Nỗ lực tìm các giải pháp kiểm soát mặn, chống nhiễm mặn vùng ven biển, cải thiện công trình tưới tiêu, bảo vệ mùa vụ là nỗ lực Quảng Nam hướng tới, trước tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.
Đo nồng độ mặn trên sông Thu Bồn đoạn qua huyện Duy Xuyên. Ảnh: Hoàng Liên |
Áp lực chống nhiễm mặn
Nhiều năm trở lại đây, việc triển khai giải pháp công trình (đắp đập tạm, lắp cống ngăn mặn, lắp trạm bơm dã chiến, nạo vét lòng dẫn…) và phi công trình (vận động nhân dân be bờ, tiết kiệm nước tưới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng…) trong chống nhiễm mặn luôn được ngành thủy lợi, các địa phương Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành tích cực triển khai. Tuy nhiên, năm 2018, do áp lực dòng chảy trên các sông suy kiệt nghiêm trọng và diễn biến thất thường vào mùa hạn, tình trạng mặn đến sớm hơn so với dự kiến khiến công tác chống mặn gặp nhiều áp lực.
Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên cho biết, tình trạng nhiễm mặn đất và nước ảnh hưởng lớn đến khu vực thị trấn Nam Phước và xã Duy Vinh với diện tích có nguy cơ nhiễm mặn lên đến 1.200ha. Ngay từ đầu vụ hè thu, Phòng NN-PTNT huyện đã chỉ đạo chuyển đổi toàn bộ diện tích vùng nguy cơ bị ảnh hưởng sang trồng các giống ngắn ngày, đồng thời lắp cống ngăn mặn, trạm dã chiến, nạo vét kênh dẫn nước… để đẩy mặn. Trong đó, được sự hỗ trợ từ tỉnh, trạm bơm 19.5 tưới cho hơn 400ha đã được lắp đặt cống ngăn mặn; làm đập phụ ngăn mặn tại trạm bơm Xuyên Đông. Cũng theo ông Năm, mặn năm nay xuất hiện sớm hơn so với dự kiến, chỉ mới đầu tháng 5 mặn đã tới là bất thường, các năm vào tháng 6 mới xuất hiện. Nồng độ mặn cũng quá cao, ở khu vực Câu Lâu mặn dưới đáy đo được thời điểm tháng 5.2018 đã tới 6 phần nghìn; trong tháng 6, mặn lên tới 6,3 phần nghìn.
“Bên cạnh các giải pháp trên, địa phương cũng kiến nghị tỉnh điều hành tốt công tác vận hành liên hồ chứa, đưa nước ngọt từ Sông Tranh xuống ổn định nhằm đẩy mặn cho các trạm bơm vì nếu dòng chảy trên sông suy kiệt thì không có cách gì chống mặn được” - ông Năm chia sẻ.
TS. Hoàng Thanh Sơn (Viện Địa lý) thông tin, bằng việc điều tra, khảo sát, lấy mẫu đất và nước để đo độ mặn, áp dụng giải pháp rada xuyên đất (GPC), sử dụng công nghệ viễn thám, nhóm nghiên cứu đã phân vùng 6 khu vực đất có khả năng nhiễm mặn, phân bố từ vùng ven biển Điện Bàn đến Tam Kỳ. Trong đó, khu vực nhiễm mặn thuộc thị xã Điện Bàn là 1.423ha, do sông Vĩnh Điện bị nhiễm mặn qua cửa Hàn; khu vực huyện Duy Xuyên có 1.008ha bị ảnh hưởng, do sông Thu Bồn bị nhiễm mặn qua cửa Đại; khu vực Tam Kỳ có 540ha bị ảnh hưởng, do sông Bàn Thạch nhiễm mặn qua cửa An Hòa. Nguyên nhân nhiễm mặn là dòng chảy trên các sông suy kiệt, càng tiến vào phía nam, mức độ nhiễm mặn của đất và nước ven biển giảm dần. |
Tại Điện Bàn, ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã cho biết, toàn địa bàn có khoảng 1.800ha bị ảnh hưởng do tình trạng nhiễm mặn trên sông Vĩnh Điện. Từ năm 2013, nhờ sự hỗ trợ của tỉnh, mỗi năm đập tạm ngăn mặn Tứ Câu được xây dựng để chống mặn cho toàn bộ diện tích này, tuy nhiên trong tháng 6.2018, mực nước các sông đồng loạt suy kiệt, mực nước sông Vĩnh Điện có thời điểm xuống quá thấp khiến nhiều trạm bơm không thể hoạt động, ngành nông nghiệp phải chạy đôn chạy đáo để cứu cây lúa. Tháng 6 vừa rồi, nếu không nhờ UBND tỉnh chỉ đạo Sông Tranh xả nước về Thu Bồn, hàng loạt trạm bơm sẽ không thể hoạt động.
Đồng bộ giải pháp
Ông Nguyễn Ngọc Châu - Trưởng phòng Quản lý và khai thác, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam thông tin, nhằm ứng phó với nhiễm mặn, ngành thủy lợi và ngành nông nghiệp đã triển khai mạnh các giải pháp phi công trình. Trong đó, các ngành đã xây dựng, chủ động kế hoạch sử dụng nước theo từng vụ và đề nghị các nhà máy thủy điện từ thượng nguồn xả nước theo kế hoạch này. Đồng thời ngành thủy lợi vận hành tăng cường các trạm bơm cố định khi nguồn đảm bảo nhằm đề phòng thiếu nước thất thường. Đối với hạ du sông Vu Gia, đơn vị thực hiện vận hành theo thực tế của nguồn nước, vận hành luân phiên giữa các công trình khi nguồn tưới hụt. Đối với vùng hạ lưu sông Thu Bồn, khu phía nam Câu Lâu, kiểm tra chặt chẽ nồng độ mặn để vận hành bơm hớt, cùng với đó, tận dụng tối đa nguồn nước hồi quy từ các khu vực khác để bơm tưới. Ngành thủy lợi cũng xây dựng kế hoạch chuyển nguồn nước từ các công trình khác, chỉ đạo bơm lách mặn để cứu nhiều diện tích lúa. Đối với giải pháp công trình, bên cạnh các giải pháp xây đập tạm ngăn mặn, ông Châu kiến nghị tỉnh cho nạo vét bồi lấp các kênh dẫn lòng sông Vu Gia, Thu Bồn, đầu sông Lạc Thành, sông Vu Gia tại trạm bơm Ái Nghĩa để khơi thông dòng…
Để ứng phó hiệu quả với xâm nhập mặn, ông Dương Anh Điệp - công tác tại Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ cho rằng, cần thiết tạo lập mạng lưới quan trắc giám sát tự động xâm nhập mặn. Theo đó, hệ thống quan trắc tự động được gắn lắp vào các công trình xây dựng trên các tuyến giao thông thủy sẽ phân tích, dự báo quá trình xâm nhập mặn theo các kịch bản, đưa ra khuyến cáo cụ thể cho ngành chức năng. Theo ThS. Nguyễn Xuân Lâm (Viện Hàn lâm khoa học & công nghệ), mô hình giám sát tự động xâm nhập mặn trên sông sẽ giúp giảm sức người, có độ chính xác cao, liên tục, chủ động. Hệ thống còn có chức năng thu thập thông tin, giám sát lưu lượng nước về các sông từ hồ chứa, giám sát lượng mưa, truyền tin về máy chủ, cảnh báo mặn phục vụ cho công tác quản lý, điều hành của ngành thủy lợi, phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp và đời sống. “Mô hình giám sát tự động xâm nhập mặn bước đầu chỉ mới cập nhật phần Vu Gia - Thu Bồn và sẽ hoàn thiện đầy đủ cho sông Trường Giang, Tam Kỳ. Ưu điểm của hệ thống là có thể đo nhiều thời điểm trong ngày, sử dụng gói cước 3G tiện lợi, chi phí thấp” - ThS. Lâm nói.
HOÀNG LIÊN