“Việc Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh và Sở GT-VT ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô hiện nay là cần thiết” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang khẳng định như vậy tại hội nghị ký kết vừa diễn ra.
Theo nội dung quy chế, 3 cơ quan sẽ phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin; phối hợp quản lý thuế về hoạt động kinh doanh vận tải (KDVT) bằng ô tô theo chức năng, nhiệm vụ chuyên ngành.
Cụ thể, định kỳ trước ngày 15 hàng tháng, Sở GT-VT cung cấp danh sách đơn vị kinh doanh, phương tiện vận tải (đang hoạt động, bị thu hồi, bị tước giấy phép kinh doanh, bị tước phù hiệu, bảng hiệu); danh sách đơn vị KDVT bằng ô tô không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế, không phù hiệu, biển hiệu; cung cấp phương thức tính tiền sử dụng trên xe taxi của đơn vị KDVT bằng taxi.
Đồng thời, Sở GT-VT cung cấp thông tin và chia sẻ dữ liệu (trích xuất, cung cấp dữ liệu giám sát hành trình đối với các phương tiện quy định bắt buộc); cung cấp địa chỉ, tên truy cập, mật khẩu của hộp thư điện tử Sở GT-VT về việc tiếp nhận hợp đồng vận chuyển khách của các đơn vị KDVT cho cơ quan thuế, công an khai thác, sử dụng và bảo mật theo quy định.
Đối với Công an tỉnh, định kỳ trước ngày 20 hàng tháng, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), công an (cấp huyện) tổng hợp số liệu, cung cấp thông tin danh sách phương tiện vận tải bằng ô tô được cấp biển số nền vàng cho cơ quan thuế. Trước ngày 20 của tháng cuối quý, công an tổng hợp số liệu xử lý vi phạm hành chính khi kinh doanh không giấy phép, không phù hiệu... gửi Cục Thuế.
Về phía Cục Thuế cung cấp thông tin cho Sở GT-VT về các đơn vị KDVT không thực hiện đăng ký, kê khai nộp thuế hoặc cam kết không KDVT; danh sách đề nghị thu hồi giấy phép kinh doanh, biển hiệu, phù hiệu; danh sách đơn vị, phương tiện biển số nền màu trắng hoạt động KDVT và cung cấp danh sách, thông tin đơn vị KDVT có dấu hiệu trốn thuế, gian lận về thuế đến Công an, Sở GT-VT.
Sở GT-VT khi cấp, cấp lại giấy phép KDVT bằng ô tô, phù hiệu, biển hiệu, phải kiểm tra thông tin về đăng ký thuế, yêu cầu kê khai, nộp thuế theo quy định hoặc thu hồi, tạm dừng cấp lại giấy phép kinh doanh, cấp mới, cấp lại phù hiệu, biển hiệu của các đơn vị, phương tiện KDVT chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Các đơn vị chức năng của Công an tỉnh (Phòng Cảnh sát giao thông, công an cấp huyện) kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện các quy định về kinh doanh, điều kiện KDVT bằng ô tô theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang nói: “Để công tác quản lý thuế đối với hoạt động KDVT bằng ô tô đi vào nề nếp, chống thất thu thuế, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng trước pháp luật, góp phần tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa, đi lại của người dân cũng như đảm bảo trật tự an toàn giao thông, việc ký kết quy chế phối hợp giữa Cục Thuế, Công an tỉnh và Sở GT-VT là cần thiết và cấp bách.
Theo đó, ông Quang đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo Phòng CSGT, công an cấp huyện kiểm tra xử lý vi phạm trong việc thực hiện các quy định về kinh doanh, điều kiện KDVT bằng ô tô. Tăng cường kiểm tra xử lý các xe vận chuyển hàng hóa, hành khách nhưng không có giấy phép KDVT, phù hiệu, biển hiệu do Sở GT-VT cấp, chuyển thông tin để cơ quan thuế xử lý về thuế.
Lực lượng cảnh sát kinh tế, công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với cơ quan thuế để điều tra xử lý các đơn vị KDVT có dấu hiệu trốn, gian lận về thuế. Đối với Cục Thuế tỉnh, cần nắm bắt đầy đủ thông tin; lập danh sách các phương tiện vận tải bằng ô tô có hoạt động KDVT nhưng không đăng ký thuế, không có giấy phép KDVT (biển số xe màu trắng) chuyển danh sách cho Phòng CSGT, cơ quan công an cấp huyện, Thanh tra Sở GT-VT kiểm tra, xử lý…
Theo ông Quang, số lượng xe đã quản lý thuế so với số lượng xe thống kê còn chênh lệch lớn; tình trạng thất thu thuế còn nhiều và xu hướng ngày càng gia tăng ở hầu hết các địa bàn.
Một số lượng lớn phương tiện hoạt động không đăng ký KDVT, không đăng ký kê khai nộp thuế nhưng chưa có giải pháp xử lý triệt để; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ KDVT kê khai doanh số chưa sát hoặc thấp hơn nhiều so với doanh thu thực tế, để nợ đọng thuế kéo dài.
“Những hạn chế trên xuất phát từ tính tự giác chấp hành pháp luật thuế ở một số tổ chức, cá nhân chưa nghiêm túc, lợi dụng tính chất đặc thù của ngành vận tải là kinh doanh lưu động, không có địa điểm, sản phẩm mang tính dịch vụ để không đăng ký kê khai nộp thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, cũng thấy được công tác phối hợp quản lý thu thuế, quản lý phương tiện vận tải và kiểm tra, xử lý giữa các ngành chưa kịp thời, thiếu đồng bộ nên hiệu quả chưa cao” - ông Quang nói.