Chống xói lở bờ biển Cửa Đại: Vẫn chưa có giải pháp đồng bộ

VĨNH LỘC 26/05/2017 08:41

Công bố kết quả nghiên cứu và lấy ý kiến của các chuyên gia, hướng tới xây dựng phương án khả thi và thiết kế những công trình bảo vệ bờ biển Hội An là nội dung chính buổi hội thảo quốc gia “Nghiên cứu về quá trình xói lở và các biện pháp bảo vệ bãi biển Hội An” diễn ra sáng qua (25.5) tại TP.Hội An. Hội thảo do Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Liên minh châu Âu tại Việt Nam phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghệ, kinh tế và thủy lợi miền Trung tổ chức.

Cửa Đại sạt lở rất nghiêm trọng thời gian qua. Ảnh: VĨNH LỘC
Cửa Đại sạt lở rất nghiêm trọng thời gian qua. Ảnh: VĨNH LỘC

Nhận định nguyên nhân

Tháng 6.2016, AFD đã thống nhất tài trợ kinh phí thực hiện dự án nghiên cứu về quá trình xói lở của bờ biển Hội An, qua đó đề xuất những giải pháp để bảo vệ bờ biển một cách bền vững làm cơ sở xây dựng dự án chống xói lở bờ biển Hội An. Sau gần một năm triển khai nghiên cứu, đến nay việc đánh giá nguyên nhân cũng như tìm ra giải pháp chống xói lở cơ bản được phác thảo.

Báo cáo kết quả tại hội thảo, GS.Nguyễn Kim Đan - chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu về quá trình xói lở và các biện pháp bảo vệ bãi biển Hội An” khẳng định, có rất nhiều nguyên nhân gây xói lở bờ biển Cửa Đại thời gian qua. Đầu tiên là thiếu hụt cát do các hồ chứa trên thượng lưu giữ lại (khoảng 50%) khiến cát từ thượng nguồn không về được. Thứ hai, việc khai thác cát trên các hệ thống sông quá mức. Thứ 3, do xây nhiều resort trên bãi biển dẫn đến cản trở quá trình trao đổi cát giữa bãi với bờ biển. Thứ tư, do việc khai thác cát và xây dựng cầu Cửa Đại cùng một số nguyên nhân khác khiến dòng chảy chính của cát ngày càng tập trung về phía nam chứ không phải phía bắc. Một nguyên nhân khác là tầng sóng thay đổi, tầng suất xuất hiện sóng cao ngày càng nhiều hơn, hướng sóng cũng thẳng góc với bờ biển… “Sóng có biên độ lớn sẽ tạo ra dòng chảy đi ngược ra biển dưới đáy và dòng chảy đó sẽ mang cát ở trên bãi xuống khiến lượng cát bị đẩy ra ngoài biển” - GS.Nguyễn Kim Đan phân tích.

Thống kê cho thấy trong 10 năm trở lại đây, vùng bờ biển Hội An bị xâm thực ngày càng nặng gây sạt lở nghiêm trọng. Trung bình mỗi năm biển xâm thực sâu vào đất liền 10 - 15m với chiều dài khoảng 7km. Đặc biệt, hiện tượng sạt lở đang diễn biến phức tạp và kéo dài về phía bắc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy hoạch và phát triển đô thị Hội An.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, thời gian qua cùng với sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng một số đoạn kè bảo vệ khẩn cấp, hạn chế sạt lở, bảo vệ bờ biển khỏi nguy cơ xâm thực ngày càng sâu vào đất liền. Kể cả các khách sạn, khu nghỉ dưỡng ven biển cũng đã đầu tư kinh phí xây dựng nhiều công trình bảo vệ bờ trong khu vực dự án. Tuy nhiên, do hạn chế về kinh phí đầu tư, giải pháp công trình khắc phục chưa được nghiên cứu cụ thể, còn mang tính chắp vá, thiếu đồng bộ nên chỉ là giải pháp mang tính tạm thời và bãi biển chưa được phục hồi, một số đoạn còn mất luôn bãi biển, ảnh hưởng lớn đến cảnh quan du lịch tại Hội An. “Để đảm bảo việc chống xói lở ổn định lâu dài, bảo vệ kết cấu hạ tầng với khu vực bờ biển Cửa Đại, cần phải nghiên cứu một cách khoa học, tổng thể, đồng bộ và có các giải pháp đầu tư theo từng giai đoạn nhằm xây dựng, phục hồi bờ biển ổn định, lâu dài” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói.

Giải pháp tạo bãi

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng, xói lở đang là vấn đề nổi cộm hiện nay và kéo dài ở nhiều nơi. Bộ NN&PTNT đã huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế tập trung nghiên cứu cơ chế gây ra sạt lở. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu kỹ càng vì nếu làm không có cơ sở khoa học sẽ gây tốn kém nhưng hiệu quả không cao. Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nói: “Vấn đề xói lở có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, do tác động của biến đổi khí hậu như thay đổi dòng chảy, hướng gió… Thứ hai, tác động của quá trình phát triển kinh tế thiếu bền vững. Đặc biệt, liên quan đến vấn đề giữ cát tại các hồ chứa phía thượng nguồn, kể cả vấn đề phát triển vùng ven biển cũng dẫn đến quá trình trao đổi cát và bờ cũng thiếu hụt”. Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, để giảm thiểu những rủi ro thiên tai và giữ lại vùng ven biển miền Trung nhưng vẫn đảm bảo được cảnh quan phát triển du lịch là giải pháp khó và một trong những giải pháp đầu tiên là phải bù cát lại ven biển. Vấn đề đặt ra, lượng cát thiếu hụt mà phải đảm bảo cát cho xây dựng nữa thì phải quản lý rất chặt chẽ hoạt động khai thác cát hiện nay. Hạn chế khai thác vật liệu tác động đến ven biển, xa hơn là khai thác cát lắng trong lòng hồ, nói chung phải có nhiều giải pháp tổng hợp các bên phải cùng tham gia.

Việc bù cát đang là giải pháp nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học. Theo GS.Nguyễn Kim Đan, có thể đề xuất nhiều giải pháp nhưng giải pháp hữu hiệu là nuôi bãi bởi Hội An muốn bảo vệ cảnh quan du lịch, muốn giữ lại bãi tắm thì chỉ có giải pháp này. Khi nuôi bãi phải cần thời gian, nhất là nguồn cát. Dự kiến, chiều dài nuôi bãi sẽ dài khoảng 6.500m cùng lượng cát khoảng 1 triệu mét khối sẽ được bơm đổ dọc theo bờ biển. “Nếu chúng ta thực hiện tốt nuôi bãi thì bãi biển Hội An còn đẹp hơn xưa” - GS.Nguyễn Kim Đan nói. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn gây không ít băn khoăn cho một số đại biểu. GS.Lương Phương Hậu - nguyên Giảng viên cao cấp Trường Đại học Xây dựng cho rằng, nghiên cứu cần làm nổi bật thêm đặc điểm diễn biến theo mùa của bờ biển Hội An, nhất là cần làm sáng tỏ thêm cơ chế sạt lở bờ lan truyền từ nam ra bắc trong mùa mưa bão vừa qua, bởi bùn cát dọc bờ bản thân không tự di chuyển mà phải có lực nào đó bứt phá và xô đẩy đi mới hình thành dòng bùn cát chuyển động từ nam ra bắc, trong lúc dòng chảy năng lượng ưu thế có hướng từ bắc vào nam là chưa chính xác. “Dự án cần đưa ra nhiều phương pháp công trình để phân tích và lựa chọn, không nên áp đặt một phương pháp duy nhất. Phương pháp nuôi bãi không phải là mới mẻ, thực tế đã có nhiều người nêu ra rồi. Ngoài ra, cũng cần tiên liệu những khó khăn phức tạp trong việc tìm nguyên liệu, thi công, duy tu, bảo dưỡng công trình nuôi bãi. Việc thi công một công trình nuôi bãi khổng lồ như vậy sẽ kéo dài nhiều năm, kéo theo tình trạng ô nhiễm độ đục, chất lượng nước, tiếng ồn…” - GS.Lương Phương Hậu phản biện.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, việc các nhà khoa học phân ra từng đoạn để triển khai và làm từ phía bắc trong khi nỗi lo của Hội An bây giờ là ở vị trí điểm cuối nơi khách sạn Boutique lại không đề cập. “Bây giờ phải làm sao để có giải pháp cấp thiết trong mùa mưa bão năm 2017 này để không xói lở nữa. Trong khi chờ giải pháp tổng thể, các nhà khoa học phải đề xuất tư vấn cho chính quyền tỉnh và thành phố nên làm cái gì trước khi triển khai những giải pháp tổng thể” - ông Hùng kiến nghị.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chống xói lở bờ biển Cửa Đại: Vẫn chưa có giải pháp đồng bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO