“Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường kiểm tra, kiểm soát công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 hằng ngày, không được lơ là, chủ quan. Tinh thần là chuẩn bị tốt các điều kiện, cơ sở vật chất để phòng chống dịch bệnh. Chống dịch phải như chống giặc” – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhấn mạnh như vậy tại hội nghị Tỉnh ủy về các nội dung liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 diễn ra sáng qua, 3.6.
Sau khi nghe các báo cáo và thảo luận tại hội nghị, Tỉnh ủy cơ bản thống nhất chỉ đạo tiếp tục duy trì tần suất các chuyến bay về từ TP.Hồ Chí Minh; các trường hợp bị cách ly tập trung phải đóng 80 nghìn đồng tiền ăn/ngày nếu không thuộc hộ nghèo, cận nghèo và đặc biệt khó khăn; bổ sung ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng công nhân trong các đợt sắp đến và vùng có nguy cơ dịch bệnh cao…
Chủ động dự báo tình hình, sẵn sàng các kịch bản ứng phó phù hợp trong mọi tình huống, nỗ lực hạn chế thấp nhất, cố gắng không để bùng phát dịch bệnh, giữ vững trạng thái bình thường mới để phát triển kinh tế - xã hội.
Thông tin về tình hình dịch bệnh và công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho biết, đối với người về từ TP.Hồ Chí Minh, tỉnh áp dụng theo cấp độ như hiện nay, vừa cách ly tập trung vừa cách ly tại nhà.
Trong đó, cách ly tập trung đối với những người có yếu tố dịch tễ liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, về từ quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) và sẽ có những biện pháp cách ly tập trung tiếp theo nếu TP.Hồ Chí Minh thực hiện cách ly xã hội đối với một vùng nào đó.
Người về từ vùng có dịch bị phong tỏa dứt khoát phải cách ly tập trung 21 ngày. Trường hợp cách ly tại nhà 14 ngày phải viết giấy cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để phát sinh dịch bệnh, được đưa đến trung tâm y tế khai báo y tế, thực hiện cách ly tại nhà có sự giám sát của chính quyền địa phương.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất “nóng” và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi đó, lượng người Quảng Nam ở TP.Hồ Chí Minh chiếm tỷ lệ cao nhất so với các địa phương khác.
Theo thống kê, lượng khách về Quảng Nam qua sân bay Chu Lai tăng đột biến, như vậy, các loại phương tiện khác cũng sẽ tăng đột biến. Dự báo thời gian tới, bà con Quảng Nam về quê sẽ đông hơn so với các đợt dịch trước đây.
Các địa phương phải sẵn sàng kích hoạt tất cả biện pháp để kiểm soát, truy vết, khai báo y tế và thực hiện cách ly tập trung. Chính quyền địa phương phải nắm được số lượng con em mình quay về, dự lường các khu cách ly tập trung, nguồn lương thực thực phẩm và các lực lượng tham gia phối hợp quản lý các khu cách ly tập trung tại địa phương có thể tăng lên đột biến.
“Chúng ta phải tính toán, hình dung trước để có các phương án sẵn sàng ứng phó mang tính chủ động chứ không được bị động. Nếu bị động thì hậu quả sẽ vô cùng khủng khiếp và sẽ không có cơ hội để sửa chữa” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, ngoài các khu cách ly tập trung do quân sự quản lý và các khu cách ly tập trung có thu phí - là các khách sạn nằm trong danh sách được UBND tỉnh phê duyệt; nhằm chủ động trước tình hình này, tỉnh sẽ chỉ đạo tăng các khu cách ly tập trung có thu phí và tiếp tục rà soát bổ sung các khách sạn phù hợp với cấp độ thu nhập của các trường hợp bắt buộc phải vào cách ly tập trung.
“UBND tỉnh giao Sở Y tế làm việc đối với các doanh nghiệp, khu công nghiệp, yêu cầu phải có các phương án chủ động ứng phó với dịch bệnh. Do chưa bao giờ làm, cho nên UBND tỉnh yêu cầu làm nghiêm túc và có thực hành, tập trung công nhân làm việc, ăn ở tại chỗ.
Thậm chí từng nhà máy chủ động lấy mẫu xét nghiệm để chuyển giao cơ quan y tế xét nghiệm, tránh trường hợp quá tải. Sở Y tế đang dự thảo phân nhóm ưu tiên tiêm vắc xin trong các đợt tới, trong đó có nhóm ưu tiên là công nhân” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh lưu ý.