Từ hôm qua 15.6, Quảng Nam bắt đầu thực hiện đồng loạt hoạt động truyền thông, giáo dục về phòng chống sốt xuất huyết (SXH) trên toàn tỉnh.
Giám sát các ổ dịch
Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam cho biết, số ca mắc SXH ghi nhận 6 tháng đầu năm 2021 là 213 ca, giảm 79,5% so với cùng kỳ năm 2020 (1.038 ca), không có tử vong.
“Chúng tôi tiếp tục chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, theo dõi giám sát chặt chẽ từng ổ dịch và có các biện pháp tích cực xử lý triệt để ổ dịch. Công tác tuyên truyền, phòng chống bệnh SXH qua kinh nghiệm của các năm nên y tế cơ sở bám sát và theo dõi tích cực hơn so với trước. Đây cũng là một trong yếu tố quan trọng làm cho số ca mắc giảm đi” - ông Kiệm chia sẻ.
Trong khi đó, thời điểm này một số tỉnh thành trong khu vực như Phú Yên, Khánh Hòa lại ghi nhận sự gia tăng số bệnh nhân SXH. Đặc biệt, tại Phú Yên đã ghi nhận 2 trường hợp trẻ em tử vong do sốt xuất huyết.
Thông tin dịch tễ ghi nhận cả 2 trẻ đều bị sốt ở nhà từ 3 - 4 ngày, gia đình tự điều trị bằng thuốc hạ sốt. Khi thấy trẻ có diễn biến bệnh nặng, gia đình mới đưa đến cơ sở y tế, nhưng các bệnh nhi đều tử vong do đã diễn biến nặng, có trẻ mắc bệnh nền.
Theo các chuyên gia y tế dự phòng, thời tiết đang vào giai đoạn chuyển mùa, khí hậu nồm ẩm là cơ hội cho nhiều dịch bệnh phát sinh, phát triển, trong đó nhận định đã đến thời điểm vào mùa của bệnh SXH. Trong đó, SXH Dengue là bệnh lưu hành hàng năm. Thông thường, cứ sau khoảng 4 năm dịch lại bùng phát mạnh ở một số khu vực, đặc biệt, ở miền Bắc với số ca mắc gia tăng.
Theo quy luật, năm 2021 đúng vào chu kỳ đó, nên sẽ tiềm ẩn nguy cơ lớn có thể bùng phát dịch. Chu kỳ này có cơ sở khoa học liên quan đến sự phát triển của quần thể trung gian truyền bệnh. Chuyên gia cũng cảnh báo, hiện đã đến mùa của muỗi sinh sôi truyền bệnh, các địa phương, người dân cần chủ động phòng sốt xuất huyết, nếu không dễ xảy ra tình trạng dịch chồng dịch trong mùa hè.
Chủ động vệ sinh môi trường
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các nước ASEAN là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh SXH. Đây một là một trong những bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan nhanh.
Tại Việt Nam, sau hơn 10 năm kể từ “Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết (15.6)” ra đời, người dân đã ý thức hơn về việc đẩy lùi bệnh sốt xuất huyết, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Các thông điệp truyền thông hưởng ứng năm nay bao gồm: Diệt lăng quăng là cách đơn giản và hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh SXH và bệnh do vi rút Zika; Chính quyền, gia đình, cộng đồng chung tay phòng bệnh SXH; Nhà nhà diệt muỗi, lăng quăng để phòng chống bệnh SXH...
Các hoạt động truyền thông và giáo dục về phòng chống bệnh SXH và bệnh do vi rút Zika sẽ được CDC Quảng Nam triển khai trên toàn tỉnh. Ông Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc CDC Quảng Nam cho biết: “Chúng tôi chủ động triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy. Trong thời gian đến, chính quyền địa phương, ngành y tế triển khai phun hóa chất cho vùng trọng điểm xã nguy cơ, đề nghị bà con hưởng ứng.
Đặc biệt, mỗi người dân phải tự vận động, huy động mọi người hủy bỏ các dụng cụ chứa nước, thau rửa dụng cụ thường xuyên, với phương châm: “Không có bọ gậy, không có muỗi thì không có SXH”.
Các địa phương sẽ được cung cấp hóa chất để phun thuốc khử khuẩn tại những điểm có nguy cơ cao, đồng thời triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, tiến hành diệt bọ gậy ở những thôn/tổ có người mắc SXH với tần suất 2 lần/ tuần.
Cùng với việc phòng chống dịch Covid-19, ngành y tế tăng cường các biện pháp, chủ động phòng chống SXH với quyết tâm không để xảy ra dịch chồng dịch, kịp thời giám sát, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, khống chế ổ dịch ngay khi mới xuất hiện những bệnh nhân đầu tiên.