Chủ động chính sách tài khóa, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi để giảm bội chi ngân sách, gắn kết đồng bộ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ... Đó là những nội dung chính được đề cập tại hội nghị trực tuyến tài chính - ngân sách với 63 tỉnh, thành do Bộ Tài chính chủ trì vừa qua.
Cân đối ngân sách khó khăn
Tính đến ngày 28.12.2015, thu ngân sách cả nước đạt xấp xỉ 957 nghìn tỷ đồng (105% dự toán), bằng 103,1% số ước thu cả năm đã báo cáo Quốc hội. Thu nội địa đạt 110,9% dự toán, thu dầu thô đạt 73,1% dự toán, thu cân đối từ xuất nhập khẩu đạt 98,21%. Hầu hết địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao. Theo con số ước tính này, ngân sách trung ương sẽ hụt thu khoảng 31,3 nghìn tỷ đồng, trong khi ngân sách địa phương tăng 47,7 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, Chính phủ chỉ xin Quốc hội cho sử dụng tối đa khoảng 10 nghìn tỷ đồng tiền bán cổ phần nhà nước tại các doanh nghiệp để bù giảm thu ngân sách trung ương. Bộ Tài chính đã quyết liệt chỉ đạo thu ngân sách nhà nước để hoàn thành đến mức cao nhất thu ngân sách trung ương, hạn chế cao nhất phải sử dụng đến khoảng 10 nghìn tỷ đồng thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp để hỗ trợ cân đối ngân sách trung ương năm 2015. Dự kiến dư nợ công đến hết năm 2015 khoảng 61,3% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 48,9% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 41,5% GDP. Tất cả khoản nợ này đều nằm trong diện đảm bảo các chỉ tiêu nợ trong giới hạn cho phép, không tác động lớn đến kinh tế vĩ mô.
Hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh vẫn là mục tiêu hàng đầu để góp phần ổn định ngân sách nhà nước. Trong ảnh: Cảng Chu Lai - Trường Hải. |
Theo tính toán của Bộ Tài chính, quy mô thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 gấp gần 2 lần giai đoạn 2006 - 2010, gấp 5 lần giai đoạn 2001 - 2005. Tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào ngân sách nhà nước bình quân khoảng 21% GDP, khá sát với Nghị quyết Quốc hội (không quá 22 - 23% GDP). Cơ cấu thu đã chuyển biến tích cực với thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu ngân sách nhà nước (giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 68%, riêng năm 2015 khoảng 74%, cao hơn mục tiêu đề ra 4%). Tổng chi ngân sách nhà nước 2011 - 2015 cũng ước xấp xỉ mục tiêu đề ra. Quy mô chi ngân sách nhà nước năm 2015 tăng hơn 70% so với năm 2010. Tỷ trọng tổng chi ngân sách nhà nước so GDP đã giảm dần từ mức hơn 30% GDP năm 2010 xuống khoảng 26% GDP năm 2015.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói việc điều hành thu, chi ngân sách nhà nước đã chủ động, chặt chẽ, tiết kiệm, giữ vững cân đối ngân sách, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính. Mặc dù đã có những thời điểm nguồn thu ngân sách tập trung chậm. Huy động vốn khó khăn, nhưng chi ngân sách nhà nước vẫn bảo đảm kịp thời theo tiến độ, xử lý hoàn tất các nhiệm vụ quan trọng đột xuất như khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, các nhiệm vụ cấp bách bảo đảm an ninh, quốc phòng…. Tuy nhiên, do việc cắt giảm nhanh chính sách thu, áp lực tăng chi lớn, dẫn đến cân đối ngân sách nhà nước khó khăn. Bội chi ngân sách phải duy trì ở mức cao.
