Chủ động cảnh báo lũ

TRUNG LỘ 29/10/2014 08:43

Điều tiết đủ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho vùng hạ du  đồng thời phải tính toán phương cách đón lũ… là hai nhiệm vụ mà các hồ thủy điện ở Quảng Nam phải thực hiện song hành trong mùa mưa lũ năm nay.

Thủy điện A Vương xả nước để tăng dung tích đón lũ. Ảnh: T.LỘ
Thủy điện A Vương xả nước để tăng dung tích đón lũ. Ảnh: T.LỘ

Xả lũ đúng quy trình

Toàn tỉnh hiện có 18 công trình thủy điện đã được Bộ Công Thương, UBND tỉnh phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa. Riêng 3 nhà máy thủy điện A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2 thực hiện vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa theo Quyết định số 909/QĐ-TTg ngày 16.6.2014 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, việc quản lý, vận hành các công trình hồ chứa thủy điện trên địa bàn Quảng Nam đảm bảo đúng quy trình vận hành đơn hồ và quy trình liên hồ trong mùa lũ đã được duyệt. Theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương, hầu hết chủ đập thủy điện thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành. Đối với các hồ chứa có nhiệm vụ phòng lũ, không tích nước quá sớm để đảm bảo chủ động cắt lũ cho hạ du, đồng thời phối hợp vận hành đáp ứng cơ bản nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường phía hạ lưu.

Theo ông Nguyễn Văn Lân - Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh 2, sau khi ký các quy chế phối hợp với Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, công ty đã cùng với các chủ đập trên cùng bậc thang Sông Tranh 3, Sông Tranh 4 đã triển khai phương án vận hành hồ chứa Sông Tranh 2 trong mùa lũ hằng năm theo quy trình vận hành liên hồ A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2 để điều tiết đủ nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt cho vùng hạ du, đồng thời tính toán dung tích nước đón lũ trong mùa mưa bão sắp đến. Hiện nay, thủy điện Sông Tranh 2 đã hoàn tất kế hoạch PCLB như hồ sơ về an toàn đập, hồ chứa, phương án PCLB bảo đảm an toàn đập, phương án bảo vệ đập, phòng chống lũ lụt vùng hạ du, quy chế phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan trong vận hành xả lũ...

Cùng với thủy điện Sông Tranh 2, mùa mưa lũ năm nay nhà máy thủy điện A Vương triển khai phương án vận hành theo quy trình liên hồ mới. Theo đó, Công ty CP Thủy điện A Vương (AVC) cũng khẩn trương xây dựng lại quy chế phối hợp PCLB với Quảng Nam, TP.Đà Nẵng, huyện Đại Lộc và các hồ chứa trên cùng lưu vực. Theo ông Lê Đình Bản - Phó Tổng Giám đốc AVC, quy trình liên hồ chứa mới có quy định về giảm lũ cho hạ du như giảm nước đón lũ tại các hồ chứa trong lưu vực để tăng dung tích đón lũ. Theo đó, tổng dung tích phòng lũ của cả 3 hồ (A Vương, Đăk Mi 4, Sông Tranh 2) từ 126 triệu mét khối nước được tăng lên gần gấp 3 lần (345 triệu mét khối).

Cảnh báo lũ sớm

Đến thời điểm này, các nhà máy thủy điện trên địa bàn Quảng Nam đã chuẩn bị khá chu đáo phương án PCLB nhằm đảm bảo an toàn đập và vùng hạ du trong mùa mưa bão. Các nhà máy thủy điện đã tổ chức diễn tập phương án PCLB, lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ từ xa tại các khu vực dân cư ở vùng hạ du và lắp đặt hệ thống camera giám sát hình ảnh phục vụ chỉ đạo điều hành PCLB. Điển hình là nhà máy thủy điện Khe Diên (Nông Sơn),  Công ty CP Sông Ba đã thành lập Trung tâm Tư vấn và kiểm định an toàn đập đảm nhận công tác kiểm định an toàn đập ở các nhà máy thủy điện do đơn vị làm chủ đầu tư. Theo đó, trung tâm đã tiến hành kiểm định an toàn hồ chứa thủy điện Khe Diên và xây đựng bản đồ vùng ngập hạ du nhằm chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai cho nhân dân địa phương trong mùa mưa bão.

Theo Sở Công Thương, tính đến cuối tháng 10.2014, trên địa bàn tỉnh có 42 dự án thủy điện đã được phê duyệt với tổng công suất gần 1.600MW. Trong đó, Bộ Công Thương thẩm định và phê duyệt 10 dự án trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, hiện đã có 7 dự án phát điện gồm nhà máy thủy điện A Vương, Sông Côn 2, Sông Tranh 2, Ðăk Mi 4, Sông Bung 5, Sông Bung 6, Sông Bung 4; còn lại 3 dự án đang triển khai xây dựng gồm Sông Bung 2, Đăk Mi 2, Đăk Mi 3. UBND tỉnh đã thẩm định và phê duyệt 32 dự án vừa và nhỏ, đến nay đã có 9 dự án phát điện và các dự án còn lại đang triển khai xây dựng và lập thủ tục chuẩn bị đầu tư.

Ông Lê Đình Bản - Phó Tổng Giám đốc AVC cho biết, để chuẩn bị cho công tác PCLB năm nay, AVC đã triển khai công tác bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị tại đập và nhà máy, đảm bảo các thiết bị, hệ thống công nghệ ở tư thế sẵn sàng vận hành an toàn trong mùa lũ. Các phương tiện thông tin liên lạc cũng được kiểm tra, sửa chữa và bảo dưỡng, đảm bảo thông suốt từ thượng nguồn xuống hạ du. Đến nay, AVC đã cắm 72 cột mốc báo lũ và xây dựng 7 hệ thống báo mức ngập tự động tại các khu dân cư tại huyện Đại Lộc có tính năng ghi nhận và truyền thông tin tự động về mức ngập lụt qua sóng di động GSM về trung tâm điều hành và trực ban công ty để xử lý. Trong mùa mưa lũ, mỗi khi xả tràn hồ chứa, AVC sẽ thông tin xả tràn qua điện thoại di động và sử dụng hệ thống loa cảnh báo từ xa (sử dụng nguồn năng lượng mặt trời) ở các điểm xung yếu nhằm cảnh báo kịp thời cho nhân dân chủ động ứng phó.

Để chủ động cảnh báo lũ đối với khu vực thủy điện sông Tranh 2, Công ty Thủy điện Sông Tranh 2 đã ký hợp đồng dịch vụ tư vấn với Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam thực hiện gói thầu đo đạc, dự báo khí tượng thủy văn phục vụ chống lũ, vận hành hồ chứa và duy trì hệ thống thông tin cảnh báo lũ, tình hình vận hành, xả lũ tại hồ chứa đến ban chỉ huy PCBL và tìm kiếm cứu nạn các cấp. Thông qua 4 trạm cảnh báo lũ từ xa mà công ty lắp đặt, sẽ kịp thời thông báo cho nhân dân về nước vượt ngưỡng tràn. Đặc biệt tại xã Hiệp Hòa và thị trấn Tân An (Hiệp Đức), công ty còn trang bị 2 trạm cảnh báo lũ từ xa để thông tin đến nhân dân địa phương trước khi có nước chảy qua đập tràn hồ chứa Sông Tranh 6 - 8 giờ. “Như vậy, người dân hoàn toàn có thể yên tâm khi tình huống lũ về đều được cảnh báo sớm” - ông Lân khẳng định.

TRUNG LỘ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chủ động cảnh báo lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO