Ngành lâm nghiệp và các địa phương đang xây dựng lộ trình thực hiện kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng (REDD+) tỉnh giai đoạn 2020 - 2030.
Từ năm 2018 đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai thực hiện hợp phần dự án bảo tồn trữ lượng các bon rừng và quản lý rừng bền vững nằm trong chương trình REDD+. Điển hình, dự án Trường Sơn Xanh, do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hoa Kỳ tài trợ đã tổ chức các đợt tập huấn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực hiện REDD+. Trong đó nội dung chủ yếu là xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững; hoàn thiện việc giao đất gắn với giao rừng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng ở các huyện miền núi, trung du; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện thí điểm chính sách hưởng lợi từ rừng tự nhiên đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng được giao rừng.
Theo Sở NN&PTNT, thực hiện chương trình REDD+, toàn tỉnh phấn đấu giữ nguyên diện tích rừng tự nhiên hiện có 466.113ha và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên thông qua việc tăng cường bảo vệ rừng cũng như các biện pháp làm giàu rừng. Tăng diện tích rừng sản xuất chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) đến năm 2030 có ít nhất 15% diện tích rừng trồng có chứng chỉ FSC, trong đó rừng trồng cây gỗ lớn đạt 28.000ha. Đồng thời phục hồi 230.000 lượt héc ta rừng, bao gồm 7.500ha rừng đặc dụng, 190.000ha rừng phòng hộ và 34.000ha rừng sản xuất. Giảm 14,17 triệu tấn CO2 từ rừng vào năm 2030 (trung bình giảm khoảng 1,18 triệu tấn CO2 mỗi năm).
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Hưng cho biết, các khu vực triển khai hoạt động REDD+ được lựa chọn dựa trên tiêu chí như rừng tự nhiên có trữ lượng cácbon cao; đối mặt với đe dọa mất rừng/suy thoái rừng. Việc ưu tiên thực hiện REDD+ nằm ở hệ thống lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; đất lâm nghiệp có sẵn hoặc phù hợp với các chương trình, chính sách của tỉnh. Theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh thực hiện kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng cácbon rừng (REDD+) tỉnh giai đoạn 2020 - 2030 mới đây, dự kiến nhu cầu vốn hơn 4.065 tỷ đồng. Bao gồm các nguồn chính là ngân sách nhà nước, chi trả dịch vụ môi trường rừng, nguồn ODA và phi chính phủ, huy động từ doanh nghiệp, cá nhân, gia đình, cộng đồng và tổ chức khác.