Chủ động ngăn ngừa dịch cúm gia cầm

NGUYỄN SỰ 13/02/2020 11:58

Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm lây lan, ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương đang tập trung triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn ngừa vi rút gây bệnh tái bùng phát trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường kiểm soát việc vận chuyển gia cầm ra vào địa bàn tỉnh để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhiễm. Ảnh: N.S
Tăng cường kiểm soát việc vận chuyển gia cầm ra vào địa bàn tỉnh để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhiễm. Ảnh: N.S

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam vào hôm qua 12.2, ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây hại dai dẳng nên thời gian qua người chăn nuôi trên địa bàn thị xã tập trung phát triển mạnh đàn gia cầm.

Theo ông Chơi, tính đến thời điểm này tại 20 xã, phường của Điện Bàn có khoảng 1,1 triệu con gia cầm các loại, tăng ít nhất 200 nghìn con so với giữa tháng 5.2019 trở về trước. Hiện nay, Điện Bàn có 17 trang trại chăn nuôi gia cầm với quy mô mỗi mô hình từ 2 - 10 nghìn con/lứa và không dưới 250 gia trại thả nuôi với số lượng từ 100 con trở lên. Năm ngoái, hầu hết trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm với số lượng vừa và lớn đều tổ chức tiêm phòng vắc xin ngừa dịch cúm A/H5N1, cúm A/H5N6 một cách triệt để. Còn đối với các nông hộ thả nuôi nhỏ lẻ, có khoảng 75% tổng đàn thực hiện việc tiêm phòng vắc xin.

Trước tình hình dịch cúm gia cầm bùng phát tại một số địa phương trên cả nước, những ngày qua ngành nông nghiệp Điện Bàn tích cực phối hợp với chính quyền các xã, phường tiến hành rà soát, thống kê số lượng gia cầm nằm trong diện tiêm phòng bắt buộc và tuyên truyền, vận động người chăn nuôi khẩn trương mua vắc xin chích ngừa đợt 1 năm 2020 cho đàn gia cầm nhằm hạn chế thiệt hại khi dịch bệnh xảy ra. Từ trước Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay, UBND thị xã đã xuất cấp 600 lít hóa chất cho 20 xã, phường để duy trì thường xuyên khâu vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng nhằm hạn chế nguy cơ dịch cúm gia cầm và các loại bệnh nguy hiểm trên vật nuôi bùng phát.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y cho hay, hiện giờ tổng đàn gia cầm của tỉnh ước khoảng hơn 7 triệu con, tăng 2 triệu con so với thời điểm giữa năm 2019. Để chủ động ngăn ngừa dịch cúm gia cầm, đơn vị vừa tham mưu UBND tỉnh ban hành công điện chỉ đạo các ngành liên quan và chính quyền 18 huyện, thị xã, thành phố gấp rút triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch. Đồng thời liên tục đôn đốc các địa phương nhanh chóng thực hiện việc tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm đợt 1 năm 2020.

Theo ông Nam, thời gian qua Chi cục Chăn nuôi & thú y thường xuyên cắt cử đội ngũ cán bộ kỹ thuật đến các chợ buôn bán gia cầm sống và những cơ sở giết mổ gia cầm tập trung kiểm tra triệu chứng lâm sàng, lấy mẫu huyết thanh gửi đi xét nghiệm để giám sát sự lưu hành của vi rút cúm A/H5N1, cúm A/H5N6.

“Chúng tôi cũng vừa tham mưu UBND tỉnh củng cố, kiện toàn lại 2 chốt kiểm dịch động vật trên tuyến quốc lộ 1 tại xã Tam Nghĩa (huyện Núi Thành) và xã Điện Thắng Bắc (thị xã Điện Bàn). 2 chốt kiểm dịch này sẽ bố trí lực lượng liên ngành túc trực 24/24 giờ, kiểm tra chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào địa bàn tỉnh. Hiện nay, nguồn hóa chất dự phòng của tỉnh sắp hết, trong những ngày tới Chi cục Chăn nuôi & thú y sẽ tham mưu Sở NN&PTNT có văn bản đề nghị UBND tỉnh xuất nguồn kinh phí mua khoảng 30 nghìn lít hóa chất Benkocid và Iodine về hỗ trợ các địa phương thực hiện thường xuyên khâu phun tiêu độc sát trùng” - ông Nam nói.

Dịch lở mồm long móng gây hại rải rác tại nhiều địa phương

Ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y cho biết, do trong năm 2019 các địa phương tập trung phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi nên việc tổ chức chích ngừa vắc xin lở mồm long móng cho đàn gia súc không được thực hiện một cách triệt để, dẫn đến tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp, không đảm bảo phòng bệnh. Từ nguyên nhân đó, thời gian qua bệnh lở mồm long móng xảy ra rải rác ở nhiều địa phương của tỉnh. Theo ông Nam, từ đầu tháng 1.2020 đến nay tại 20 xã của Điện Bàn, Nông Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Phú Ninh, Tiên Phước, Quế Sơn, Thăng Bình có 284 con trâu, bò bị nhiễm bệnh lở mồm long móng. Trong đó, Thăng Bình là địa phương bị dịch gây hại nhiều nhất với số lượng 168 con trâu, bò.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chủ động ngăn ngừa dịch cúm gia cầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO