Thời gian qua, mặc dù ngành chuyên môn và chính quyền các cấp nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhưng một số loại dịch bệnh vẫn tiếp tục phát sinh gây hại đàn gia súc, gia cầm ở nhiều địa phương. Trước tình trạng đó, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động phòng chống dịch bệnh nhằm hạn chế thiệt hại.
Dịch bệnh tiếp tục gây hại
Ông Lê Văn Bảy - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho biết, trong năm 2022 bệnh dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát mạnh trên địa bàn huyện khiến 163 con heo của 26 hộ dân ở 16 thôn, khối phố thuộc 7 xã, thị trấn bị mắc bệnh phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng gần 9,8 tấn.
Cạnh đó, bệnh viêm da nổi cục xuất hiện tại 28 hộ dân ở 21 thôn, khối phố thuộc 9 xã, thị trấn làm 29 con bê nhiễm bệnh, trong đó tiêu hủy 4 con bê với trọng lượng 655kg. Ngoài ra, dịch cúm gia cầm cũng xảy ra tại xã Quế Thọ khiến 4.336 con vịt, gà, ngỗng bị mắc bệnh, chết, phải tiêu hủy khẩn cấp.
Từ đầu năm 2023 đến nay, dịch tả lợn châu Phi lại xảy ra tại một hộ dân ở xã Quế Thọ khiến 1 con heo nái mắc bệnh phải tiêu hủy bắt buộc với trọng lượng 103kg; trong khi đó, bệnh viêm da nổi cục xuất hiện trên 1 con bò thịt ở thôn Phú Nhơn của xã Quế Lưu.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, năm 2022 trên địa bàn Quảng Nam xảy ra 99 ổ dịch tả lợn châu Phi làm 2.582 con heo bị mắc bệnh, chết, phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng hơn 128 tấn. Không chỉ vậy, bệnh viêm da nổi cục bùng phát khiến 843 con bò và trâu nhiễm bệnh, trong đó có 148 con bò phải tiêu hủy bắt buộc.
Đáng chú ý, toàn tỉnh cũng xảy ra 8 ổ dịch cúm gia cầm với 16.824 con gà, vịt, ngan, ngỗng bị mắc bệnh phải tiêu hủy. Trong 3 tháng đầu năm 2023, bệnh lở mồm long móng và viêm da nổi cục tiếp tục phát sinh gây hại ở nhiều địa phương của Tam Kỳ, Phú Ninh, Hiệp Đức, Quế Sơn, Núi Thành, Nông Sơn...
Tập trung phòng chống dịch
Tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp
Theo thống kê mới nhất của Sở NN&PTNT, tính đến đầu tháng 4/2023 toàn tỉnh có 58.800 con trâu (giảm 600 con so với cùng kỳ năm 2022), 176.700 con bò (tăng 4.200 con), hơn 337.000 con heo (tăng 17.600 con) và đàn gia cầm hơn 8,9 triệu con các loại (tăng 450.000 con), trong đó đàn gà khoảng 6,9 triệu con (tăng 300.000 con).
Số liệu tổng hợp từ Chi cục Chăn nuôi & thú y Quảng Nam cho thấy, trong đợt 2 năm 2022 trên địa bàn tỉnh chỉ có 54,2% đàn trâu và bò được chích ngừa vắc xin lở mồm long móng; 27,95% đàn heo được tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn và 1,67% đàn heo được tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng. Đáng chú ý, đàn gia cầm được chích ngừa vắc xin phòng dịch cúm chỉ đạt 0,45%...
Đối với công tác tiêm phòng đợt 1 năm 2023, thời gian qua chỉ có 6 địa phương tổ chức thực hiện gồm Hiệp Đức, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Phú Ninh, Nam Trà My, Nam Giang. Tuy nhiên, tính đến ngày 17/3 mới có 3,83% đàn trâu và bò được tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng, 1,03% đàn trâu và bò được chích ngừa vắc xin viêm da nổi cục, 0,86% đàn heo được tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn...
Theo nhận định, thời gian tới nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm tiếp tục phát sinh và lây lan là rất cao. Trong đó, đáng chú ý là các bệnh dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục, cúm gia cầm... Nguyên nhân chủ yếu là các tháng đầu năm 2023 người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tập trung đầu tư tái đàn nên tổng đàn gia súc, gia cầm tăng.
Trong khi đó, quy mô chăn nuôi nông hộ chiếm đa số, không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y; thời tiết đang biến đổi bất thường, gây bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển; tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh bắt buộc cho đàn gia súc, gia cầm năm 2022 đạt thấp; công tác kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm còn nhiều hạn chế...
Trước tình trạng đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đã có công văn yêu cầu các ngành, đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để chủ động phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi.
Theo đó, chính quyền các địa phương cần tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để phát hiện các trường hợp nghi mắc bệnh, mắc bệnh nhằm xử lý sớm, triệt để ổ dịch.
Đồng thời tập trung rà soát, tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như viêm da nổi cục, lở mồm long móng, cúm gia cầm. Chỉ đạo trung tâm kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện thực hiện kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ động vật tập trung và các điểm giết mổ được phép để lại theo đúng quy định...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cũng đề nghị Sở NN&PTNT thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh động vật tại các địa phương.
Phối hợp với các địa phương cấp huyện có xã thuộc khu vực biên giới đất liền tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép nhập vào địa bàn tỉnh, nhất là đối với gia cầm, sản phẩm gia cầm.
Cạnh đó, chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi & thú y tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; chuẩn bị đầy đủ vắc xin, hóa chất dự trữ từ nguồn ngân sách của tỉnh để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh...