Trước những diễn biến khó lường và ngày càng phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) gây ra, các cấp ngành của tỉnh đang nỗ lực, khẩn trương tiến hành các biện pháp chủ động tầm soát dịch bệnh nghiêm ngặt, tránh tác động và gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, cộng đồng.
Xây dựng kịch bản ứng phó
Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, tính đến ngày 2.2, cả nước đã ghi nhận 7 trường hợp nhiễm vi rút corona, trong đó có 2 trường hợp người Trung Quốc đã điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy và 5 người Việt Nam. Riêng tại Quảng Nam, tính đến thời điểm hiện nay, mặc dù các cơ quan chức năng chưa phát hiện ca bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona nhưng nguy cơ lây nhiễm được dự lường rất cao. Vì thế, cùng với chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khẩn trương cấp hóa chất, vật tư về các bệnh viện, trung tâm y tế huyện và thành lập 2 đội phản ứng nhanh (mỗi đội 10 người), Sở Y tế cũng đồng thời chỉ đạo giám sát, hướng dẫn xử lý các trường hợp có yếu tố dịch tễ vào các cơ sở y tế hoặc tại cộng đồng.
Phân tuyến bệnh viện tiếp nhận các ca nghi nhiễm corona
Bên cạnh chỉ đạo các hoạt động ứng phó, phòng chống dịch bệnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cũng đã phân các tuyến bệnh viện tiếp nhận các ca bệnh có dấu hiệu nghi ngờ về corona. Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam tiếp nhận các bệnh nhân của TP.Tam Kỳ, Phú Ninh, Tiên Phước, Nam Trà My và Bắc Trà My; Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam tiếp nhận khu vực Núi Thành và một số địa phương của Quảng Ngãi; Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam, gồm các huyện Đại Lộc, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang và Nông Sơn, Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam (Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Phước Sơn, Hiệp Đức, Thăng Bình), Bệnh viện Đa khoa Hội An tiếp nhận các ca bệnh trong khu vực TP.Hội An.
Xác định mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, mặc dù trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng ngành y tế đã rốt ráo vào cuộc, tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát về công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương; đồng thời tham mưu xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh để kịp thời triển khai các hoạt động ứng cứu trong mọi tình huống.
“Cùng với các cấp chính quyền trong tỉnh, thời gian qua, Sở Y tế cũng đã phân công các bệnh viện trong việc sẵn sàng tiếp nhận, xử lý các ca bệnh nghi ngờ theo từng khu vực. Đối với các trường hợp vượt quá khả năng sẽ chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế theo chỉ định của Bộ Y tế, đồng thời thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin về dịch bệnh, các ca nghi nhiễm” - ông Văn nói.
Đến thời điểm này, khi số ca bệnh nhiễm corona tại Việt Nam đã nâng lên 7 người, áp lực của ngành y tế càng nặng nề hơn bao giờ hết. Trong khi đó, công tác tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về dịch bệnh do corona, cũng như các biện pháp phòng chống theo hướng dẫn của Bộ Y tế vẫn chưa được triển khai. Vì thế, bên cạnh tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm và điều trị kịp thời các trường hợp nghi mắc bệnh, việc xây dựng kịch bản ứng phó với dịch bệnh hiện nay là rất cần thiết, đảm bảo phác đồ điều trị một cách hiệu quả, tầm soát nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Tuyệt đối không lơ là
Nhắc lại thông điệp “Chống dịch như chống giặc” của Chính phủ, tại cuộc họp với lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh vào cuối tuần qua về tình hình dịch bệnh corona và bàn triển khai các biện pháp phòng chống trong thời gian đến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho biết, đây cũng là quyết tâm chung của tỉnh trong việc phòng ngừa, tầm soát dịch bệnh nhằm hạn chế sự lây lan ở mức thấp nhất có thể.
Nhấn mạnh công tác phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt, bên cạnh chỉ đạo Sở Y tế cần tiếp tục đẩy mạnh và triển khai các hoạt động tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh trong toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu phải nhanh chóng tham mưu UBND tỉnh thành lập ban chỉ đạo của tỉnh về phòng chống dịch bệnh. Đồng thời có kế hoạch, kịch bản cụ thể trong việc phòng chống nhằm ứng phó kịp thời với các tình huống dịch bệnh; duy trì thường xuyên đội ứng cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ địa phương cấp cứu, điều trị bệnh nhân khi có yêu cầu.
“Ngành y tế cũng cần tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, điều trị kịp thời và phối hợp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng chủ động thực hiện tốt việc phòng chống dịch bệnh. Tuyệt đối không được lơ là, đánh giá sai về mức độ lây lan của dịch bệnh, cũng như khẩn trương xây dựng kịch bản chi tiết ứng phó dịch bệnh cấp tỉnh và xây dựng kế hoạch hỗ trợ vật tư, trang thiết bị y tế đảm bảo phục vụ công tác phòng chống dịch” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nhấn mạnh.
Cùng với việc giao Sở Y tế khẩn trương phối hợp tổ chức các chương trình tập huấn liên quan đến công tác ứng phó, điều trị dịch bệnh corona cho cán bộ toàn ngành y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân khuyến cáo người dân cần hết sức bình tĩnh trong việc phân biệt giữa bệnh viêm đường hô hấp thông thường với dịch corona...