Là địa phương có nhiều mỏ khoáng sản cát sỏi ở lòng sông, Đại Lộc đã lắp đặt hệ thống camera theo dõi, ngăn chặn các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp gian lận trong kê khai nộp thuế tài nguyên.
Theo Sở TN&MT, huyện Đại Lộc hiện có 17 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường còn hiệu lực. Chi cục Thuế huyện Đại Lộc đang quản lý kê khai, nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường theo phân cấp đối với 5 doanh nghiệp; Cục Thuế Quảng Nam quản lý 5 doanh nghiệp. Kết quả kê khai thuế tài nguyên từ hoạt động khai thác tài nguyên cát từ năm 2018 đến hết tháng 4.2019, sản lượng khai thác được các doanh nghiệp kê khai thuế tăng. Cụ thể, năm 2018 tổng sản lượng khai thác được kê khai thuế là 472.963,2m3 (tăng 103% so với năm 2017); còn 4 tháng đầu năm 2019 sản lượng kê khai thuế là 75.366,6m3, so với cùng kỳ năm 2018 tăng 21,9%. Theo Chi cục Thuế huyện Đại Lộc, nguồn cát khai thác từ các mỏ chủ yếu phục vụ nhu cầu xây dựng cho những địa bàn lân cận, kể cả TP.Đà Nẵng. Tuy nhiên, việc giao dịch hàng hóa này thường không xuất hóa đơn, không kê khai thuế, gây thất thoát ngân sách.
Sở TN&MT đánh giá, các lỗi mà doanh nghiệp khai khoáng ở Đại Lộc cũng như trên địa bàn tỉnh vi phạm chủ yếu như khai thác vượt ranh giới cấp phép; doanh nghiệp không có giám đốc điều hành mỏ; lập báo cáo thống kê, kiểm tra trữ lượng khoáng sản không đầy đủ thông tin; khai thác không đúng trình tự; không thực hiện giám sát môi trường; cắm mốc các điểm khép góc chưa đầy đủ số lượng; không có giấy phép bến thủy nội địa; kê khai thuế chưa đầy đủ… Để hạn chế thất thu ngân sách, Chi cục Thuế huyện Đại Lộc đã lắp đặt hệ thống camera giám sát, kết nối internet với Công ty TNHH Thành Sơn (tại Hà Nha, xã Đại Đồng) để giám sát. Kết quả sau khi lắp camera cho thấy, tháng 1.2019 doanh nghiệp đã kê khai thuế 4.863m3 (tăng 255% so với tháng 12.2018); so với bình quân tháng trong năm 2018 tăng 30%.
Theo UBND huyện Đại Lộc, việc lắp đặt camera kết nối internet từ nơi khai thác, vận chuyển tới trụ sở cơ quan thuế đã đem lại hiệu quả, giám sát được khối lượng khai thác thực tế của doanh nghiệp. Thời gian qua, Đại Lộc thí điểm hệ thống camera giám sát doanh nghiệp khai khoáng, yêu cầu đặt đúng vị trí lắp đặt để kiểm soát sản lượng. Hệ thống camera giám sát không tự ý di chuyển, tháo dỡ thiết bị, ngắt đường truyền tín hiệu hay ngắt đường cấp nguồn làm hạn chế hoặc vô hiệu hóa tính năng kỹ thuật của hệ thống. Đơn vị quản lý có trách nhiệm quản lý và lưu trữ toàn bộ dữ liệu. Nhằm tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản lòng sông, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương yêu cầu doanh nghiệp lắp đặt camera giám sát. Tuy nhiên, nhiều địa phương, đơn vị khai khoáng vẫn không muốn thực hiện quy định này.