“Cung cấp thông tin cho báo chí chính là nhiệm vụ quan trọng nhằm đưa chủ trương, chính sách của chính quyền đến công chúng, tạo sự đồng thuận giữa chính quyền và công chúng” - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga chia sẻ như vậy tại Hội nghị tập huấn người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí tỉnh Quảng Nam năm 2013 được tổ chức vào hôm qua 16.9.
Hội nghị do Sở TT-TT tổ chức với báo cáo viên là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn đến dự. Đại diện người phát ngôn của 37 sở ban ngành của tỉnh và 18 huyện thị thành phố đã có những “bài tập” rèn luyện công tác cung cấp thông tin cho báo chí thông qua việc tổ chức 3 cuộc phỏng vấn và 1 buổi họp báo ngay tại hội nghị.
Quang cảnh hội nghị. |
Kỹ năng người phát ngôn
Theo bà Nguyễn Phương Nga, người phát ngôn đóng vai trò rất quan trọng, là cầu nối giữa cơ quan nhà nước với công chúng, mang thông tin đến công chúng và tiếp nhận thông tin từ công chúng thông qua báo chí. Người phát ngôn chính là kênh cho báo chí, công chúng tiếp cận với thông tin của Chính phủ, cơ quan nhà nước. Đứng ở góc độ báo chí, người phát ngôn cần có mối quan hệ tương tác, tương hỗ, tôn trọng, hữu nghị, chuyên nghiệp và có ranh giới rõ ràng. “Việt Nam chúng ta vẫn chưa thực sự coi trọng việc quản lý các kênh thông tin này, bằng chứng là các trang báo mạng tràn lan với những nguồn tin không chính xác. Chính vì thế, nhiệm vụ của người phát ngôn rất quan trọng, là cầu nối nhưng không phải là lá chắn. Người phát ngôn cần phải có sự tín nhiệm, cởi mở, tinh thần hợp tác, thạo tin và phải hiểu báo chí” - Thứ trưởng Nguyễn Phương Nga chia sẻ.
Theo bà Nga, một người phát ngôn phải có khả năng chịu đựng sức ép công việc, khả năng xử lý bình tĩnh các yêu cầu của báo chí, tổng hợp vấn đề và xử lý logic các dữ kiện thông tin, hiểu biết rộng, trí nhớ tốt… Đặc biệt, ở vai trò một người phát ngôn, không nên nói dối, nói “không bình luận”, không dự đoán, phỏng đoán, suy đoán, không lồng ghép quan điểm cá nhân… Ngoài những kinh nghiệm cá nhân chia sẻ với hội nghị tập huấn, bà Nga cũng đưa ra những kỹ năng cụ thể đối với người phát ngôn như cách viết và công bố thông cáo báo chí, cách trả lời phỏng vấn báo chí và cách tổ chức họp báo…
Chia sẻ với thực tiễn địa phương tại Quảng Nam, bà Nguyễn Phương Nga đưa ra ví dụ về đề tài động đất tại thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My). Theo bà, với những sự kiện như vậy, chính quyền địa phương phải thu thập thông tin, qua đó giải thích cho nhân dân thông qua báo chí một cách nhanh chóng để người dân yên lòng. Với các thông tin đối ngoại, làm sao để phát ngôn cho người ngoại tỉnh hoặc nước ngoài thấy được, nhắc đến Quảng Nam là nhớ đến hình ảnh Mỹ Sơn, Hội An hoặc những sự kiện quan trọng tích cực chứ không phải luôn luôn là động đất, thủy điện Sông Tranh 2…
Thực tiễn từ Quảng Nam
Ngày 13.9.2013, UBND tỉnh ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn tỉnh với 13 điều khoản quy định. Theo đó, người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí phải là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước hoặc người được người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Chế độ báo cáo về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo định kỳ quý hoặc báo cáo đột xuất. Trách nhiệm của cơ quan báo chí, nhà báo theo quy định tại Quy chế này là sử dụng thông tin tài liệu đúng mục đích, phát, phản ánh trung thực nội dung phát ngôn và thông tin do người phát ngôn cung cấp… |
Nhiều đại biểu nhìn nhận, Quảng Nam là mảnh đất có khá nhiều đề tài “nhạy” cho báo chí. Người phát ngôn tại địa phương và các sở ban ngành đóng vai trò rất quan trọng trong các nguồn tin, tạo nên những luồng thông tin chính thống cho báo chí. Ông Đào Bội Thuyên - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức chia sẻ: “Với một huyện miền núi như Hiệp Đức, tất cả các thông tin đều quy về một mối, tôi và anh Hồ Ngọc Anh – Chánh Văn phòng UBND huyện chịu trách nhiệm phát ngôn. Với những sự kiện dàn trải trên nhiều lĩnh vực, chánh văn phòng là người chịu trách nhiệm thu thập thông tin và sẽ cung cấp cho báo chí nếu báo chí cần”. Kể một câu chuyện liên quan đến thông tin từ báo chí, ông Thuyên cho rằng có rất nhiều nguồn tin không biết báo chí lấy từ đâu và chính địa phương cũng không biết làm thế nào để đính chính. Mới đây, Đài Truyền hình Việt Nam có chạy dòng chữ thông tin, lốc xoáy gây thiệt hại hơn 1.000ha cao su trên địa bàn, khiến các vị lãnh đạo tỉnh cũng như một số nhà báo gọi điện thoại đến xác nhận thông tin rất nhiều. “Từ 1.000 cây cao su, không biết nguồn tin từ đâu, báo chí lại đưa tin đến 1.000ha cao su. Điều này sẽ gây thiệt hại cho địa phương cũng như doanh nghiệp trên địa bàn huyện nếu không đính chính kịp thời. Tuy nhiên, để đính chính một dòng chữ chạy trên truyền hình cũng rất khó” - ông Thuyên nói.
Cách đây không lâu, sự kiện động đất ở thủy điện Sông Tranh 2 thu hút sự chú ý khá nhiều của dư luận. Lúc này, có khá nhiều nguồn thông tin từ rất nhiều các trang báo mạng với độ rung chuyển ở các mức độ khác nhau. Nhiều cuộc họp báo cũng như thông cáo báo chí từ chính quyền địa phương đưa ra đã phần nào đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng. Tuy nhiên, nhiều người nhìn nhận, địa phương cần phải nhanh nhạy hơn nữa, tránh tình trạng báo chí đưa nhiều nguồn tin khác nhau. Với câu hỏi làm thế nào để người phát ngôn ở địa phương làm tốt công tác của mình, cung cấp thông tin đến báo chí nhanh nhạy, chính xác và thẳng thắn hơn, bà Nga cho rằng cần có cơ chế tạo thuận lợi để người phát ngôn tìm hiểu cặn kẽ chính sách, đào tạo kỹ năng cho người phát ngôn như xuất hiện trước báo chí thế nào, ngôn ngữ thế nào, và người phát ngôn cần duy trì mối liên hệ với báo chí, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí. “Nếu không chủ động, không kịp thời cung cấp thông tin sẽ không có thông tin chính thống, gây bất lợi. Cần phải xác định nhiệm vụ của người phát ngôn là cung cấp thông tin cho báo chí, bác bỏ những thông tin, quan điểm sai lệch từ dư luận và ngược lại, thông qua báo chí, chọn lọc phản ánh những nguyện vọng của người dân đến cơ quan chính quyền” - Thứ trưởng Nguyễn Phương Nga chia sẻ.
SONG ANH - VINH ANH