Chống xâm thực bờ biển Cửa Đại

QUỐC HẢI 04/09/2014 09:27

Mùa mưa bão đang đến gần, TP.Hội An đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp cấp thiết để hạn chế tình trạng xâm thực nghiêm trọng các khu vực bờ biển Cửa Đại.

Tiếp tục sạt lở

Nhiều năm qua, tình trạng sạt lở bờ biển và nước biển xâm thực vào đất liền tại TP.Hội An liên tục diễn ra nghiêm trọng. Chỉ riêng tại phường Cửa Đại, biển đã xâm thực sâu vào đất liền hàng trăm mét và từng có nguy cơ mở ra một cửa biển mới. Trong 5 năm qua, phường Cửa Đại có 3km bờ biển thì đã có hơn 1km lở sâu vào đất liền khiến người dân và doanh nghiệp dịch vụ du lịch lo lắng. “Đến giờ thì xâm thực của biển đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhân dân. Do đó, phường phối hợp với các đoàn thể vận động nhân dân tham gia cùng với thành phố để kè chắn ngay khu vực xung yếu đã bị sạt lở” - ông Nguyễn Sinh, Chủ tịch UBND phường Cửa Đại cho biết.

Hơn 137m bờ biển Cửa Đại vẫn chưa được kè chắn. Ảnh: Q.HẢI
Hơn 137m bờ biển Cửa Đại vẫn chưa được kè chắn. Ảnh: Q.HẢI

Trước nhu cầu cấp thiết về việc bảo vệ bờ biển khỏi nguy cơ xâm thực ngày càng sâu, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình kè chống xâm thực bờ biển Hội An với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng. Công trình được xây dựng tại 2 phường Cẩm An và Cửa Đại với tổng chiều dài tuyến kè 7.600m, chia thành 2 giai đoạn. Đến nay, đoạn kè biển mới nằm trên trục đường Âu Cơ có chiều dài 713m với kinh phí trên 50 tỷ đồng đã hoàn thành. Tuy nhiên, chỉ sau hai mùa mưa bão gần đây, tình trạng biển xâm thực lại tiếp tục diễn ra ở mức độ nghiêm trọng, kè bị sạt lở nhiều đoạn xung yếu.

Nhiều khu du lịch bị sạt lở nghiêm trọng mỗi mùa mưa bão.
Nhiều khu du lịch bị sạt lở nghiêm trọng mỗi mùa mưa bão.

Phường Cửa Đại có 6 khu du lịch nằm dọc theo chiều dài hơn 3km bờ biển, trong đó có 5 khu đã đưa vào sử dụng. Thế nhưng, các tuyến kè của những khu du lịch này đã bị sóng lớn gây sụt lún nghiêm trọng. Riêng đoạn bờ biển dài hơn 100m nằm giữa 2 khu du lịch Cát Vàng và Sunrise, khu vực dự kiến sẽ xây dựng bãi tắm cũng đã bị biển xâm thực từ 15 đến 20m sau cơn bão số 8 hồi năm ngoái. Trong khi đó, vẫn còn hơn 137m bờ biển vẫn chưa được thi công dù tỉnh đã ghi vốn đầu tư trong năm 2014 này. “Do sạt lở bờ biển Cửa Đại nên nhiều sản phẩm du lịch có nguy cơ mất chất lượng. Chúng tôi đề nghị phải khảo sát đánh giá để chọn giải pháp kè phù hợp. Còn nếu không chúng ta sẽ mất rất nhiều!” - bà Đinh Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Thương mại - du lịch Hội An nói.

Băn khoăn giải pháp

Huy động nhân lực, vật lực quyết tâm khắc phục những đoạn bị sạt lở nặng
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh cùng lãnh đạo một số sở, ban ngành liên quan vừa kiểm tra thực địa tình trạng sạt lở tại khu vực Cửa Đại (TP.Hội An).

Khu vực ven biển Cửa Đại dài 7,6km, trong số khoảng 3km bờ biển đang bị sóng đe dọa thì có hơn 1km bị sạt lở hết sức nghiêm trọng, làm hư hại nhiều hạng mục đã thi công, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Để bảo vệ công trình, các đơn vị có hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại khu vực này đã đầu tư khoảng 15 tỷ đồng để xây kè nhưng vẫn không mang lại hiệu quả. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh yêu cầu UBND TP.Hội An tiếp tục có giải pháp quyết liệt, kịp thời, huy động mọi lực lượng, tập trung nhân lực, vật lực, kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp trên địa bàn để quyết tâm khắc phục những đoạn bị sạt lở nặng, kiên quyết giữ đất, bảo vệ dân, bảo vệ các công trình đang thi công ven biển. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu chính quyền Hội An nhanh chóng hoàn chỉnh dự toán 10 tỷ đồng chống sạt lở khẩn cấp từ bãi tắm công cộng Hội An trở vào khoảng 200m để xem xét, cân đối ngân sách đầu tư bảo vệ, hạn chế tình trạng biển xâm thực thêm các công trình công cộng và các dự án đang hoạt động sát bờ biển trong mùa mưa bão năm nay. Trước khi lên phương án kè bảo vệ lâu dài đối với các đoạn xung yếu, có phương án chống sạt lở bền vững trình xin kinh phí của Trung ương.(TẤN CHÂU)

Theo bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An, thành phố đang đánh giá lại tác dụng của kè biển và đề nghị tỉnh có kế hoạch đầu tư năm 2015. Đây là vấn đề khó cần phải nhờ tư vấn. Trong khi đó, hệ thống kè cứng của thành phố và của các doanh nghiệp vừa đầu tư xong đã có vấn đề, bị gãy, hư hỏng và đặc biệt là gây xói lở tiếp tục, việc xâm thực còn nhiều hơn so với các năm. Hiện gói kè thứ hai 137m tỉnh đã ghi vốn, lập hồ sơ, tuy nhiên vấn đề đặt ra là có nên tiếp tục kè cứng ở đoạn này nữa hay không, nếu không làm thì mất vốn.

Thực tế ở nhiều địa phương trên cả nước cũng đã diễn ra tình trạng tương tự như vùng biển Cửa Đại, nhiều tuyến kè cứng đã được thi công nhưng vẫn tiếp tục bị hư hại, xuống cấp nghiêm trọng. Riêng tại tỉnh Thừa Thiên  Huế, giải pháp kè mềm đã hạn chế được tình trạng này. Tuy nhiên, khi mùa mưa bão đang tới gần, chủ trương của lãnh đạo TP.Hội An là phải kè ngay những đoạn xung yếu có nguy cơ tiếp tục sạt lở, sau đó sẽ nghiên cứu giải pháp ứng dụng công nghệ kè phù hợp, bền vững. Ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định: “Kè Cửa Đại, 137m còn lại phải tiếp tục làm vì đây là vùng xung yếu, nguy hiểm trong mùa mưa bão. Thành phố cũng mời các nhà khoa học có kinh nghiệm nghiên cứu lập đề án kè mềm. Phải kè mềm để giữ đất, giữ cảnh quan, nhưng chỗ nào xung yếu trước mắt phải kè cứng”.

Vừa qua, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương và giao UBND TP.Hội An làm chủ đầu tư, tiếp tục triển khai xây dựng đoạn kè với tổng chiều dài 137,6m từ khu resort Vinpearl Hội An đến khu resort Pusionalya ở phường Cửa Đại ngay trong năm nay. Đây là phần còn lại của dự án “Kè chống xâm thực bờ biển Hội An”. Theo người dân ven biển Hội An, chủ trương tiếp tục kè chắn sóng biển đã đáp ứng nguyện vọng, tuy nhiên thời gian triển khai thi công hoàn thành hơn 137m bờ biển còn lại trong năm nay là không thể. Trong khi mùa mưa bão đang đến gần, tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại chắc chắn sẽ tiếp tục diễn ra.

QUỐC HẢI

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chống xâm thực bờ biển Cửa Đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO