Chủ động đối phó với dịch bệnh trên đàn vật nuôi

NGUYỄN SỰ 14/09/2018 04:22

(QNO) - Trước nguy cơ bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm và các loại dịch nguy hiểm khác có khả năng tái bùng phát, gây hại đàn vật nuôi, UBND tỉnh vừa yêu cầu ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm chủ động đối phó…

Cần kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm vào địa bàn tỉnh.
Cần kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm vào địa bàn tỉnh. Ảnh: VĂN SỰ

Nguy cơ cao

Theo Bộ NN&PTNT, từ cuối năm 2017 đến ngày 10.9.2018 đã có 17 quốc gia báo cáo có bệnh dịch tả heo châu Phi. Gần đây nhất, vào ngày 1.8.2018, bệnh dịch tả heo châu Phi lần đầu tiên xuất hiện tại tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc. Tính đến ngày 10.9.2018, Trung Quốc báo cáo có tổng cộng 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh gồm An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô, Chiết Giang với hơn 38.000 con heo các loại bị nhiễm dịch buộc phải tiêu hủy. Bệnh dịch tả heo châu Phi tại Trung Quốc đang có chiều hướng lây lan tịnh tiến dần về phía Nam (các tỉnh gần với biên giới Việt Nam).

Theo ngành chuyên môn, bệnh dịch tả heo châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi của heo, lây lan nhanh trên cả heo nhà và heo rừng. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao (lên đến 100%), hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu.

Thường xuyên vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để ngăn chặn nguy cơ xuất hiện dịch bệnh.
Thường xuyên vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để ngăn chặn nguy cơ xuất hiện dịch bệnh. Ảnh: VĂN SỰ

Trong khi đó, theo báo cáo của Sở NN&PTNT Quảng Nam, từ đầu năm 2018 đến nay bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên đàn gia súc đã xảy ra tại 200 hộ chăn nuôi ở 34 thôn của 25 xã, thị trấn thuộc 12/18 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Hiện nay, còn một địa phương có bệnh LMLM chưa qua 21 ngày là xã Phước Năng của huyện miền núi Phước Sơn. Nguyên nhân khiến bệnh LMLM tái bùng phát và gây hại là thời gian qua các địa phương đã chủ quan và chưa tổ chức thực hiện tốt biện pháp phòng bệnh bằng vắc xin.

Không chỉ vậy, trên đàn gia cầm, nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian đến là rất cao. Bởi, qua công tác giám sát lưu hành vi rút cúm gia cầm, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang tồn tại 2 chủng vi rút là cúm A/H5N1 và cúm A/H5N6. Một số chủng vi rút cúm gia cầm khác như cúm A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8 cũng có nguy cơ xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm trái phép, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các địa phương thường xuyên nhập gia cầm, sản phẩm gia cầm từ các tỉnh giáp với biên giới phía Bắc…

Chủ động đối phó

Để chủ động ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhập, lây lan vào địa bàn tỉnh và chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm khác trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là bệnh LMLM, cúm gia cầm, tai xanh…, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Công điện số 03/CĐ-UBND yêu cầu Chủ tịch UBND 18 huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc Sở NN&PTNT, thủ trưởng các ngành có liên quan khẩn trương phối hợp triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi vào Việt Nam và chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.

Thường xuyên vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để ngăn chặn nguy cơ xuất hiện dịch bệnh.
Thường xuyên vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để ngăn chặn nguy cơ xuất hiện dịch bệnh. Ảnh: VĂN SỰ

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo ngành chuyên môn cấp huyện phối hợp với UBND cấp xã thành lập các đoàn đi kiểm tra, nắm bắt cụ thể về tình hình chăn nuôi ở những vùng trọng điểm, các gia trại, trang trại, các doanh nghiệp chăn nuôi đóng trên địa bàn để tổ chức tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Việc theo dõi, giám sát lâm sàng cần tập trung vào các đàn heo tại địa phương. Trường hợp phát hiện heo bệnh với các triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh dịch tả heo châu Phi, heo chết không rõ nguyên nhân hoặc heo, sản phẩm của heo nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép thì phải báo ngay với Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện để lấy mẫu gửi chẩn đoán, xét nghiệm nhằm xác định cụ thể tác nhân gây bệnh trước khi tiến hành xử lý tiêu hủy theo quy định của pháp luật. Việc lấy mẫu phải có sự phối hợp chặt chẽ với Chi cục Chăn nuôi & thú y tỉnh để tham mưu chỉ đạo áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh.

Cùng với đó, tổ chức kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, không để động vật, sản phẩm động vật mang mầm bệnh vào địa phương làm lây lan dịch bệnh. Đặc biệt lưu ý việc vận chuyển, nhập heo tại các cơ sở chăn nuôi, các cơ sở giết mổ tập trung và các điểm giết mổ gia súc, gia cầm. Đồng thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan truyền thông tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi nói riêng, cộng đồng dân cư nói chung không vận chuyển heo và các sản phẩm heo bệnh, nghi mắc bệnh từ nơi này sang nơi khác (kể cả vận chuyển và sử dụng sản phẩm thịt heo đã qua chế biến chín từ các nước có bệnh dịch tả heo châu Phi vì cũng có thể làm lây lan dịch bệnh). Không buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ heo không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch của cơ quan thú y. Hằng ngày phải áp dụng các biện pháp an toàn sinh học để ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm và lây lan như vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi và tăng cường việc chăm sóc, nuôi dưỡng… Đặc biệt, ngay khi phát hiện có heo bệnh, nghi bị bệnh, bị chết nghi do bệnh phải báo ngay cho nhân viên thú y xã, trưởng thôn hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất. Việc giấu dịch, giữ heo bệnh để điều trị là một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bùng phát, khó kiểm soát.

UBND tỉnh cũng đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo ngành liên quan, chính quyền các địa phương tổ chức thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đợt 2 năm 2018 nhằm chủ động tiêu diệt mầm bệnh. Thời gian thực hiện trong vòng một tháng, bắt đầu từ ngày 15.9 đến hết ngày 15.10.2018. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm các hành vi không thực hiện việc phòng bệnh bằng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm; vi phạm về kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; vi phạm về kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật theo quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP (ngày 31.7.2017) của Chính phủ. Ngoài ra, tổ chức thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch, phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT (ngày 31.5.2016) của Bộ NN&PTNT.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT xuất hóa chất từ nguồn dự trữ của tỉnh để hỗ trợ các địa phương thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường nêu trên. Việc sử dụng hóa chất đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí. Đồng thời phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để mua hóa chất bổ sung đảm bảo đủ lượng hóa chất dự trữ theo quy định để phục vụ kịp thời cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

UBND tỉnh cũng đề nghị Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi & thú y thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên ngành thú y Trung ương nắm bắt kịp thời về diễn biến tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi để chủ động tham mưu kế hoạch ứng phó nếu phát hiện vi rút xâm nhiễm vào Việt Nam. Đồng thời thành lập các đoàn công tác phối hợp với các địa phương vùng trọng điểm chăn nuôi để hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Trong đó, cần lưu ý công tác giám sát, khâu tiêm phòng vắc xin đợt 2 năm 2018, việc tổ chức tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường... Bên cạnh đó, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực (vắc xin, vật tư, dụng cụ, hóa chất) để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Trong khi đó, đối với Sở Tài chính, UBND tỉnh yêu cầu phải chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh bổ sung kịp thời kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, đặc biệt là bệnh dịch tả heo châu Phi và kinh phí mua hóa chất bổ sung nguồn dự trữ của tỉnh đảm bảo đủ số lượng theo quy định…

NGUYỄN SỰ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chủ động đối phó với dịch bệnh trên đàn vật nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO