Trước nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm tái bùng phát trên đàn gia súc, gia cầm, ngành chuyên môn cùng chính quyền các địa phương của huyện Nông Sơn đã và đang tập trung triển khai nhiều biện pháp phòng chống.
Theo ngành nông nghiệp huyện Nông Sơn, để khôi phục sản xuất trên lĩnh vực chăn nuôi mang lại hiệu quả cao, thời gian qua cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với chính quyền 6 xã trên địa bàn tổ chức 25 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi - thú y và những biện pháp phòng trừ các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi cho khoảng 950 lượt hộ dân.
Đồng thời hướng dẫn người dân cách chọn mua con giống gia súc, gia cầm và giới thiệu những cơ sở cung ứng giống vật nuôi có uy tín trên thị trường nhằm đảm bảo đầu vào có chất lượng tốt.
Đặc biệt, huyện trích hơn 100 triệu đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp hỗ trợ một số hộ dân mua 10 con heo nái lai, máy chế biến thức ăn, vắc xin, thuốc trị giun sán, hóa chất, thức ăn hỗn hợp... để có điều kiện sản xuất heo con giống phục vụ nhu cầu ở địa phương.
Qua thống kê, so với thời điểm đầu năm 2022, hiện nay tổng đàn gia súc của Nông Sơn là 13.950 con, tăng hơn 5% và tổng đàn gia cầm là 97.430 con, tăng 3,3%.
Ông Trần Văn Lưu - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Nông Sơn cho hay, thời gian qua ngành nông nghiệp huyện và chính quyền các địa phương tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ tái bùng phát các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Theo ông Lưu, ngoài cấp phát cho các xã 75 lít hóa chất Han-Iodine để duy trì thường xuyên khâu vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng tại các ổ dịch cũ, chợ, khu đông dân cư, vùng có khả năng xuất hiện mầm bệnh..., huyện đặc biệt chú trọng công tác tiêm vắc xin phòng dịch, nhất là đối với đàn gia súc.
Đợt 2 năm 2022, toàn huyện có 4.360 con trâu bò nằm trong diện bắt buộc tiêm phòng đã được chích ngừa vắc xin lở mồm long móng, đạt tỷ lệ 84%. Còn đối với heo, có 2.180 con được tiêm vắc xin dịch tả cổ điển, đạt tỷ lệ 83,2%.
Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Nông Sơn vừa có tờ trình đề nghị UBND huyện phân bổ gần 100 triệu đồng để đơn vị đặt mua 4.500 liều vắc xin lở mồm long móng type O tiêm phòng cho đàn trâu bò và 2.350 liều vắc xin dịch tả cổ điển chích ngừa cho đàn heo trong đợt 1 năm 2023.
Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là cách đây khoảng 1 năm huyện tiến hành tiêm 2.500 liều vắc xin Lumpyvac do tỉnh cấp để bao vây khống chế bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò; đến nay khả năng miễn dịch của đàn trâu bò đối với bệnh viêm da nổi cục đã hết nên nguy cơ mầm bệnh tái bùng phát và gây hại là rất cao.
“Do nhà nước không có cơ chế hỗ trợ, thời gian qua trung tâm và chính quyền các địa phương đã có thông báo đề nghị người chăn nuôi trên địa bàn huyện đăng ký mua vắc xin viêm da nổi cục về tiêm phòng cho đàn trâu bò nhưng không ai đăng ký. Hầu hết người dân chỉ đăng ký các loại vắc xin do Nhà nước hỗ trợ như vắc xin lở mồm long móng tiêm cho trâu bò, vắc xin dịch tả cổ điển tiêm cho heo” - ông Lưu chia sẻ.