Nhiều phương án trong công tác phòng chống lụt bão (PCLB) năm 2013 nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại cho Nhà nước và người dân vừa được TP.Tam Kỳ triển khai cho tất cả các địa phương, đơn vị.
Chủ động
Những năm gần đây, trên địa bàn TP.Tam Kỳ không bị ảnh hưởng của bão, lụt lớn. Tuy nhiên, không vì thế mà công tác PCLB của thành phố bị xem nhẹ. Hằng năm, thành phố đều tích cực triển khai nhiệm vụ cho tất cả các ngành, địa phương với nhiều phương án nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão lụt gây ra cho Nhà nước và người dân. Theo ông Trần Nam Hưng - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, tại hội nghị triển khai công tác PCLB hằng năm, thành phố đều quán triệt tinh thần chủ động cho tất cả các địa phương, đơn vị và yêu cầu triển khai thực hiện nghiêm túc công tác PCLB.
Học sinh sinh viên các trường chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố tuyên truyền dọn vệ sinh sau bão lụt. Ảnh: X.P |
Từ thực tiễn công tác PCLB thời gian qua cho thấy, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng về phòng tránh thiên tai giữ vai trò hết sức quan trọng. Phương châm “4 tại chỗ” đã được các địa phương chuẩn bị khá tốt, cần được quán triệt để mọi người dân chủ động phòng chống, nhất là vấn đề dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các loại hàng hóa thiết yếu khác trong từng hộ dân, từng đơn vị địa phương. Cạnh đó, các điểm xung yếu đều được tập trung gia cố kịp thời trước mỗi mùa mưa bão.
Nằm trong vùng thường xuyên bị bão lụt uy hiếp nên tìm cách “sống chung” với thiên tai một cách chủ động là yêu cầu bức thiết để hạn chế thấp nhất thiệt hại. Tuy nhiên, để công tác PCLB hiệu quả hơn nữa, cần khắc phục một số tồn tại, nhất là tránh tình trạng lơ là trong công tác trực ban, trực chỉ huy. Theo UBND TP.Tam Kỳ, thực tế một số lãnh đạo chủ chốt địa phương không đảm bảo thông tin liên lạc cá nhân khi tình huống thiên tai xảy ra theo quy định; một số thành viên Ban chỉ huy PCLB thành phố cũng không có thông tin kịp thời về tình hình địa phương được phân công phụ trách. Điều đó làm hạn chế đến công tác chỉ đạo, điều hành trong công tác PCLB của thành phố.
Phương án cụ thể
Mùa mưa bão năm 2013 theo nhận định của ngành khí tượng thủy văn là sẽ có nhiều diễn biến phức tạp về cường độ, dạng đường đi, phạm vi và quy mô ảnh hưởng. Dự báo sẽ có khoảng 5 - 7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến nước ta; trong đó khu vực Quảng Nam sẽ chịu ảnh hưởng khoảng 2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới và 3 - 5 đợt lũ. Vì vậy, để chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của thời tiết năm nay, từ đầu tháng 8, TP.Tam Kỳ đã xây dựng phương án PCLB theo phương châm “4 tại chỗ”, gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Thành phố giao trách nhiệm cho tất cả 14 thành viên Ban chỉ huy PCLB được phân công phụ trách các xã, phường, cụm công nghiệp kiểm tra kế hoạch, phương án của từng địa phương. Để chỉ đạo tốt công tác PCLB, thành phố cũng quyết định thành lập 5 tổ công tác phụ trách di dời dân và khắc phục hậu quả; thành lập tổ thường trực tìm kiếm cứu nạn, gồm lực lượng công an, quân sự, dân quân cơ động, thanh niên xung kích và lực lượng của xã, phường nhằm kịp thời triển khai khi thiên tai xảy ra.
Theo phương án di dời dân khi xảy ra các tình huống thiên tai của TP.Tam Kỳ, người dân sẽ được chuyển đến các địa điểm gồm trường Đại học Quảng Nam, Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam, Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Phương Đông, Cao đẳng Công kỹ nghệ Đông Á, trụ sở Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, các trường THPT Trần Cao Vân, Phan Bội Châu. Phương tiện để di dời dân là 10 xe ô tô của Hợp tác xã Vận tải và kinh doanh tổng hợp Tam Kỳ. |
Về phương án hành động trước các tình huống bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên biển đông, theo ông Phạm Cưu - Trưởng phòng Kinh tế kiêm Phó ban Chỉ huy PCLB thành phố, các cuộc họp không cần thiết sẽ dừng để tập trung cho công tác chỉ đạo và đối phó. Các ngành, địa phương, đơn vị tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình triển khai công tác chuẩn bị để chủ động phòng chống. Đối với trường hợp bão cấp 11 trở xuống, các xã, phường chịu trách nhiệm và chủ động triển khai phương án di dời dân trong nội bộ địa phương với những vùng ven biển, sông có nguy cơ sạt lở, bị thiên tai uy hiếp. Địa điểm để đưa dân đến là các cơ quan, trường học, nhà kiên cố hiện có tại địa phương.
Riêng với trường hợp bão cấp 12 trở lên và sóng thần, nhanh chóng thực hiện di dời toàn bộ dân xã Tam Thanh - khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp do sát biển lên khu vực nội thành, các khu vực còn lại triển khai di dời trong nội bộ địa phương. Các xã, phường có trách nhiệm thông báo đến từng hộ dân biết phương án sơ tán sẽ đến địa điểm nào, ở đâu và mang theo các vật dụng cần thiết cho ăn ở, sinh hoạt trong thời gian sơ tán. Ngoài ra, thành phố còn xây dựng phương án ứng phó với một số tình huống cụ thể như ngập lụt cục bộ, cây cối ngã đổ cản trở giao thông, sập nhà cửa, quốc lộ 1 tắc nghẽn giao thông hay nếu hồ Phú Ninh bị sự cố. “Nói chung, tất cả các phương án xử lý đối với các tình huống cụ thể được thành phố xây dựng khá chi tiết nhằm giúp cho công tác triển khai thực hiện khi thiên tai xảy ra được thuận lợi hơn. Tất nhiên, cùng với đó đòi hỏi trách nhiệm của người dân khi xảy ra bão lụt” - ông Hưng nhấn mạnh.
XUÂN PHÚ