Chủ động sơ tán dân ở vùng "rốn" lũ

MINH HẢI 26/09/2013 08:23

Đại Lộc là một trong những địa phương trong tỉnh thường bị lũ lụt nặng nề. Theo ước tính, nếu lũ ở mức báo động III là Đại Lộc đã có trên 39 nghìn hộ dân (148 nghìn nhân khẩu) của 145 thôn bị ngập nước. Với diện tích rộng lớn và địa bàn phức tạp như Đại Lộc, nếu lũ lớn bất thường thì việc giúp dân sơ tán, tìm nơi an toàn là vô cùng khó khăn. Ông Phan Đức Tính - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết: “Là địa bàn thuộc rốn lũ và quá rộng lớn, nếu xảy ra lũ lớn, lực lượng của huyện không đủ để giúp dân nên chúng tôi xây dựng lực lượng xung kích từng thôn, xã theo phương châm “4 tại chỗ”. Ngoài ra, địa phương đã định vị sẵn những đồi cao để hướng dẫn người dân tránh lũ an toàn”.  

Cũng là địa phương đầu nguồn, huyện Nông Sơn thường xuyên bị ngập lũ. Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện nói: “Mỗi lần lũ về, nhà dân bị ngập, đặc biệt các xã Quế Ninh, Quế Lâm… lực lượng và phương tiện ứng cứu dễ bị vô hiệu hóa vì nằm ngay “miệng” nước. Cách hữu hiệu là chỉ đạo các địa phương sớm sơ tán dân lên các đồi cao”. Còn tại các địa phương đồng bằng như Duy Xuyên, Điện Bàn hay Hội An cũng lúng túng trong việc ứng cứu cũng như chỉ đạo khi nước lũ dâng cao. Những năm trước, khi xuất hiện lũ lớn địa phương mới phát lệnh sơ tán dân, nhưng lúc đó đã trễ và người dân không biết chạy đi đâu. TP. Hội An được xem là “túi” nước cuối cùng của sông Thu Bồn, nhưng địa phương ít bị thiệt hại nặng do lũ gây ra nhờ có quy hoạch cụ thể. Hội An đã xây dựng bản đồ cảnh báo lũ có hệ thống, phân theo từng cấp, qua đó khoanh vùng trũng thấp rõ ràng, cấp I có bao nhiêu hộ cần sơ tán, cấp 2 và cấp 3 cũng vậy. Đặc biệt là luôn xác định mức lũ lớn nhất và tình huống xấu nhất, dân trú ở đâu cũng được đặt ra, từ đó đầu tư phương tiện cho các lực lượng và người dân tổ chức ứng cứu.

MINH HẢI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chủ động sơ tán dân ở vùng "rốn" lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO