Chủ động nguồn sâm giống

TRƯƠNG HUYNH 27/07/2015 09:37

Đến nay, huyện Nam Trà My mới chỉ có 70ha đất trồng sâm Ngọc Linh, không đủ nguồn giống để mở rộng vùng sâm trên quy mô hơn 19.000ha. Vì vậy, huyện đã chủ động lập vườn sâm giống tại Tắk Ngo.

Lập vườn sâm giống

Theo đề án phát triển cây sâm Ngọc Linh với định danh thương hiệu là sâm Việt Nam đã được tỉnh phê duyệt, từ nay đến năm 2020, trên địa bàn 7 xã vùng cao  Nam Trà My sẽ có 19.000ha đất dưới tán rừng già dành để trồng sâm Ngọc Linh. Tỉnh cũng vừa ban hành cơ chế cho thuê đất dưới tán rừng để phát triển cây sâm Ngọc Linh. Theo tính toán, bình quân mỗi héc ta sâm sau 5 năm đầu tư trồng, chăm sóc hiệu quả sẽ cho doanh thu hơn 30 tỷ đồng. Đây thực sự là cây trồng có giá trị kinh tế rất lớn. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có xã Trà Linh là trồng nhiều sâm Ngọc Linh với tổng diện tích chưa đầy 70ha. Chính khâu khai thác sản phẩm sâm thiếu khoa học nên dẫn đến nguồn giống để phát triển mới không đáp ứng hàng năm. Đáng báo động là tình trạng buôn bán sâm giả khiến việc thu mua sâm Ngọc Linh thật gồm cây có lá, cành, củ để trộn lẫn đã dẫn đến tình trạng sâm đang mùa ra hoa bị nhổ bán ồ ạt, gây thiếu hạt giống. Đó là chưa nói đến sự xâm hại diện tích rừng khiến khí hậu khu vực trồng sâm thay đổi làm hàng trăm nghìn cây sâm giống mới gieo bị chết úng.

Việc khai thác thiếu bền vững khiến sâm bị khan hiếm giống. Ảnh: T.H
Việc khai thác thiếu bền vững khiến sâm bị khan hiếm giống. Ảnh: T.H

Trước tình hình đó, huyện Nam Trà My đã lập vườn sâm chuyên sản xuất giống với diện tích 100ha. Qua khảo sát khí hậu, thổ nhưỡng, huyện quyết định chọn khu vực rừng già nguyên sinh tại Tắk Ngo thuộc thôn 2 xã Trà Linh để thành lập vườn sâm giống. Theo ông Trịnh Minh Quý - Phó Giám độc Trung tâm sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My cho biết, cách đây 3 năm, huyện đã tiến hành thành lập vườn sâm giống tại Tắk Ngo với diện tích trên 10ha từ nguồn ngân sách sự nghiệp theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Qua 3 năm chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, vườn sâm này đã bắt đầu ra hoa và cho hạt giống. Ông Quý cho biết thêm, theo kinh nghiệm trồng sâm của bà con Xê Đăng, cây sâm sau khi trồng dưới tán rừng già phải mất 5 năm mới ra hoa, kết trái. Nhưng nhờ có sự kết hợp giữa khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm trồng sâm truyền thống mà vườn sâm Tắk Ngo đã rút ngắn thời gian tạo giống. “Cùng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng như các khu vực khác nhưng với cách chăm bón khoa học nên vườn sâm này sớm ra hoa cho hạt giống. Vì thế việc chọn khu vực này để thành lập vườn sâm giống là hướng đi đúng để bảo tồn nguồn gen cho sâm Ngọc Linh” - ông Quý khẳng định. Theo Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu, vườn sâm 100ha mà huyện đang xây dựng không chỉ là nơi cung ứng giống sâm cho các doanh nghiệp, nhân dân đầu tư trồng sâm thương phẩm trên diện tích đã quy hoạch mà đây còn là nơi bảo tồn nguồn sâm Ngọc Linh gốc. Huyện sẽ tiến hành lập hàng rào quanh diện tích 100ha và thành lập các chốt canh gác để ngăn mọi sự xâm phạm trái phép từ bên ngoài, kể cả việc đưa sâm thương phẩm vào trồng. Mục đích là chỉ sử dụng giống sâm tại vườn để nhân giống, không để các giống sâm Ngọc Linh bên ngoài thụ phấn, lai tạp gây ảnh hưởng đến nguồn gen của vườn sâm.

Liên kết với các nhà khoa học

Hiện việc nhân giống sâm Ngọc Linh theo phương pháp truyền thống có hai cách đó là gieo từ hạt và cắt mầm củ. Trong đó gieo từ hạt vẫn được áp dụng nhiều nhất bởi đây là cách sinh sản tự nhiên của cây sâm, hơn nữa một cây sâm giống bình quân mỗi năm cho hơn 10 hạt nên hiệu quả cao. Còn phương pháp cắt mầm từ củ đòi hỏi phải có kinh nghiệm nếu không sẽ ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng cây sâm. Cùng với việc lập vườn sâm nhân giống theo cách truyền thống, huyện Nam Trà My cũng đang liên kết với các nhà khoa học để triển khai phương pháp nhân giống nuôi cấy mô tại Trung tâm sâm Ngọc Linh của huyện. Bước đầu phương pháp này cho những cây giống thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên ở vùng núi Ngọc Linh. Tuy nhiên phải chờ một thời gian nữa, khi sâm cấy mô cho củ để đưa đi kiểm nghiệm dược chất mới đánh giá được hiệu quả kinh tế. Nhưng theo phân tích, đánh giá ban đầu thì sâm cấy mô vẫn có cấu trúc không thua kém sâm tự nhiên.

Ông Hồ Quang Bửu cho biết, khi có vườn sâm giống, từ nay đến năm 2020 sẽ giải quyết được bài toán cây giống. Huyện cũng đang liên hệ với với các nhà khoa học đầu ngành để nghiên cứu, phân tích và xây dựng bản đồ gen gốc cho cây sâm. Từ đó có cơ sở bảo tồn cây sâm Ngọc Linh gốc được tốt nhất. Như thế, chất lượng củ sâm trồng ra mới có giá trị kinh tế cao và đảm bảo dược chất phục vụ sức khỏe con người. Việc thành lập vườn sâm giống 100ha áp dụng 3 phương pháp sinh sản hứa hẹn đem lại nguồn cung ứng cây giống sâm Ngọc Linh đủ để thực hiện đề án phát triển cây sâm. Qua đó cũng cho thấy những bước đi bền vững của huyện Nam Trà My trong việc xây dựng thương hiệu sâm Việt Nam và biến cây sâm Ngọc Linh thành cây kinh tế mũi nhọn để làm giàu cho người dân và đất nước.

TRƯƠNG HUYNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chủ động nguồn sâm giống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO