Chủ động phòng tránh bệnh tay chân miệng

THÀNH CÔNG 09/02/2017 08:26

Những cảnh báo của Bộ Y tế sau khi dịch bệnh tay chân miệng bùng phát ở các tỉnh phía Nam với hơn 2.000 ca mắc bệnh chỉ trong tháng 1.2017 cho thấy mức độ nguy hiểm của loại bệnh này. Ở Quảng Nam, dù chưa bùng phát dịch nhưng cơ quan chức năng vẫn khuyến cáo các bậc phụ huynh cần cẩn trọng.

Chưa xuất hiện ổ dịch

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế, đã có tổng cộng 57/63 tỉnh, thành phố ghi nhận bệnh tay chân miệng xuất hiện, nhiều nơi dịch bệnh lây lan nhanh. Cục Y tế dự phòng ngay sau đó đã ban hành khuyến cáo cho người dân tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Theo ghi nhận của PV, đến ngày 8.2, ở Bệnh viện Nhi tỉnh vẫn có vài ca bệnh tay chân miệng đang được điều trị nội trú, tuy nhiên chưa có dấu hiệu bùng phát dịch. Bác sĩ Nguyễn Đình Thoại - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh cho hay, đây là một trong những bệnh phổ biến ở trẻ, mỗi ngày đều có rải rác một hoặc vài bệnh nhi nhập viện khám. Vài năm trở lại đây, Quảng Nam chưa bùng phát dịch tay chân miệng, cao điểm nhất cũng chỉ ở mức 10 - 20 bệnh nhi điều trị nội trú liên quan đến bệnh. “Thông thường, dịch tay chân miệng rộ lên vào khoảng tháng 3, tháng 4 hằng năm, bây giờ chưa phải là thời điểm số lượng bệnh nhân mắc tay chân miệng đạt đỉnh. Ngoài ra, vào thời điểm tháng 10, khi tiết trời trở lạnh, bệnh nhi mắc các bệnh truyền nhiễm trong đó có tay chân miệng có xu hướng tăng cao, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, chưa năm nào bùng phát mạnh” - bác sĩ Thoại cho hay.

Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị khi nhận thấy các biểu hiện bệnh tay chân miệng. Ảnh: THÀNH CÔNG
Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị khi nhận thấy các biểu hiện bệnh tay chân miệng. Ảnh: THÀNH CÔNG

Theo ông Trần Văn Hoàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, toàn tỉnh chưa có địa phương nào bùng phát dịch tay chân miệng. Tổng số ca mắc tay chân miệng cả năm chỉ ở mức xấp xỉ 120 ca, rải đều ở các tháng trong năm, trong đó đỉnh bệnh nhân tập trung vào tháng 3, tháng 4. “Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, chúng tôi cũng đã có phương án đôn đốc các bệnh viện theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của bệnh này, đồng thời chuẩn bị thêm một cơ số thuốc điều trị, thuốc sát khuẩn, phòng ngừa khi dịch bùng phát” - ông Hoàn nói.

Chủ động phòng tránh

Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước, thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.
Hầu hết ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như: viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong,… nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Trước những khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, Bệnh viện Nhi tỉnh cũng đã có nhiều giải pháp nhằm chủ động phòng chống dịch. Cụ thể, Khoa Y học nhiệt đới của bệnh viện đã chuẩn bị sẵn phòng cách ly cho bệnh nhân mắc tay chân miệng, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo cho bệnh nhi điều trị. Ngoài ra, bệnh viện cũng đã có phương án tăng cường bác sĩ và điều dưỡng trực nếu số lượng bệnh nhân tăng đột biến. Tại khoa khám bệnh, cũng có riêng một buồng khám dành cho bệnh truyền nhiễm. Đồng thời về chuyên môn, Bệnh viện Nhi tỉnh đã triển khai tập huấn thường xuyên về phác đồ điều trị các bệnh dịch nguy hiểm cho tất cả bác sĩ và điều dưỡng, trong đó có tay chân miệng. Cơ số thuốc men, thiết bị điều trị, thuốc sát khuẩn cũng được tăng cường dự trữ khi có cảnh báo về dịch bệnh của Bộ Y tế. “Không chỉ riêng dịch bệnh tay chân miệng, đối với các dịch bệnh nguy hiểm khác, chúng tôi cũng thực hiện phương án chủ động phòng chống khi có nguy cơ bùng phát dịch, đảm bảo có thể điều trị tốt nhất cho bệnh nhân và giảm lây lan ở bệnh viện” - bác sĩ Thoại nhấn mạnh.

Để chủ động phòng chống dịch, người dân cần chú trọng các biện pháp vệ sinh như: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Ngoài ra, cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín, giữ sạch sẽ vật dụng ăn uống, hạn chế cho trẻ ngậm mút đồ chơi, các vật dụng. Phụ huynh, giáo viên ở các cơ sở giữ trẻ cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Khi phát hiện ca bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần hạn chế tiếp xúc, đồng thời đưa trẻ đi khám ở cơ sở y tế gần nhất khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh.

THÀNH CÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chủ động phòng tránh bệnh tay chân miệng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO