Chống sạt lở bờ biển Cửa Đại: Không thể "rách đâu vá đó"

NHẬT PHONG 02/03/2016 08:31

Bờ biển Cửa Đại (Hội An) tiếp tục sạt lở về phía bắc. Nhiều doanh nghiệp đứng ngồi không yên trước tình trạng biển xâm thực nên phải mở nhiều cuộc hội thảo, tham vấn chuyên gia để “tự cứu mình”, nhưng chưa tìm ra một giải pháp lưỡng toàn. Chống sạt lở theo kiểu “rách đâu vá đó”, thiếu một phương án hiệu quả khiến các bãi tắm ở khu vực này có nguy cơ bị xóa sổ.

Lựa chọn công nghệ

Ven biển vắng người. Gió lạnh và những cơn sóng “giận dữ” quật ầm ầm vào những hàng kè cứng, mềm dọc theo bờ biển. Khu vực bờ biển nối giữa khu nghỉ dưỡng Golden Sand và Victoria bị nước khoét sâu vào cả 100m đất và chưa có dấu hiệu dừng lại. Toàn bộ hệ thống kè tường bảo vệ các khu du lịch bị đánh sập. Ngổn ngang trên mặt đất đầy đá sỏi, mảng bê tông bị đập vỡ. Dân địa phương kể những cọc tre, bao cát gia cố sạt lở bờ biển những lần trước đã bị sóng nhấn chìm. Bờ biển hiện tại ngoài vài đoạn kè cứng, còn lại đều gia cố bằng bao cát, vải địa kỹ thuật, không biết có thể trụ lại được bao nhiêu ngày nữa!

PGS-TS. Nguyễn Trung Việt - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng công nghệ - kinh tế thủy lợi miền Trung cho rằng trong vòng 11 năm qua, bờ biển Cửa Đại đã bị xâm thực đến 200m. Những giải pháp kè hiện thời, dù chưa có nghiên cứu chi tiết cụ thể, nhưng kết cấu bê tông từ các resort đã khiến cho sạt lở bờ biển dịch chuyển dần về phía bắc. Hệ thống giám sát, đánh giá, khảo nghiệm dòng chảy bờ biển được lắp đặt từ tháng 11.2015 cho thấy bờ biển này vẫn tiếp tục sạt lở. Một trong những nguyên nhân sạt lở là thiếu hụt bùn cát từ phía thượng lưu, nhưng nhiều năm qua vẫn không có giải pháp hữu hiệu nào để bù đắp lượng cát bị mất đi ven biển. Ông Việt khẳng định hiện thời các nhà khoa học đều chưa có số liệu cụ thể để đánh giá cơ chế sạt lở bờ biển Cửa Đại, nên rất khó để đưa ra giải pháp nào là tốt nhất. Đó là chưa kể đến đã có quá nhiều hội thảo nêu lên vấn đề sạt lở nhưng vẫn chưa thể có phương án cuối cùng, hoặc liên kết được với các nhà sản xuất, cung cấp vật tư chống xói lở bờ biển.

Sóng biển đánh sập công trình phục vụ du lịch của nhiều doanh nghiệp ven biển Cửa Đại. Ảnh: N.PHONG
Sóng biển đánh sập công trình phục vụ du lịch của nhiều doanh nghiệp ven biển Cửa Đại. Ảnh: N.PHONG

Không thể ngồi chờ. Những khu du lịch đang bị sạt lở, chưa thể kinh doanh đã đóng cửa buộc lòng phải chịu “ném tiền xuống biển” thì các khu du lịch dọc biển khác đã đứng ngồi không yên, khi nước biển ngày càng gặm sát vào chân tường khu du lịch. Nhiều doanh nghiệp lên tiếng kêu gọi, cầu cứu các cơ quan hữu trách đưa ra các phương án kè giữ bờ biển cụ thể và kêu gọi nguồn lực tài chính để giữ. Nhưng tiếng kêu cứu gần như vô vọng, đã buộc họ phải đứng ra tự cứu mình. Một cuộc hội thảo “chống sạt lở bờ biển Cửa Đại bằng kè mềm” đã được Palm Garden resort phối hợp với Công ty CP Dệt may công nghiệp Hà Nội (Haicatex) với sự tham vấn của các chuyên gia hàng đầu về kè biển từ Indonesia, Đức. Chuyên gia kè biển Hendra Hidayat (Công ty GSI Indonesia) và ông Douglas Sutherland, chuyên gia phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Huesker (Đức) đều cho rằng việc thực hiện giải pháp kè mềm vào các dự án kè biển tại khu du lịch Bengkulu thuộc đảo Sumatra bị sạt lở hàng trăm cây số và một số các dự án kè biển ở Malaysia hay Jakarta… đã thu những kết quả tốt. Những vật liệu này trước đây Việt Nam phải nhập ngoại, nhưng hiện thời sản phẩm này của Haicatex đã xuất khẩu sang Úc, New zealand, Malaysia, Indonesia… dùng để kè biển, chắn sóng hiệu quả. Phương thức sử dụng vật liệu này có thể chống sạt lở tốt cho bờ biển Cửa Đại vì cơ chế sạt lở tại khu vực này cũng tương đồng như các khu vực bờ biển các nước trên…

Vẫn còn bế tắc

Hệ thống giám sát và mô phỏng diễn biến đường bờ sông, bờ biển đã được lắp đặt. Giải pháp hay vật liệu đã được đưa ra, nhưng không một nhà khoa học nào có thể khẳng định là có một giải pháp hữu hiệu chống sạt lở bờ biển hiện tại. Ông Việt cho rằng tại thời điểm này không thể trả lời được. Giải pháp luẩn quẩn không có căn cơ, chưa có một quyết định cuối cùng trong khi đang rất cần một ứng phó nhanh trước diễn biến sạt lở phức tạp. Nếu không thì tình trạng sạt lở sẽ dịch chuyển nhanh về phía An Bàng, Hà My ra đến Đà Nẵng. Tuy nhiên, không thể rách đâu vá đó, nóng đâu phủi đó mà phải có kế hoạch và giải pháp cụ thể cho cả đoạn bờ biển dài đến 8m này, thì mới may ra ổn định được trong nhiều năm chờ bờ biến tái tạo.

Cuộc bàn thảo giữa các nhà khoa học và cơ quan quản lý vẫn tiếp diễn. Nhiều phương án được đề xuất như “nuôi cát”, “bẫy cát”, điều chỉnh quy hoạch, trồng rừng phòng hộ ven biển, sắp xếp lại dân cư (phi công trình), hay muốn chắn sóng, chống sạt lở hiệu quả thì phải thu thập đầy đủ thông số kỹ thuật chi tiết, liên quan đến địa hình, địa chất, sóng, dòng chảy… của vùng bờ biển này, nhưng không ai chắc chắn được phương án nào. Ông Nguyễn Thành Sang - chủ khu du lịch Palm Garden resort tỏ vẻ khá thất vọng. Theo ông, doanh nghiệp đang trong phút dầu sôi lửa bỏng. Không thể chờ đợi mà phải đưa ra được phương án để thực hiện và chọn nhà cung cấp là ai. Palm Garden chủ động tổ chức hội thảo không phải để phân tích các nguyên nhân sạt lở mà chỉ cần nhà khoa học, cơ quan quản lý chỉ ra, giúp đưa ra một giải pháp hữu hiệu, thiết thực có thể triển khai ngay việc hạn chế xâm thực ngày càng trầm trọng ở bãi biển Cửa Đại. Doanh nghiệp sẽ phải tự tìm cách cứu mình, bằng mọi giá phải bảo vệ bãi biển của khu vực doanh nghiệp quản lý. Nhưng không biết điều này có được cho phép hay không?

Không chỉ mỗi mình ông Sang lo lắng, mà gần như tất cả khu nghỉ dưỡng khu vực ven biển Cửa Đại cũng đang thấp thỏm. Không ít doanh nghiệp đã tự bỏ tiền ra kè chắn sóng hay làm mọi cách để giữ bờ biển nhưng không có hiệu quả. Trái lại, tình trạng mỗi nơi, mỗi doanh nghiệp làm mỗi kiểu đã khiến dòng sạt lở chuyển dịch theo nhiều hướng khác nhau. GS-TS. Lương Phương Hậu - nguyên giảng viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng thiếu nghiên cứu tổng thể, không có số liệu đầy đủ thì không thể đưa ra những đánh giá khả quan và tương đối chính xác về chuyện sạt lở bờ biển Cửa Đại. Chưa kể đến việc cơ quan quản lý yêu cầu khi kè thì doanh nghiệp phải kết nối lâu dài với các khu du lịch khác. Đây là điều khó khả thi. Vì trong số các khu du lịch dọc biển Cửa Đại không phải dự án nào cũng ở trong thời cực thịnh. Không ít dự án chỉ cầm chừng hoạt động. Vả lại ai sẽ đứng ra kết nối, hoặc khi đã có kinh phí tự bỏ ra thì ai sẽ là người đứng ra tìm kiếm, chọn lựa một phương án hữu hiệu lưỡng toàn cho họ thực hiện? Nếu tình trạng này tiếp diễn, nguy cơ số khu du lịch tại khu vực này sẽ bị đóng cửa. Hệ lụy xã hội phải gánh đằng sau những suy giảm này khó có thể tính bằng tiền trước nguồn thu ngân sách bị mất, và số lao động (lên cả nghìn nhân công) sẽ đi về đâu là bài toán cần lời giải đáp?

NHẬT PHONG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chống sạt lở bờ biển Cửa Đại: Không thể "rách đâu vá đó"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO