Chủ động phòng chống dịch cúm A

Tâm An 13/05/2013 08:16

Trước tình hình dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã yêu cầu huy động toàn bộ nguồn lực, đặt công tác phòng chống dịch cúm lây lan qua người thành nhiệm vụ ưu tiên nhằm chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị và kế hoạch hành động của từng ngành đã được triển khai.
Nguy cơ bùng phát thành dịch

Các chuyên gia y tế của WHO tại Việt Nam cũng đã cảnh báo mức độ nguy hiểm của các loại vi rút cúm A từ gia cầm sang người. Nguy cơ xâm nhập, lan truyền và gây bùng phát thành dịch là rất cao nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng bệnh chủ động. Ðây là chủng vi rút mới chưa từng gây bệnh cho người, có nguồn gốc gien từ vi rút cúm gia cầm. Do chưa phát hiện các đàn gia cầm ốm, chết bởi vi rút cúm A/H7N9 nên khó khăn trong việc kiểm soát dịch trên các đàn gia cầm, thủy cầm. Trong khi đó, đặc tính của vi rút cúm A dễ biến đổi, tính thích nghi cao của chủng vi rút cúm A/H7N9 ở động vật có vú, nguy cơ lây từ người sang người là có thể xảy ra. Các nhà khoa học cho rằng vi rút cúm A/H7N9 hiện nay có khả năng lây truyền dễ dàng hơn từ gia cầm sang người so với vi rút cúm A/H5N1. Mặt khác, đây là chủng vi rút mới ghi nhận trên người, do đó cộng đồng chưa có miễn dịch, chưa có vắc xin phòng bệnh, đồng thời chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Nếu lây sang người dễ bùng phát thành dịch và khó khăn trong điều trị.

Diễn tập phòng chống dịch cúm A xảy ra ở người.    Ảnh: Tâm An
Diễn tập phòng chống dịch cúm A xảy ra ở người. Ảnh: Tâm An

Qua giám sát thường xuyên sự lưu hành của vi rút cúm A/H5N1 trên gia cầm, Sở NN&PTNT đã phát hiện nhiều mẫu xét nghiệm dương tính với cúm A/H5N1 trên vịt, gà bán tại một số chợ ở Phú Ninh, Thăng Bình… Vi rút cúm này từ gia cầm có thể lây sang người nên bệnh cúm A/H5N1 ở người có tỷ lệ tử vong rất cao. Để ngăn chặn có hiệu quả bệnh cúm A/H5N1 xảy ra ở người, ngay từ đầu quý I Sở Y tế đã đề nghị tất cả trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh tập trung chuẩn bị cho các nội  dung liên quan đến vấn đề phòng và chống dịch cúm A/H5N1. Thêm vào đó, bệnh cúm do vi rút cúm A/H7N9 đang được cảnh báo có nguy cơ cao. Tuy vẫn an toàn với các dịch cúm A ở người, công tác giám sát, phòng ngừa dịch đặc biệt đề cao, nhất là trong thời điểm Quảng Nam chuẩn bị bước vào mùa lễ hội.

Triển khai phòng chống

Ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế cho biết, với công điện khẩn của Bộ Y tế và sự chỉ đạo của UBND tỉnh về phòng chống dịch cúm, Sở Y tế đã lên kế hoạch phòng chống dịch cúm A/H7N9, cúm A/H5N1, H1N1 trên toàn tỉnh. Mục tiêu là phát hiện sớm, xử lý kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc và chết do cúm A gây nên. Đồng thời không để cúm A lây lan ra diện rộng làm ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, công tác chỉ đạo, điều hành phải được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Các trung tâm y tế đều được tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực giám sát, xử lý ổ dịch, chẩn đoán và điều trị do cúm A.

Vì chưa có vắc xin phòng chống cúm nên biện pháp hữu hiệu nhất ngay trong thời điểm dịch chưa lây qua người được các chuyên gia y tế khuyến cáo là vận động nhân dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
- Không mua bán, giết mổ gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân.
- Không ăn tiết canh, thịt gia cầm chưa được nấu chín kỹ, không vứt xác gia cầm chết ra sông, suối.
- Đeo khẩu trang, găng tay, kính che mắt, mặc bộ đồ bảo hộ lao động khi giết mổ hoặc trực tiếp tiếp xúc, chế biến thịt gia cầm.
- Che miệng khi ho, hắt hơi.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, nhất là trước và sau khi ăn, trước và sau khi chế biến thịt gia cầm…

Bác sĩ Huỳnh Công Quang - Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) cho biết, đã xây dựng kế hoạch chủ động ứng phó với dịch cúm A/H7N9 theo biểu đồ của Bộ Y tế. Theo đó, 4 tình huống dịch có thể xảy ra và tương ứng với đó là các biện pháp đối phó cụ thể. Khi chưa phát hiện ca bệnh, công tác phòng chống cúm A/H7N9 hiện nay tập trung  vào các hoạt động: giám sát chặt chẽ để phát hiện sớm các ca bệnh; có biện pháp xử lý kịp thời; tăng cường tuyên truyền cho người dân các biện pháp dự phòng có hiệu quả. Tăng cường giám sát ca bệnh tại công đồng, các hộ có người trực tiếp buôn bán hoặc giết mổ gia cầm, những người tiếp xúc gần với bệnh nhân cúm A. Trước mắt, công tác chuẩn bị phòng, chống dịch cần được triển khai quyết liệt, bám sát tình hình thực tiễn, lồng ghép công tác phòng, chống với các hoạt động chung của ngành y tế.

Các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và tuyến huyện được yêu cầu chủ động chuẩn bị lực lượng cán bộ y tế và khu vực cách ly để tiếp nhận điều trị bệnh nhân cúm A với quy mô từ 10 - 50 giường bệnh tại mỗi bệnh viện; chuẩn bị đủ hóa chất để thường xuyên khử khuẩn, giường bệnh, buồng bệnh, xử lý chất thải và xe riêng vận chuyển người bệnh cúm A.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, đến thời điểm này đã cấp 400 bộ trang phục chống dịch, 880 khẩu trang N96 và 2.000 khẩu trang 3 lớp cho 21 trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh, trong đó đặc biệt chú ý ở các địa phương đồng bằng có nguy cơ cao. Riêng Quảng Nam được cấp 1.000 viên Tamiflu (cao nhất so với cả nước) cho công tác phòng chống dịch cúm A.

Hiện nay, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các địa phương phối hợp với ngành thú y cùng giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch cúm gia cầm, đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch cúm A/H5N1, công tác vệ sinh phòng bệnh tại các điểm giết mổ, buôn bán, chăn nuôi gia cầm…

Tâm An

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chủ động phòng chống dịch cúm A
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO