu cũng không ổn định, nơi ở của giáo viên như chúng tôi cũng không đảm bảo. Mong sao Nhà nước đầu tư trường lớp để thuận tiện trong việc đi lại với giáo viên địa phương như chúng tôi”.
Theo ông Trần Văn Thương - Chủ tịch UBND xã Trà Vinh, từ khi có bản đồ 364 đến nay, người dân địa phương nhiều lần kiến nghị. Xã cũng đã nhiều lần phát phiếu lấy ý kiến của người dân, tất cả đều không đồng ý về xã Đắk Nên. Người dân cho rằng, ở Quảng Nam thuận lợi hơn về sản xuất nương rẫy, giữ rừng, con em đi học, người đau ốm đến trạm xá xã được thuận tiện...
Nên tôn trọng nguyện vọng của người dân
Theo ông Lê Đức Hảo - Trưởng phòng Nội vụ huyện Nam Trà My, địa phương mong cấp có thẩm quyền sớm điều chỉnh địa giới hành chính theo truyền thống lịch sử trước đây. Nơi người dân sinh sống lâu đời, để họ ổn định cuộc sống, tránh việc xáo trộn.
“Chúng ta nên tôn trọng ý nguyện của người dân. Xét cho cùng thì bà con đều là công dân Việt Nam, sống trên lãnh thổ Việt Nam. Địa giới, ranh giới các địa phương chỉ mang tính hành chính, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ mới là điều quan trọng nhất” - ông Hảo nói.
Theo ông Thương, người dân mong muốn chính quyền tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum giải quyết dứt điểm tình trạng chồng lấn địa giới hành chính. Tôn trọng lịch sử và truyền thống văn hóa của người dân. “Làm sao để bà con được đầu tư hạ tầng, thay đổi dần cuộc sống khó khăn, thiếu thốn ở đây” - ông Thương nói.
Tại cuộc họp giữa 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum vào ngày 9.11.2021, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc đo vẽ bản đồ bằng phương pháp chuyển vẽ nội nghiệp trong phòng và không tiến hành kiểm tra tại thực địa, máy móc lạc hậu nên kết quả đo đạc sai số lớn. Điều này dẫn đến bản đồ địa giới hành chính 364 năm 1991 không chính xác. Vì vậy, cần điều chỉnh lại đúng với thực tế lịch sử, văn hóa, truyền thống.
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Kon Tum đề nghị “cần chuyển giao 238 hộ dân về xã Đắk Nên quản lý. Nếu không thì xây khu tái định cư mới ở xã Trà Vinh, di dời người dân ra khỏi nơi ở hiện tại, trả 6.000ha đất cho tỉnh Kon Tum”.
Do không tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết vướng mắc nên mới đây, tỉnh Quảng Nam đã báo cáo vụ việc này với Bộ Nội vụ và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chủ trì giải quyết vụ việc.
Trong lúc chờ đợi các cấp có thẩm quyền giải quyết, cuộc sống của hơn 1.000 người dân Ca Dong ở thôn 3, xã Trà Vinh vẫn đang rất khó khăn. Nơi đây được ví von là làng “5 không (không đường - điện - trường - nước sạch và không thông tin liên lạc).