Chủ động di dời dân ở vùng sạt lở

NGUYỄN QUANG VIỆT 17/07/2017 08:20

Sạt lở khó dự báo và gây nên những hậu quả khôn lường trong mùa mưa bão, vì thế, Quảng Nam đã và đang chủ động phòng chống, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Quảng Nam đang đối diện với nhiều nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão sắp đến.
Quảng Nam đang đối diện với nhiều nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão sắp đến.

Di dời dân

Tam Đại (huyện Phú Ninh) là xã bán sơn địa, nhân dân sống kề sát chân núi nên phải thường xuyên chủ động ứng phó với sạt lở núi. Trước đây, tại chân đồi 159 thuộc thôn Đại An có 16 hộ dân với 55 nhân khẩu sinh sống. Khu vực này có đến 5 điểm sạt lở (2 điểm ở chân khe núi, 3 điểm sạt lở do trượt mái núi). Cứ đến mùa mưa bão, các hộ dân lại sống trong sợ hãi bởi núi có thể sạt lở, lấp nhà bất cứ khi nào. Di dời dân ra khỏi khu vực này là điều hết sức cấp thiết. Tháng 11.2012, UBND tỉnh quyết định đầu tư khu tái định cư thôn Đại An ở ngay khu trung tâm hành chính xã, diện tích 4.954m2. Từ năm 2013 đến nay, 16 hộ dân được di dời đến đây sinh sống, đảm bảo an toàn. Một hộ dân sống trong khu tái định cư là bà Nguyễn Thị On cho biết, từ ngày được di dời đến nơi ở mới, gia đình đã được an cư. “Trước đây, gia đình tôi là hộ nghèo, sống ở chân núi nên quanh năm chỉ canh tác lúa trên rẫy, mọi điều kiện ăn ở đều thiếu thốn. Bây giờ, ngoài sản xuất nông nghiệp, gia đình tôi còn có thể làm thêm nhiều nghề khác nhau. Kinh tế phát triển, các điều kiện điện nước, y tế, học hành đều đảm bảo. Cuộc sống mới đã giúp chúng tôi thoát nghèo từ 2 năm nay” - bà On nói.

Khu tái định cư thôn Đại An giúp người dân an cư. Ảnh: N.Q.V
Khu tái định cư thôn Đại An giúp người dân an cư. Ảnh: N.Q.V

Theo ông Nguyễn Hữu Bình - Chủ tịch UBND xã Tam Đại, người dân được chuyển đến sinh sống ở khu tái định cư thôn Đại An đã giúp địa phương giải quyết được nhiều vấn đề về sạt lở núi. Tuy nhiên, tại xóm Hòa Tây ở thôn Đông Tây vẫn có nguy cơ sạt lở núi Chùa rất cao. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 17 hộ với 68 nhân khẩu. Để chủ động phòng chống sạt lở núi, địa phương lên phương án di chuyển người dân đến ở tạm nhà sinh hoạt văn hóa thôn Đông Tây và nhà sinh hoạt văn hóa thôn Đại An. Tại xóm An Bắc của thôn Đại Hanh, nguy cơ sạt lở núi cũng hiển hiện khi có mưa lớn. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 15 hộ, 39 nhân khẩu. Địa phương chuẩn bị sẵn phương án di dời người dân ở đây đến sinh hoạt tại Trường Mẫu giáo Bình Minh và hội trường UBND xã Tam Đại nếu nhận thấy dấu hiệu bất ổn. “Chúng tôi bố trí lực lượng xung kích gần 100 người, sẵn sàng huy động các xe tải để kịp thời di chuyển người dân đến nơi an toàn trong mùa mưa bão sắp đến. Phương án 4 tại chỗ gồm lực lượng, phương tiện, chỉ huy và hậu cần tại chỗ cũng như phương án hỗ trợ người dân trước, trong và sau sự cố sẽ được triển khai theo đúng kế hoạch” - ông Bình nói.

Sẵn sàng ứng phó

Theo ông Nguyễn Đạo - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, trên địa bàn có 2 khu vực tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao, ngoài xã Tam Đại còn có xã Tam Lãnh. Từ năm 2015, huyện đã đề xuất UBND tỉnh bố trí ngân sách đầu tư khu tái định cư khu vực Bồng Miêu để đưa người dân đến an cư. Mùa mưa bão sắp đến, địa phương giao trách nhiệm cho Cơ quan quân sự và Công an huyện chủ lực trong cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn, bố trí lực lượng, phương tiện chủ động phối hợp với chính quyền cơ sở sẵn sàng di dời người dân ra khỏi vùng sạt lở cũng như ứng phó với các tình huống khẩn cấp do sạt lở gây ra. Cơ quan quân sự và Công an huyện Phú Ninh cũng được phân công thường xuyên giữ mối liên lạc với các lực lượng cứu hộ, cứu nạn của tỉnh để thông báo và yêu cầu trợ giúp khẩn cấp trong các tình huống sạt lở nguy nan. Phòng NN&PTNT huyện cho rằng, sạt lở rất khó lường, rất khó dự báo. Khi không may xảy ra, người dân rất luống cuống, bị động. Còn Phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết, sẵn sàng hỗ trợ người dân về lương thực, thực phẩm, thuốc men, các vật dụng cần thiết, nếu không may sạt lở xảy ra.

Tại huyện Thăng Bình, sạt lở ở một số khu vực đồi núi cũng xảy ra trong các mùa mưa bão trước đây. Sạt lở đã khiến cho nền đường nhiều tuyến giao thông tại các xã Bình Định Nam, Bình Phú, Bình Trung bị bồi lấp nhiều ki lô mét. Địa phương này cũng đang chủ động ứng phó với sạt lở. Ông Hồng Quốc Cường - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, yêu cầu các cơ quan, ban ngành, 22 xã, thị trấn chủ động rà soát kỹ các địa bàn dân cư, những hộ trong khu vực có nguy cơ sạt lở, chủ động di dời đến nơi an toàn. Ngoài chuẩn bị 4 phương án tại chỗ, phải chuẩn bị sẵn các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, dầu thắp, thuốc cấp cứu, thuốc phòng dịch để xử lý kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra. Thăng Bình kiên quyết tổ chức di dời dân ở vùng sạt lở đến nơi an toàn trong mùa mưa bão sắp tới.

Nhiều khu vực sạt lở nghiêm trọng
Theo thống kê, Quảng Nam có khoảng 88,461km bờ sông bị sạt lở, gây ảnh hưởng cho 8.908 hộ dân và 1.600ha đất sản xuất.
Sạt lở bờ biển cũng xảy ra nghiêm trọng ở các khu vực Cửa Đại (TP.Hội An), Cửa Lở (huyện Núi Thành) và Tam Thanh (TP.Tam Kỳ). Đoạn ven biển phía bắc Cửa Đại - nơi nối bờ biển giữa thị xã Điện Bàn và TP.Hội An đã xảy ra hiện tượng xói lở bờ liên tục trong thời gian qua. Khu vực xói lở dài khoảng 8km, độ rộng xói lở trung bình khoảng 80m, lớn nhất là 200m. Đoạn ven biển phía nam Cửa Đại biến động liên tục, hình thái bồi ngầm doi cát phía sông luôn bị thay đổi. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay có hơn 2km bờ biển Hội An bị xâm thực mạnh, bất thường. Bãi tắm Cửa Đại phục vụ đại đa số người dân và du khách đã không còn. Tuyến giao thông biển đối diện với nhiều nguy cơ ảnh hưởng. Các khách sạn, nhà hàng ven biển chịu tổn thất rất nặng nề. Hiện nay, hiện tượng sạt lở tiếp tục lan dần về phía bắc, có đoạn tạo vách sóng đứng cao 1,5m. Nhiều công trình kè bảo vệ của khách sạn, của nhà hàng đang bị cuốn trôi.
Tại khu vực cửa Lở, chiều dài sạt lở hơn 2km, kéo dài qua các thôn 1, 4 và 5 của xã Tam Hải. Theo thống kê, mỗi năm bờ biển bị xâm thực 30 - 40m. Hiện tượng xâm thực đã làm mất toàn bộ đất thổ cư và đất sản xuất của người dân thôn 5, các thôn 1 và 4 đang phải đối diện với thực trạng mất đất. Để xử lý tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Lở, Bộ NN&PTNT đã đầu tư xây dựng công trình mỏ hàn thử nghiệm theo công nghệ Geotube với quy mô gồm 8 mỏ hàn, bảo vệ 402m chiều dài bờ biển. Qua theo dõi, đo đạc đã cho thấy tác dụng tích cực của hệ thống 8 mỏ hàn là hạn chế hiện tượng xói lở trên toàn khu vực dự án. Tuy nhiên, hiện nay các mỏ hàn này không còn nguyên vẹn, xê dịch vị trí, cong oằn và mất lớp vỏ bảo vệ khiến cho khu vực này hình thành một dải cát bồi dài lấn ra biển, gây nên sạt lở mạnh tại khu vực đầu cửa Lở.
Khu vực bờ biển Tam Thanh có chiều dài sạt lở 3km. Đây là khu vực đông dân cư, với khoảng 1.450 hộ cần được bảo vệ. Ngoài ra, khu vực này có nhiều công trình hạ tầng quan trọng như đường quốc phòng ven biển, đường điện 22kV, gần 100ha nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp. Khu vực sạt lở này đã được đầu tư kè biển kiên cố 2,9km. Tuy nhiên, hiện nay thường xuyên xuất hiện các xoáy nước ở chân kè nên đã gây sụt lún thân kè ở nhiều vị trí.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã ký quyết định di dời khẩn cấp 42 hộ dân ở các huyện: Đại Lộc, Thăng Bình, Núi Thành, Phú Ninh và thị xã Điện Bàn ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao đến các khu tái định cư. Mỗi hộ di dời trong đợt này được ngân sách tỉnh hỗ trợ 20 triệu đồng để làm nhà tại nơi ở mới. UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT phối hợp các cơ quan và địa phương liên quan triển khai, giám sát việc thực hiện di dời theo đúng quy định; sớm ổn định cuộc sống người dân tại nơi ở mới. Đặc biệt, huyện Đại Lộc có đến 31 hộ dân sống ven sông Vu Gia cần phải tổ chức di dời khẩn cấp trong đợt này nhằm bảo đảm tính mạng người dân trước khi mùa mưa bão đến…

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chủ động di dời dân ở vùng sạt lở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO