Tính đến thời điểm này, Quảng Nam có 3.150 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH), so với cùng kỳ năm 2018 tăng khá cao (năm 2018 có 1.306 lượt bệnh nhân mắc SXH).
Xoay xở nguồn thuốc
Từ đầu tháng 9 đến nay, thông tin các bệnh viện phía Nam đang lo thiếu thuốc đặc trị bệnh SXH là dịch cao phân tử HES 200.000 dalton 6% khiến nhiều tỉnh thành lo lắng. Đây là dung dịch dành để điều trị sốt xuất huyết Dengue nặng nằm trong phác đồ điều trị SXH do Bộ Y tế ban hành. Thiếu thuốc này sẽ dẫn đến việc điều trị cho bệnh nhân sốc nặng do sốt xuất huyết không được kịp thời, gặp nhiều khó khăn. Theo đó, các dung dịch cao phân tử đã được sử dụng tại Việt Nam theo quyết định mới của Bộ Y tế, bao gồm: dung dịch dextran 40, dextran 70 và HES 200.000 dalton. Tất cả các thuốc trên đều được sản xuất tại nước ngoài và đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo Cục Quản lý Dược, do đặc thù thị trường nước ngoài, nhu cầu các thuốc trên rất thấp, do đó hiện nguồn cung các thuốc này rất hạn chế.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Ngọc Võ Khoa - Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh cho biết, dịch truyền dùng cho bệnh nhân SXH dạng nhẹ hiện nay BV Đa khoa tỉnh đã có đầy đủ. Tuy nhiên, đối với dịch cao phân tử dùng điều trị sốc SXH, lâu nay BV chỉ dùng những dịch truyền theo phác đồ cũ, trong khi HES hiện nay vẫn chưa được trang bị. Tương tự, bác sĩ Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam) thông tin, trong chuyến công tác của Đoàn giám sát Bộ Y tế tiến hành tại Quảng Nam hồi tháng 8 vừa qua, tại 2 cơ sở y tế là BV Sản - Nhi và BV Đa khoa tỉnh, kết quả cho biết hiện nay cơ số dịch cao phân tử tại BV Sản - Nhi còn đủ sử dụng, tại BV Đa khoa tỉnh vẫn có dextran 40 và dextran 70. “Tuy nhiên, theo quyết định mới của Bộ Y tế (ngày 14.8.2019), phác đồ điều trị SXH thể nặng ngoài dextran còn có HES. Dung dịch này tại BV Đa khoa tỉnh chưa được trang bị. Vì vậy, đoàn giám sát đã yêu cầu BV Đa khoa tỉnh phải tìm cách để nhập nguồn thuốc này về tại bệnh viện” - bác sĩ Huỳnh Công Quang nói. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Võ Khoa nói thêm, hiện nay BV Đa khoa tỉnh đang tìm cách để có nguồn cung dịch cao phân tử này, vì BV đang rất cần.
Chủ động phòng ngừa
Theo thông tin từ Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, đơn vị đã có công văn chỉ đạo các cơ sở nhập khẩu, cơ sở kinh doanh liên hệ với nhà sản xuất nước ngoài để tìm nguồn cung ứng thuốc. Cục Quản lý Dược cũng đã hướng dẫn các cơ sở nhập khẩu lập hồ sơ nhập khẩu trong trường hợp nhà sản xuất không thể cung ứng thuốc có số đăng ký tại Việt Nam. Cục Quản lý dược sẽ xem xét, cấp phép nhập khẩu, đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu của các cơ sở khám, chữa bệnh.
Số ổ dịch cộng dồn từ đầu năm đến nay lên đến 102 ổ dịch, trong đó riêng tuần thứ 37 đã phát hiện thêm 12 ổ dịch mới tại các địa phương như Điện Bàn, Tam Kỳ, Hội An, Đại Lộc , Tiên Phước. Hiện nay, các địa phương đã triển khai biện pháp điều tra và xử lý theo quy định. Chia sẻ lý do số ca mắc SXH thời điểm này tăng cao, bác sĩ Huỳnh Công Quang cho biết: “Số ca mắc tăng là do đỉnh của dịch hằng năm từ cuối tháng 9, đồng thời năm nay sau những ngày nắng là những cơn mưa, tạo điều kiện rất thuận lợi cho muỗi vằn phát triển” - ông Quang nói.
Theo dự báo, từ nay đến hết tháng 11, tình hình bệnh SXH tiếp tục có những diễn biến phức tạp và khó lường. SXH có 4 tuýp D1-D4 nên những người đã mắc SXH vẫn có thể bị mắc tuýp khác. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, cả những người đã mắc và chưa mắc SXH cần tích cực phòng bệnh bằng các biện pháp, tránh bị muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài, ngủ trong màn, dùng thuốc bôi chống muỗi, loại bỏ nơi sinh sản và trú đậu của muỗi, diệt bọ gậy... Bác sĩ Huỳnh Công Quang nói thêm, thời gian tới, ngành y tế tiếp tục theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực hiện kế hoạch phòng chống như: chiến dịch vệ sinh môi trường và phun hóa chất diệt muỗi chủ động; hỗ trợ hóa chất và trang thiết bị để các địa phương thuận lợi triển khai kế hoạch. Cùng với đó, CDC Quảng Nam sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát, phát hiện bệnh nhân, giám sát tác nhân gây bệnh, giám sát véc tơ và côn trùng truyền bệnh, giám sát vệ sinh môi trường và các yếu tố gây dịch, giám sát công tác xử lý ổ dịch tại các quận, huyện, thị xã. Bên cạnh nỗ lực của ngành y tế và chính quyền các địa phương, người dân cần tuân thủ khuyến cáo mà ngành y tế đưa ra, đồng thời chủ động tìm hiểu thông tin về tình hình dịch bệnh SXH để có thái độ đúng đắn đối với căn bệnh này.
Theo đó, trước tiên, người dân cần nhận biết các dấu hiệu sớm của bệnh để có hướng điều trị kịp thời. Khi bị SXH, bệnh nhân sẽ bị sốt cao kèm theo triệu chứng đau nhức cơ thể, chán ăn. Sốt kéo dài từ 2 - 5 ngày, sau đó sẽ xuất hiện các nốt phát ban, chảy máu chân răng, nếu bệnh nặng thì có thể dẫn đến chân tay lạnh, đau bụng, trụy mạch, vã mồ hôi, có biểu hiện xuất huyết nội tạng. Khi nghi ngờ bị SXH, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà. Khi đã được chẩn đoán mắc SXH nhưng không phải nhập viện, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ các khuyến cáo trong việc điều trị SXH tại nhà.