Chống "ô nhiễm trắng"

HÀ QUANG 05/06/2023 07:32

“Ô nhiễm trắng” là cụm từ dùng để mô tả tình trạng ô nhiễm túi ny lon và rác thải nhựa. Ngày môi trường (5/6) và Ngày đại dương thế giới (8/6) năm nay, Liên hiệp quốc phát động chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa” với giải pháp trước mắt là kêu gọi con người thay đổi lối sống để bảo vệ môi trường.

Có thể ngẫu nhiên, ngày môi trường và đại dương thế giới được chọn sát nhau, nhưng đặt trong mối nguy về rác thải nhựa, thì có thể nhận thấy sự liên quan về hệ lụy môi trường.

Theo ước tính, hiện nay có ít nhất 10% rác thải nhựa rò rỉ vào đường thủy, và đại dương là “chiếc túi” đựng lượng rác khổng lồ này. Một nghiên cứu công bố mới đây đã gây sốt: dự kiến đến năm 2050, lượng rác thải nhựa được xả thẳng ra biển sẽ nhiều hơn khối lượng cá đại dương trên toàn thế giới...

Đó là những con số có vẻ xa xôi, nhưng bạn có thể quan sát về sự gia tăng đột biến rác thải nhựa đại dương ngay ở chính vùng biển mà mình có dịp bơi lội. Tôi không ít lần lặn ngụp ở nhiều vùng biển trên địa bàn tỉnh, thứ tôi bắt gặp đầu tiên là những chiếc túi lơ lửng thay vì những sinh vật biển.

Theo đánh giá của Liên hiệp quốc, ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Hằng năm, trên thế giới có khoảng 400 triệu tấn túi nhựa được sản xuất, một nửa trong số đó được thiết kế chỉ sử dụng một lần.

Ước tính có khoảng 19 - 23 triệu tấn được thải ra hồ, sông và biển hằng năm. Hiện nay con người tiêu thụ 600 triệu túi ny lon mỗi giờ, số lượng túi ny lon này đủ để quấn 7 lần vòng quanh trái đất nếu để cạnh nhau. Việt Nam với lượng tiêu thụ 3,7 tấn mỗi năm, trong khi đó lượng thu gom, tái chế mới chỉ đạt khoảng 11%...

“Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” là chủ đề hành động của Liên hiệp quốc hưởng ứng ngày môi trường và đại dương thế giới năm nay, trong đó kêu gọi các quốc gia nhanh chóng triển khai chính sách vĩ mô.

Tại Việt Nam, theo Bộ TN-MT, cần xây dựng, ban hành quy định, cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, doanh nghiệp tái chế.

Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến để tái chế chất thải nhựa trở thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa... Tuy nhiên, trong thực tế, những giải pháp trên chưa được thực hiện một cách đồng bộ.

Vì vậy, biện pháp chống “ô nhiễm trắng” trước mắt có thể triển khai là con người cần xem xét, suy nghĩ lại hành động của mình, từ đó hạn chế nguy cơ ô nhiễm theo cách riêng.

Điều dễ thấy là rác thải nhựa trên bàn ăn hàng ngày của chúng ta, nhiều trong số đó trôi nổi vào đại dương, sinh vật biển sẽ hấp thụ những hạt vi nhựa, sau đó trở thành “chuỗi” thức ăn của con người. Hạt vi nhựa sẽ đi thẳng vào chính cơ thể chúng ta trong vòng đời của nó...

Điều này có khiến bạn giật mình? Bạn cần làm gì để hạn chế nguy cơ bị bệnh tật vì rác thải nhựa? Theo ước tính, trung bình mỗi hộ gia đình Việt Nam dùng 1kg túi ny lon/tháng, bạn có thể bớt gánh nặng cho môi trường bằng cách thay đổi thói quen sử dụng túi nhựa không?

Tôi một lần cố thu gom hàng chục chiếc túi có “quy cách” xả thải giống nhau dạt vào bờ biển. Những chiếc túi này đai được buộc chặt vào nhau, ai đó đã xé chúng và vứt xuống biển. Khi tấp vào bờ, những chiếc túi đã căng đầy cát và nước.

Tôi đã suýt bất lực vì không thể kéo chúng ra vì quá nặng, nhưng cuối cùng bằng nhiều cách, tôi đã gom được chúng vào nơi có thể xử lý khả dĩ nhất. Tôi có động lực làm điều ấy bởi không muốn bãi biển quê mình xấu xí thêm, nhưng quan trọng hơn, từ đó, ý thức hơn về cách ứng xử của con người với rác thải nhựa.

Theo quan điểm của nhiều nhà hoạt động vì môi trường, nhựa không xấu bởi đó là hợp chất bền, rẻ, phổ biến..., điều quan trọng là cách ứng xử của con người với chúng!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chống "ô nhiễm trắng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO