Chống xói lở cửa sông, bờ biển Cửa Đại: Không thể xử lý cục bộ

HỮU PHÚC 09/09/2015 08:47

Tại hội thảo quốc tế Việt Nam - Nhật Bản về cửa sông, bờ biển do Trường Cao đẳng Công nghệ - kinh tế và thủy lợi miền Trung tổ chức vừa qua, các nhà khoa học đều có chung quan điểm chống xói lở bờ biển Cửa Đại dài 7km không thể mang tính cục bộ, chắp vá mà cần có giải pháp đồng bộ xử lý lượng bùn cát sông, biển.

  • Cửa Đại trôi theo sóng
  • Giải pháp chống sạt lở biển Cửa Đại: Chưa có phương án cuối cùng
  • Huy động nguồn lực bảo vệ bờ biển Cửa Đại
  • Cho phép doanh nghiệp xây dựng kè bảo vệ bờ biển Cửa Đại
  • Xói lở bờ biển Cửa Đại là do suy giảm bùn cát từ thượng lưu
Doanh nghiệp tự xây kè nuôi bãi nên chính quyền buộc tháo dỡ. Ảnh: HỮU PHÚC
Doanh nghiệp tự xây kè nuôi bãi nên chính quyền buộc tháo dỡ. Ảnh: HỮU PHÚC

Gần 200 đại biểu tham gia hội thảo, trong đó có các chuyên gia trong nước và đến từ Nhật Bản với 3 bài thuyết trình khoa học và 65 báo cáo tham luận, hầu hết tập trung cập nhật, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức trong lĩnh vực nghiên cứu và kỹ thuật chỉnh trị cửa sông, bờ biển và kỹ thuật sông ngòi. Đồng thời liên hệ đến thời gian, biên độ xói lở, bồi lấp tại bãi biển Cửa Đại (TP.Hội An); chia sẻ kinh nghiệm chống xói lở sông ngòi, bờ biển trên thế giới và khu vực miền Trung Việt Nam.

Lở do giảm bùn cát

Lấy cát ở đâu để nuôi bãi?

Tại hội thảo, một lần nữa các nhà khoa học lại đề xuất giải pháp nuôi bãi trong chống sạt lở bãi biển Cửa Đại. Nuôi bãi dưới hình thức chuyển cát nhân tạo qua cửa và hệ thống bẫy bùn cát để hạn chế hiện tượng dịch chuyển, xói lở bờ biển hạ lưu, bồi lấp các bãi biển. Nuôi bãi để giảm năng lượng sóng, tái tạo nhanh bãi biển. Thực tế, một số doanh nghiệp ở Cửa Đại đã kè sóng nuôi bãi cát. Tuy nhiên, theo TS.Chu Mạnh Trinh, lở - bồi là quy luật của tự nhiên; bên lở là do thiếu phù sa cát bồi đắp. Mối lo ngại là lấy nguồn cát ở đâu để nuôi bãi. Nếu đem cát từ nơi khác đổ về Cửa Đại, chẳng khác nào lại tiếp tục gây thương tổn, biến dạng địa hình nơi đó. Cách khả dụng nhất là phục hội đai rừng ngập mặn, bố trí nhà cửa lên cao, xác định vị trí “kè cứng”, “kè mềm” thật hợp lý…

Những bài thuyết trình của các chuyên gia Nhật Bản lần này tiến xa một bước: cung cấp, củng cố thêm nhiều luận chứng khoa học, cắt nghĩa hiện tượng xói lở cục bộ ở bờ biển Cửa Đại do quá trình suy giảm bùn cát. GS-TS. Hitoshi Tanaka, nguyên Chủ tịch Hội Quốc tế về nghiên cứu và kỹ thuật thủy văn môi trường - Vùng châu Á Thái Bình Dương, hiện là Phó Chủ tịch Hội Xây dựng dân dụng Nhật Bản phân tích, bãi biển Cửa Đại và nhiều nơi khác thuộc các cửa sông ven biển của miền Trung đang bị sạt lở do ảnh hưởng của thiên tai và các hoạt động can thiệp thô bạo của con người như nạn khai thác cát quá mức, sự tàn phá rừng đầu nguồn hoặc tác động của việc xây dựng các nhà máy thủy điện làm thay đổi lưu lượng dòng chảy.

Theo dõi diễn tiến sạt lở bãi biển Cửa Đại cho thấy, ngoài yếu tố tác động thiên tai, thì nguyên nhân chính được xác định vì thiếu hụt lượng cát bùn rất lớn từ thượng lưu sông Thu Bồn đổ về. Vào các mùa mưa - nắng, sự thay đổi của dòng chảy đã mang đi và mang đến lượng cát bồi lấp không đều, dẫn đến sạt lở mạnh. “Xói lở là do sự suy giảm bùn cát từ thượng lưu. Minh chứng cho điều này là thông qua mô phỏng quá trình hình thành cửa sông dạng đồng bằng bởi việc giả định nguồn bùn cát phong phú từ thượng lưu cũng như quá trình xói lở bờ biển được mô phỏng thông qua nghiệm giải tích của mô hình tính toán đơn giản, một chiều khẳng định rõ rệt về khu vực sạt lở xảy ra ở bãi biển Cửa Đại” - GS-TS. Hitoshi Tanaka lý giải.

Bờ kè bằng đá lát tại Cửa Đại.
Bờ kè bằng đá lát tại Cửa Đại.

Còn theo phân tích của các nhà khoa học trong nước, quá trình xói lở bờ biển Cửa Đại do kết hợp giữa dòng vận chuyển cát theo hướng vuông góc với bờ và dòng chuyển cát dọc bờ. Thông thường tại vùng biển này, xói lở nặng xảy ra vào mùa đông, khi đó trường sóng mạnh trong gió mùa đông bắc kết hợp với nước biển dâng ven bờ. Sự thay đổi của cán cân bùn cát do hình thành các nhà máy thủy điện trên hệ thống lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Phía hạ du bờ biển không đủ lượng cát cần thiết nên bị xói lở.

Đồng bộ chứ không cục bộ

Từ nhiều năm nay, không ít diễn đàn, hội thảo khoa học tìm giải pháp kỹ thuật cứu bãi biển Cửa Đại. Cơ quan quản lý nhà nước chậm quyết định vì còn chờ tiếng nói thống nhất của các nhà khoa học, chờ vốn. Hàng ngày bãi cát cứ lở, doanh nghiệp đứng ngồi không yên vì mất đất, bãi tắm, tài sản công trình nên đã tự phát xây bờ kè chắn sóng. Từ năm 2013, các khách sạn như Victoria Hội An resort, Sunrise, Golden Sand… đã đầu tư nhiều tỷ đồng xây kè chắn sóng. Đi dọc bãi biển Cửa Đại, các nhà đầu tư đã dùng biện pháp kè khoảng cách để giảm áp lực sóng đẩy vào bờ. Tuy nhiên, vì “lấn biển” không theo một quy chuẩn, quy hoạch xây dựng nào nên đã bị chính quyền địa phương “thổi còi”. Năm 2014, chủ đầu tư của khách sạn Golden Sand bỏ đá kè dài 500m trước khách sạn và làm kè mỏ hàn để phục hồi bãi tắm thì bị UBND TP.Hội An xử phạt 45 triệu đồng và yêu cầu tháo dỡ hiện trạng. Đại diện khách sạn này cho rằng, trước khi chờ đợi can thiệp của cơ quan nhà nước, đơn vị cũng có phương án bảo vệ tài sản, chống xói lở riêng. Vì nóng lòng nên doanh nghiệp phải tự cứu mình. Chứng kiến cảnh sóng biển nuốt trôi một số công trình khách sạn, các doanh nghiệp đang hoạt động đã xây kè cứng để bảo vệ tài sản. Các công trình kè tự phát này, thực tế vẫn có hiệu quả cục bộ trong ngăn sóng, chống sạt lở, nhưng lại không đồng bộ trên tổng thể. Doanh nghiệp tự cứu mình theo kiểu… mạnh ai nấy làm.

Chuyên gia nước ngoài trong phiên thảo luận giải pháp chống sạt lở cho Cửa Đại.
Chuyên gia nước ngoài trong phiên thảo luận giải pháp chống sạt lở cho Cửa Đại.

Tiến sĩ Hirotada Matsuki - Cố vấn trưởng dự án xây dựng xã hội thích ứng thiên tai tại Việt Nam giai đoạn 2 chia sẻ: “Mạng lưới sông ngòi miền Trung có nhiều điểm tương đồng với Nhật Bản, nên có thể áp dụng kinh nghiệm, kỹ thuật chống xói lở bằng cách đưa đường lạch sâu ra ngoài hướng bờ sông để thay đổi điều kiện dòng chảy từ gây xói mòn thành mang lại bồi đắp”. Còn GS-TS.Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam cho rằng, thuyết trình, luận giải lần này vô cùng bổ ích, làm phong phú thêm những cơ sở thực tiễn và khoa học về phân tích con đường dẫn đến bãi biển lở - bồi. Điểm lưu ý, các báo cáo chỉ ra những hạn chế trong xử lý các vấn đề bồi lắng và xói lở, điểm yếu của giải pháp mang tính cục bộ cho từng cửa sông. Từ đó, các chuyên gia đề xuất một số giải pháp tổng thể, đồng bộ nhằm giải quyết các tồn tại, bất lợi cho các cửa sông ven biển miền Trung, trong đó có Cửa Đại.

Trong khi đó, TS. Chu Mạnh Trinh (Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) nói, sức thuyết phục cao từ các bản thuyết trình ở chỗ là “mổ xẻ” quá trình bồi - lở cửa sông ven biển Cửa Đại không có sự khác biệt nào lớn khi đặt trong mối quan hệ với sông ngòi miền Trung. Xây “kè cứng” bằng bê tông cốt thép chưa phải là giải pháp tối ưu. Cái quý hơn, khi đề xuất chống xói lở Cửa Đại, các nhà khoa học đã nghĩ ngay đến bảo tồn giá trị tài nguyên như rừng ngập mặn, thảm cỏ biển… Chống xói lở đòi hỏi phải quản lý tổng hợp liên vùng, liên ngành… Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, chính quyền sẽ lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, qua hội thảo sẽ đặt ra vai trò, trách nhiệm của “3 nhà” (nhà quản lý, nhà đầu tư, nhà khoa học) để cùng nhau phối hợp triển khai thực hiện các giải pháp chống sạt lở, xói lở ở bãi biển Cửa Đại đạt hiệu quả cao nhất.

HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chống xói lở cửa sông, bờ biển Cửa Đại: Không thể xử lý cục bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO