Tai biến sản khoa không chỉ là nỗi ám ảnh với các bác sĩ sản khoa mà còn với sản phụ và người nhà. Nhưng vẫn có thể hạn chế và phòng ngừa được, nếu phụ nữ biết cách chăm sóc, kiểm tra thai kỳ đúng cách.
Việc khám thai định kỳ là cần thiết để phòng tai biến trong sản khoa. Ảnh: T.A |
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có 80 triệu ca đẻ thì 10 triệu ca có tai biến và gần 1/3 trong số này tử vong mẹ. Tại Việt Nam, mặc dù Bộ Y tế khẳng định con số tử vong mẹ hiện nay giảm 3 lần so với 10 năm trước nhưng tỷ lệ vẫn rất cao. Các chuyên gia y tế cảnh báo, trung bình mỗi ngày tại Việt Nam có 4.000 ca sinh nở thì 2 trường hợp tử vong mẹ, nguy hiểm hơn tai nạn giao thông gấp 1.000 lần. Nhưng, tất cả đều có thể hạn chế được khi sản phụ biết cách phối hợp với các nhân viên y tế, bác sĩ ngay từ những ngày đầu mang thai.
Lợi ích của theo dõi thai kỳ
Bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh - Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn cảnh báo cho các nhân viên y tế về tình trạng tai biến sản khoa và khuyến khích sản phụ theo dõi thai kỳ chặt chẽ trong các lớp học tiền sản miễn phí hoặc trang facebook cá nhân. “Một cuộc chuyển dạ thật bình thường đôi khi cũng có tai biến. Một sản phụ con so, chuyển dạ như sinh lý bình thường, không có yếu tố nguy cơ nào vẫn có thể xảy ra băng huyết sau sinh” - bác sĩ Trinh nói.
Năm tai biến thường gặp trong sản khoa là tai biến chảy máu (băng huyết), nhiễm trùng, sản giật, vỡ tử cung và uốn ván sơ sinh. Đứng hàng đầu là băng huyết, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong mẹ. Trong điều kiện y tế hiện nay, tai biến sản khoa có thể phòng ngừa và phát hiện sớm nếu làm tốt công tác quản lý thai nghén tại tuyến y tế cơ sở theo đúng “Hướng dẫn chuẩn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản”. Chẳng hạn tai biến vỡ tử cung, có thể phòng ngừa nếu thai phụ được khám định kỳ đầy đủ để phát hiện trường hợp thai nghén có nguy cơ cao như: có sẹo mổ cũ ở tử cung, bụng chửa quá to, thai phụ đã đẻ nhiều lần phải chọn nơi đẻ an toàn, có bác sĩ phẫu thuật. Với tai biến sản giật, nếu được khám thai phát hiện tình trạng tăng huyết áp, phù nề, nước tiểu có protein ngay từ ban đầu, thai phụ sẽ được theo dõi, điều trị và có thể ngăn chặn được cơn sản giật xảy ra...
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mỗi năm tiếp nhận hàng nghìn trường hợp đến khám thai và sinh nở. Để phòng ngừa và hạn chế thấp nhất tai biến, bệnh viện không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ sinh sản: làm tốt công tác quản lý thai nghén; tăng cường chăm sóc sản phụ trong đẻ, theo dõi, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh sau đẻ; trang bị đủ vật tư y tế đảm bảo phục vụ hồi sức và cấp cứu. Cùng với đó là chú trọng công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn sản phụ “làm mẹ an toàn”, giúp họ biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân và thai nhi ngay từ đầu thai kỳ để phòng ngừa, phát hiện sớm tai biến có thể xảy ra thông qua các lớp tiền sản miễn phí hoặc trong các buổi khám sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em.
Theo bác sĩ Trinh, bên cạnh nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế, sự chủ động của các sản phụ trong chăm sóc sức khỏe thai sản góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa tai biến, giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh. “Rất mong các sản phụ thấy được tầm quan trọng của khám thai định kỳ và tuân thủ hướng dẫn của các bác sĩ sản khoa. Đôi khi một số phụ nữ chỉ đi siêu âm xem trai gái một lần cho biết hoặc quan niệm siêu âm là biết tất cả mà bỏ qua các quy trình khám thai để phát hiện thai nghén nguy cơ” - bác sĩ Kiều Trinh nói.
Khám thai khác siêu âm
Đa số các thai phụ đều tin tuyệt đối vào siêu âm. Chị Yến Nhi (28 tuổi, Điện Thọ, Điện Bàn) khi đi siêu âm ở tuần thai 38 cho biết, mỗi tháng siêu âm 1 lần còn chưa từng đi khám thai định kỳ. Bác sĩ Nguyễn Bửu Thuyên (Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức) tư vấn: Đây là một trong những suy nghĩ sai lầm của phần đông người đến khám. Mỗi sản phụ cần khám thai tối thiểu 3 lần trong suốt thai kỳ. Siêu âm để biết mức độ phát triển của em bé và hoàn toàn khác với khám thai định kỳ. Theo quy định của ngành y tế, khám thai phải trải qua 9 bước như hỏi tiền sử bệnh tật của sản phụ (có mắc các bệnh huyết áp cao, tim, gan, thận…), cân, đo vòng bụng sản phụ… Với những công đoạn đó bác sĩ sản khoa có thể tiên lượng được những yếu tố nguy cơ trong quá trình mang thai và sinh nở. Theo các chuyên gia sản khoa, trừ một số trường hợp bất khả kháng như tắc mạch ối rất hiếm gặp thì nhiều tai biến khi sinh có thể phòng ngừa hoặc khắc phục được bằng cách quản lý thai phụ tốt, tiên lượng các nguy cơ tử vong mẹ. Đặc biệt, với phụ nữ vốn có bệnh nặng về tim, gan, thận từ trước nhất thiết phải được quản lý chặt chẽ trong suốt thai kỳ dưới sự giám sát của bác sĩ.
Theo bác sĩ Kiều Trinh, thời tiết thất thường có thể tăng nguy cơ tiền sản giật, sản giật, băng huyết sau sinh. Vì vậy, người nhà và thai phụ cần nhận biết những dấu hiệu thai nghén nguy cơ để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho các bà mẹ. “Tai biến là ngoài ý muốn của những người làm nghề thuốc. Bản thân tôi luôn mong muốn các đồng nghiệp tích cực hơn trong công tác chăm sóc người bệnh, người nhà hỗ trợ nhiều hơn trong việc cùng các nhân viên y tế theo dõi các sản phụ trong thai kỳ và chuyển dạ. Chỉ có vậy, chúng ta mới hạn chế đến mức thấp nhất các tai biến sản khoa...” - bác sĩ Trinh nói.
TÂM AN