(QNO) - Thời điểm này, hầu hết diện tích lúa vụ hè thu 2023 trên địa bàn Quảng Nam đang trong giai đoạn trổ - chắc xanh và sắp thu hoạch. Thế nhưng, những ngày qua, nhiều loại sâu bệnh phát sinh và gây hại trên đồng ruộng, nhà nông cần chủ động triển khai các biện pháp phòng trừ hữu hiệu để giảm thiểu thiệt hại.
Sáng sớm hôm nay 16/8, khảo sát một số cánh đồng của thị xã Điện Bàn, chúng tôi thấy nhiều nông dân lom khom phun thuốc bảo vệ thực vật trên các ruộng lúa đang ngậm sữa, chín sáp.
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, vụ hè thu 2023 này nông dân trên địa bàn 20 xã, phường của thị xã gieo sạ 5.350ha lúa. Hiện phần lớn diện tích đang trong giai đoạn chín sữa, chín sáp và chuẩn bị thu hoạch.
Thế nhưng, thời gian gần đây, trên các xứ đồng của Điện Bàn xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh nguy hiểm gây hại, nông dân cần phải cảnh giác. Theo ông Chơi, qua thống kê cho thấy, tính đến thời điểm này toàn thị xã đã có 216ha lúa bị nhiễm bệnh khô vằn. Trong đó, có 161ha nhiễm nhẹ, 51ha nhiễm trung bình và 4ha nhiễm nặng.
Không chỉ vậy, tại nhiều nơi của Điện Bàn hiện cũng có 49ha lúa bị nhiễm bệnh lem lép - thối hạt và 66ha lúa bị rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại.
Theo tìm hiểu, vụ hè thu năm nay nông dân 18 huyện, thị xã, thành phố của Quảng Nam sản xuất tổng cộng 41.535ha lúa, chủ yếu cơ cấu những loại giống trung và ngắn ngày chủ lực như HT1, PC6, HN6, BC15, TBR225, ĐT100, Bắc Thịnh, Hà Phát 3... Trong số diện tích lúa vừa nêu, có 36.885ha chủ động nguồn nước tưới và 4.650ha phụ thuộc vào nước trời.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, hiện giờ hầu hết ruộng lúa chủ động nước tưới trong giai đoạn trổ - chắc xanh - thu hoạch và lúa nước trời trong thời kỳ đứng cái - làm đòng - thu hoạch. Tuy nhiên, những ngày qua một số loại sâu bệnh đã phát sinh trên nhiều cánh đồng.
Tại Đại Lộc, Tiên Phước, Phú Ninh… chuột gây hại dảnh trên lúa giai đoạn trổ với tỷ lệ trung bình 5 - 10%, nơi cao 20% và diện tích nhiễm là hơn 69ha.
Trong khi đó, rầy nâu và rầy lưng trắng gây hại rải rác ở hầu hết địa phương, mật độ trung bình 300 - 500 con/m2, nơi cao 1.000 - 1.500 con/m2 (Điện Bàn, Phú Ninh). Đến nay, số diện tích lúa bị nhiễm 2 loại rầy này trên phạm vi toàn tỉnh là 77ha.
Đáng chú ý, thời gian gần đây, bệnh khô vằn gây hại rải rác nhiều cánh đồng lúa, tập trung trên những chân ruộng sạ dày, bón thừa đạm. Theo thống kê, cả tỉnh đã có 1.224ha lúa bị nhiễm bệnh khô vằn với tỷ lệ trung bình 10 - 20%, nơi cao 20 - 40% (Điện Bàn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Phú Ninh), cục bộ lên đến 45% (Điện Bàn).
Theo Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật Quảng Nam, thời gian qua bệnh đen lép hạt cũng gây hại trên lúa trổ ở Đại Lộc, Điện Bàn, Núi Thành, Tiên Phước, Phú Ninh... với tỷ lệ trung bình 5 - 10%, diện tích nhiễm là 99ha.
Cạnh đó, bệnh thối thân, thối bẹ gây hại cục bộ trên các giống lúa KD18, TBR225, PC6, ST25, MT10 ở Thăng Bình, Duy Xuyên với tỷ lệ trung bình 3 - 5%, nơi cao 10 - 15%, cục bộ 25% và diện tích nhiễm là 26ha.
Ngoài ra, các đối tượng như sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bọ xít đen, bọ xít dài… gây hại rải rác ở các địa phương.