Công tác phòng chống cháy rừng đang được các địa phương, đơn vị chủ động với nhiều biện pháp ngăn ngừa, nhất là trong thời điểm đã bước vào mùa hanh khô, nắng nóng kéo dài.
Cảnh báo nguy cơ cháy rừng
Ông Từ Văn Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 769.298ha rừng và đất quy hoạch phát triển rừng (chiếm 72,75% diện tích tự nhiên của tỉnh), được phân theo chức năng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất.
Sau khi theo dõi, thống kê tình hình thực tế, mới đây, UBND tỉnh công nhận và phân chia vùng trọng điểm nguy cơ cao cháy rừng tại 121 xã thuộc 17 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích đất có rừng hơn 413.374ha.
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, năm 2021 toàn tỉnh xảy ra 89 vụ cháy rừng, gây thiệt hại hơn 876,5ha rừng. Trong đó, diện tích cháy lướt dưới tán rừng có thể tự phục hồi lại hơn 614ha và diện tích thiệt hại rừng không thể phục hồi khoảng hơn 262ha. Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết nắng nóng kéo dài trên diện rộng; tình trạng người dân sử dụng lửa để xử lý thực bì sau khai thác không tuân thủ quy định; bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh phát nổ…
Theo ông Khánh, trong số 121 xã thuộc vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, có 37 xã thuộc vùng rất xung yếu. Xác định nguy cơ cháy rừng ngày càng tăng cao, những năm qua, bên cạnh truyền thông nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng, các hạt kiểm lâm, đơn vị trực thuộc tham mưu phát động phong trào toàn dân thi đua bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).
Tổ chức rà soát, điều chỉnh lại các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng, xem đây là cơ sở để chủ động hơn trong việc PCCCR tại các địa phương.
Nhằm phát hiện sớm nguy cơ cháy rừng tại những khu vực xung yếu, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thời gian qua, lực lượng kiểm lâm chủ động lồng ghép nguồn lực, đầu tư trang thiết bị và triển khai ứng dụng công nghệ vào PCCCR.
Đồng thời xây dựng 2 trạm kiểm lâm và PCCCR tại huyện Phước Sơn và Hiệp Đức; lập thủ tục dựng 2 chòi canh lửa tại xã Duy Sơn (Duy Xuyên) và xã Tam Mỹ Tây (Núi Thành) thuộc Dự án nâng cao năng lực PCCCR giai đoạn 2016 - 2020, gia hạn đến năm 2022.
“Ngoài ra, chúng tôi cũng kịp thời dự báo và thường xuyên phối hợp trao đổi thông tin về cháy rừng, chủ động xây dựng các phương án, giải pháp PCCCR vào mùa khô tại các điểm có nguy cơ cao về cháy rừng.
Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng kéo dài trên diện rộng, cũng như tình trạng người dân sử dụng lửa để xử lý thực bì sau khai thác không tuân thủ quy định về PCCCR nên đã xảy ra liên tiếp các vụ cháy rừng, gây thiệt hại lớn về tài sản và ảnh hưởng xấu đến môi trường tự nhiên” - ông Khánh cho biết thêm.
Kiểm soát “lửa rừng”
Là một trong số địa phương có diện tích rừng tự nhiên khá lớn, thời gian qua, để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR, bên cạnh quán triệt tinh thần chỉ đạo từ huyện đến thôn, xã, Tây Giang duy trì kinh nghiệm cộng đồng, đặc biệt là việc kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng lửa trong rừng. Đây được xem là yếu tố quyết định, có vai trò rất lớn và tác động mạnh mẽ đến ý thức người dân trong việc giữ rừng tự nhiên.
Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho hay, trong năm 2021 và đầu năm 2022, địa phương ghi nhận có hơn 1.200 tổ đăng ký phát nương, đốt rẫy phát triển sản xuất.
Để kiểm soát tình hình, hạn chế nguy cơ cháy rừng, chính quyền địa phương chỉ đạo các xã, các chủ rừng nghiêm túc giám sát, theo dõi chặt chẽ hoạt động canh tác, đốt rẫy đối với các hộ dân đăng ký nhằm quản lý “lửa rừng” một cách hiệu quả.
“Mỗi hộ dân, trước khi phát rẫy đều phải đăng ký và cam kết với chính quyền địa phương không để xảy ra tình trạng cháy rừng. Đồng thời, báo cáo cụ thể về thời gian tiến hành đốt rẫy nhằm huy động lực lượng canh giữ, không để xảy ra cháy rừng do sự chủ quan, thiếu ý thức từ phía cộng đồng” - ông Linh chia sẻ.
Theo ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, qua thống kê, năm 2021 có khoảng 8.406 lượt người đăng ký sử dụng lửa để đốt rẫy, xử lý thực bì. Điều đó cho thấy, ý thức người dân trong việc tham gia giữ rừng, nhất là trong công tác PCCCR có phần nâng cao rõ nét.
Để phát huy tinh thần kiểm soát “lửa rừng” trong nhân dân, cùng với chủ động giám sát, tăng cường kiểm tra địa phận rừng quản lý, các địa phương, đơn vị kiểm lâm cần xây dựng phương án, giải pháp PCCCR phù hợp với tình tình thực tế của từng địa phương và khu vực một cách cơ động.
“Các nguy cơ gây ra cháy rừng, chủ yếu do sự chủ quan của người dân, cũng như công tác quản lý lửa, vai trò giám sát của lực lượng chức năng chưa thật sự chặt chẽ. Để ngăn ngừa tình trạng cháy rừng, các địa phương và lực lượng kiểm lâm cần phát huy vai trò quản lý, theo dõi nghiêm ngặt hoạt động canh tác, nhất là tình trạng phát nương, đốt rẫy trong cộng đồng vào mùa khô; các hoạt động khai thác du lịch sinh thái trong rừng tự nhiên” - ông Út nói.