(QNO) - Thời gian nghỉ chống dịch Covid-19 khá dài nên việc học gián đoạn dễ dẫn đến khả năng mất kiến thức các môn học, tâm lý hoang mang trong học sinh. Ngành giáo dục đang tập trung triển khai nhiều giải pháp chuyên môn để đảm bảo chất lượng học tập cho học sinh; xây dựng kế hoạch dạy và học hiệu quả khi học sinh trở lại trường trong thời gian đến.
Tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT
Theo thầy giáo Phan Văn Chương - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, thời gian nghỉ kéo dài như hiện nay sẽ khiến học sinh không có sự liên tục trong việc học và không chuẩn bị tốt về kiến thức, tâm lý cho các kỳ thi. Do đó, Ban giám hiệu Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm chủ động kết nối, thông báo đến từng phụ huynh, học sinh về kế hoạch, chương trình học của nhà trường trong thời điểm chống dịch. Cụ thể, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn, tổ chuyên môn sẽ phối hợp, xây dựng kế hoạch hướng dẫn tự học cho từng môn; thông qua công nghệ thông tin để kết nối với học sinh trong quá trình hướng dẫn, giao bài tập, chuyển tải tài liệu.
“Giáo viên, tổ chuyên môn nhà trường giao bài qua email từng lớp; yêu cầu học sinh vào email nhận thông báo, bài tập và hoàn thành trong thời gian quy định. Những kiến thức chuyên sâu hay khó tiếp nhận, học sinh sẽ trao đổi trực tiếp với giáo viên bộ môn hoặc tham khảo trên những trang web tự học do nhà trường cung cấp. Quá trình này sẽ được giáo viên giám sát chặt chẽ và có báo cáo thường xuyên với Ban giám hiệu, phụ huynh. Đặc biệt, một số môn học sẽ đưa kết quả việc tự học này vào điểm tổng kết cuối năm. Nhờ vậy, học sinh của trường đã duy trì, nâng cao kiến thức dù thời gian nghỉ kéo dài” - thầy Phan Văn Chương cho biết.
Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, ngay từ khi ban hành thông báo cho học sinh nghỉ học tránh dịch Covid-19, Sở GD-ĐT đã yêu cầu hiệu trưởng các trường trên địa bàn tỉnh khẩn trương họp hội đồng sư phạm, nhanh chóng triển khai các giải pháp cho học sinh ôn tập, tự học, đặc biệt là chương trình học để thi tốt nghiệp THPT.
“Các địa phương có đầy đủ về phương tiện đã tập trung hướng dẫn học sinh tự học qua mạng hoặc dạy online; các địa phương còn khó khăn thì giáo viên chủ động trong việc chuyển tải tài liệu học tập đến các em, kèm theo hướng dẫn cụ thể. Sắp đến, chúng tôi sẽ tập trung đội ngũ giáo viên giỏi của tỉnh cùng làm việc với các chuyên viên của Sở GD-ĐT để tìm các phương pháp dạy hiệu quả trong từng bài giảng cho chương trình học lớp 12 từ đây đến kết thúc năm học” - ông Quốc nói.
Ổn định nền nếp
Tại Trường Tiểu học Phan Thanh (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ), ngay từ lúc này, nhà trường đã có kế hoạch dạy và học trong thời gian học sinh trở lại trường, đảm bảo khung thời gian học do Sở GĐ-ĐT đã ban hành.
“Theo kế hoạch, năm học 2019 - 2020 sẽ có 2 tuần dự trữ nên nhà trường sẽ tận dụng tối đa thời gian này để tổ chức ôn luyện, dạy bù. Ngoài ra, trường cũng sẽ linh hoạt trong việc tận dụng thời gian học ngày, giảm các tiết sinh hoạt ngoài trời để tổ chức ôn luyện theo phương pháp phù hợp; qua đó tránh được việc dồn ép kiến thức, đảm bảo chất lượng học tập của học sinh” - thầy Trình Huy Cường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Thanh cho biết.
Còn theo thầy Nguyễn Hồng Nga - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã Tam Dân, Phú Ninh), khi học sinh trở lại, điều đầu tiên là trường sẽ tập trung ổn định lại nền nếp, kỷ luật; tổ chức dạy học hiệu quả theo phương pháp riêng của từng bộ môn để đảm bảo chất lượng cho kỳ thi cuối kỳ. Cạnh đó, trường sẽ tiếp tục tuyên truyền đến học sinh về công tác chống dịch Covid-19; thông qua đó tuyên truyền rộng rãi hơn đến với cộng đồng.
Theo ông Hà Thanh Quốc, thời gian tới nếu có chủ trương cho học sinh đi học trở lại, Sở GD-ĐT sẽ thực hiện tốt công tác dọn vệ sinh, tiêu độc khử trùng, đảm bảo môi trường an toàn để phụ huynh an tâm đưa con đến trường. Và sẽ không chủ quan, tiếp tục phòng chống, tuyên truyền đến học sinh bằng các giải pháp mà Bộ Y tế đã ban hành.
“Chúng tôi đã quán triệt các hiệu trưởng, đội ngũ giáo viên xây dựng kế hoạch dạy chi tiết, tạo được sự hứng khởi; tránh việc nhồi nhét kiến thực, gây áp lực cho học sinh. Đặc biệt, sẽ theo dõi chặt chẽ học sinh, ổn định được nền nếp trường lớp sau thời gian nghỉ học dài ngày” - ông Quốc nói.