Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika gây ra, không để dịch bùng phát, lan rộng... là những yêu cầu cấp bách của UBND tỉnh đối với ngành y tế và các địa phương.
Bệnh do vi rút Zika là bệnh có chung véc tơ truyền với sốt xuất huyết hiện vẫn ghi nhận rải rác tại một số tỉnh, thành phố phía Nam trong các năm gần đây. Trường hợp đầu tiên mắc bệnh do vi rút Zika vào tháng 3.2016 tại Khánh Hòa.
Tăng cường giám sát
Sau khi ghi nhận một trường hợp nhiễm bệnh tại TP.Đà Nẵng, Bộ Y tế đã ban hành công văn yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tăng cường phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika gây ra. Đến nay, cả nước đã ghi nhận 265 trường hợp mắc căn bệnh “đầu nhỏ”, số ca mắc tập trung chủ yếu khu vực phía Nam, một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Vi rút Zika có thể lây qua đường muỗi đốt, truyền máu và quan hệ tình dục, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như không có vắc xin phòng bệnh. Thời gian ủ bệnh khoảng 2 - 12 ngày sau khi bị muỗi đốt. Khoảng 75 - 80% số bệnh nhân bị nhiễm vi rút Zika không có biểu hiện lâm sàng và thường khởi phát cấp tính với các biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, mọc ban dát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân, viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt, suy nhược hoặc đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa.
Theo các chuyên gia bệnh truyền nhiễm, hầu hết trường hợp trẻ sơ sinh bị mắc chứng đầu nhỏ ở Brazil đều do người mẹ nhiễm bệnh do vi rút Zika trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh triển khai mạnh mẽ chiến dịch diệt lăng quăng, huy động các ban, ngành... tích cực tham gia triển khai chiến dịch này nhằm đảm bảo tất cả hộ gia đình tại vùng dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải... Đồng thời giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng.
Đảm bảo 100% các hộ gia đình và 100% các phòng, các tầng trong nhà được phun hóa chất theo chỉ định của ngành y tế. Đối với các trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút Zika cần lấy mẫu xét nghiệm gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực xét nghiệm khẳng định, nhằm đánh giá sự lưu hành của vi rút Zika, chủ động triển khai các biện pháp phòng chống.
Chủ động phòng bệnh
Đại diện Sở Y tế cho biết, tất cả đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đã được yêu cầu thường xuyên cập nhật các hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika từ Bộ Y tế, thực hiện điều tra dịch tễ ca bệnh. Ngoài ra, củng cố và duy trì hoạt động của đội cơ động chống dịch tại đơn vị y tế các tuyến, tổ chức trực chống dịch 24/24 giờ trong thời gian có dịch. Các bệnh viện cũng đã thành lập đội cấp cứu cơ động với đầy đủ trang thiết bị, cơ số thuốc sẵn sàng hỗ trợ cho tuyến dưới khi có dịch xảy ra.
Ngành y tế Quảng Nam đang triển khai các kế hoạch truyền thông cũng như giám sát chặt chẽ tình hình trên địa bàn tỉnh.
Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho biết, ngành y tế đã chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch cụ thể nhằm phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và dịch bệnh do vi rút Zika gây ra. Theo đó, CDC Quảng Nam đã yêu cầu các đơn vị từ tỉnh đến xã phường tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên, xử lý triệt để ổ dịch nhằm hạn chế lây lan ra cộng đồng và các biến chứng do bệnh gây ra. Cùng với đó, đơn vị này sẽ tổ chức tập huấn cho các cán bộ làm công tác phòng chống dịch về phương pháp giám sát, phát hiện, lấy mẫu xét nghiệm, bảo quản, vận chuyển mẫu nhằm đáp ứng kịp thời và chẩn đoán sớm bệnh nhân.
UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành y tế tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch đúng kỹ thuật, xử lý triệt để các ổ dịch và đảm bảo 100% số hộ gia đình và 100% các phòng, các tầng trong nhà được phun hóa chất theo quy định. Xác định các điểm có nguy cơ sốt xuất huyết cao và tổ chức chiến dịch phun hóa chất chủ động đợt 1 theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn chuyên môn của Viện Pasteur Nha Trang.
Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, điều trị đúng phác đồ, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong. Thực hiện tốt việc phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị, tránh hiện tượng bệnh nhân đến bệnh viện muộn không được cấp cứu, điều trị kịp thời hoặc gây quá tải bệnh viện. Công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt lăng quăng (bọ gậy), xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế dự phòng, cộng tác viên cũng được yêu cầu cần phải tăng cường. Tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ y tế làm công tác điều trị bao gồm cả hệ thống y tế tư nhân tại tất cả các tuyến.