Thu ngân sách nhà nước năm 2016 dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: T.DŨNG |
Lo ngại thu ngân sách suy giảm
Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua dự toán thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2016 khoảng 1.014,5 nghìn tỷ đồng (thu nội địa 785 nghìn tỷ đồng, thu dầu thô 54,5 nghìn tỷ đồng (sản lượng 14,02 triệu tấn, giá 60 USD/thùng), thu xuất nhập khẩu 172 nghìn tỷ đồng). Chi ngân sách nhà nước sẽ vào khoảng 1.273,2 nghìn tỷ đồng (254,95 nghìn tỷ đồng chi đầu tư phát triển, 824 nghìn tỷ đồng chi thường xuyên, 155,1 tỷ đồng chi trả nợ, viện trợ. Số chi này sẽ đảm bảo trả đủ các khoản nợ gốc, lãi vay nước ngoài đến hạn. Số chi trả nợ trong nước sẽ được bảo đảm trả đủ lãi và một phần nợ, giảm mức vay đảo nợ). Theo dự toán này, bội chi ngân sách sẽ là 254 nghìn tỷ đồng (4,95% GDP). Nhiệm vụ phải huy động trong năm 2016 là 409 nghìn tỷ đồng. Dù đã giảm 27 nghìn tỷ đồng so năm 2015, nhưng sẽ là áp lực nặng nề cho cơ quan quản lý
Cần dự báo, điều hành ngân sách linh hoạt hơn Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh yêu cầu các bộ, ngành trung ương, địa phương cần dự báo sát diễn biến kinh tế, điều hành ngân sách linh hoạt hơn. Tất cả phải tự đặt câu hỏi vì sao thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước mà cơ cấu ngân sách vẫn khó khăn, bội chi ngân sách vẫn cao, động viên thu ngân sách, cơ cấu chi ngân sách đã hợp lý chưa? Thực tế chi thường xuyên tăng nhanh quá thì chắc chắn khó khăn là điều không tránh khỏi nên cần cơ cấu chi thường xuyên hợp lý hơn. “Điều hành kinh tế vĩ mô năm 2016 có thể sẽ khó hơn 2015. Khó khăn biến động không dễ dự lường bởi mọi tác động hội nhập sẽ đến một cách tức thì, nhanh chóng. Cần xoay quanh các chính sách thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để chủ động hội nhập. Điều hành ngân sách cần chặt chẽ, hiệu quả. Xây dựng cụ thể phương án cơ cấu ngân sách nhà nước và nợ công hợp lý thực tế” - Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói. |
Hầu hết địa phương tham dự hội nghị đều thống nhất với đánh giá và quan điểm điều hành, quản lý tài chính - ngân sách. Tuy nhiên, mối quan tâm chung của các tỉnh, thành hiện tại là Chính phủ, Bộ Tài chính cần nới rộng, tăng hạn mức, tỷ lệ dư nợ vay ngân sách địa phương để tự địa phương có thể chủ động vay vốn đầu tư phát triển, tăng tỷ lệ điều tiết số thu ngân sách trung ương và địa phương để có thêm nguồn lực và thưởng thu vượt dự toán. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng, Quảng Nam đã thu ngân sách vượt khá nhiều. Tuy nhiên, địa phương lo ngại ngân sách sẽ suy giảm khi đứng trước ngưỡng cửa cắt giảm thuế nhập khẩu ô tô. Hiện tại Thaco đóng góp đến 60% thu nội địa, 90% thu xuất nhập khẩu Quảng Nam. Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng kiến nghị nếu Chính phủ, Bộ Tài chính có điều chỉnh thì nên cân nhắc, hay là lùi thời hạn đến năm 2018 mới thay đổi các chính sách thuế về ô tô. Ngoài ra, địa phương kiến nghị Bộ Tài chính xác định, tính toán rõ số nợ đọng, cách tính thuế của hai công ty vàng (nợ hơn 405 tỷ đồng), xử lý giúp Quảng Nam và sớm ban hành định mức chi thường xuyên để địa phương chủ động quản lý, điều hành ngân sách.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng yêu cầu các địa phương chủ động chính sách tài khóa, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi để giảm bội chi ngân sách, gắn kết đồng bộ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép. Kiểm soát chặt vay nợ của chính quyền địa phương, cơ cấu danh mục nợ công theo hướng bền vững. Các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương giao nhiệm vụ thu ngân sách cho các đơn vị trực thuộc và chính quyền cấp dưới, bảo đảm không thấp hơn so với dự toán được giao. Không đề xuất, ban hành các chính sách mới làm giảm thu ngân sách nhà nước, trừ cắt giảm thuế để thực hiện cam kết quốc tế hoặc xử lý những vấn đề cấp bách, bảo đảm phù hợp với thực tế phát sinh. Phấn đấu tăng thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ở mức cao nhất.
TRỊNH DŨNG