Phát triển năng lực sản xuất, kinh doanh, tránh dàn trải và nâng cao hiệu quả đầu tư... là cam kết của chính quyền Quảng Nam nhằm thúc đẩy chất lượng tăng trưởng của năm 2013.
Duy trì tăng trưởng
Kết thúc năm 2012, GDP chỉ đạt 11,2% và giá trị ngành công nghiệp sụt giảm, nhưng bức tranh đầu tư Quảng Nam vẫn được đánh giá thuận chiều nếu nhìn vào sự chuyển động của các dự án trong bối cảnh “ảm đạm” của nền kinh tế. Con số tăng trưởng GDP cho năm 2013 được xác định 11,5% sẽ dựa vào sự gia tăng của các ngành sản xuất. Nếu như ngành nông lâm ngư dựa vào năng lực tăng thêm của hơn 2.700ha cao su đưa vào khai thác với khoảng 3.000 tấn mủ khô để đưa giá trị tăng 4,5% thì ngành công nghiệp sẽ tăng đến 18%. Giá trị tăng trưởng của ngành công nghiệp sẽ dựa vào năng lực gia tăng của một số nhà máy đi vào hoạt động như soda, thủy điện Sông Bung 5, 6, Đắc Mi 4C (với tổng công suất 3 nhà máy gần 100MW, sản lượng hơn 400 triệu kWh), nhà máy chế biến thủy sản 2.400 tấn/năm, nhà máy sản xuất tụ điện 12 triệu sản phẩm/năm và nhà máy sản xuất bột mỳ 90.000 tấn/năm tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, các doanh nghiệp may mới tại Phú Ninh, Thăng Bình, Sedovina và Hi-tech tại Duy Xuyên… Số sản phẩm tăng lên như than sạch 27.000 tấn, thủy sản xuất khẩu 20.000 tấn, vàng khai thác 200kg, hơn 30 triệu sản phẩm may mặc, hơn 8 triệu đôi giày thể thao hay 6 triệu lít bia các loại, 14.000 tấn thép cán, 7.000 xe ô tô các loại... hay gia tăng xuất khẩu của các dự án FDI, dự kiến sẽ đóng góp cho tổng giá trị sản xuất tăng thêm hơn 2.600 tỷ đồng.
Cầu Cửa Đại và cảng Kỳ Hà... rất cần vốn đầu tư. |
“Quan điểm của chính quyền là không còn cơ chế và bao cấp phát không mà cần tạo cơ sở hạ tầng làm nền móng để địa phương hay người dân tự giảm nghèo. Nhà nước sẽ gia tăng đầu tư hơn nữa cho các chương trình an sinh xã hội, giảm nghèo đến dân chúng nhanh chóng hơn”. (Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh) |
Trong một diễn trình khác, sự phân bổ nguồn thu năm 2012 dựa vào Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hồi cuối năm 2011, đã giúp Quảng Nam khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải và phân tán nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ. Nhiều công trình quan trọng đã được khởi công xây dựng, góp phần vào sự phát triển chung của Quảng Nam. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn bố trí cho các công trình, dự án trọng điểm như cầu Cửa Đại, nạo vét luồng cảng Kỳ Hà, cầu Kỳ Phú và các tuyến đường ô tô đến trung tâm các xã miền núi… vẫn còn quá thấp. Ông Trần Văn Tri, Giám đốc Sở KH&ĐT nói một số quy định mới của Chỉ thị 1792 đã ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện công trình, nhất là các công trình cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong năm 2012. Đó là việc quy định khối lượng không vượt quá mức kế hoạch vốn được giao, tạm ứng vốn thầu không vượt quá 30% kế hoạch vốn được bố trí và phải có bảo lãnh tạm ứng đã khiến nhà thầu - vốn gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, phải triển khai dự án ì ạch. Ngoài ra, cũng không loại trừ cả việc một số dự án sau khi điều chỉnh, bổ sung đã vượt quá tổng mức đầu tư ban đầu làm mất khả năng cân đối từ ngân sách và một số công trình không có khả năng thanh toán do nhà thầu chậm tiến độ, một số công trình sau đầu tư sẽ không phát huy hết hiệu quả. “Chính quyền sẽ không tiếp sức cho những dự án đầu tư công dàn trải, manh mún và lãng phí. Vì thế, đầu tư cái gì để bảo đảm hiệu quả cho động lực phát triển năm 2013 là điều địa phương cân nhắc” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang nói.
Có nhà máy sơ chế mủ cao su ngay tại Quảng Nam, góp phần tăng thêm giá trị cho ngành công nghiệp chế biến. Ảnh: V.SỰ |
Tự chủ tài chính
Tổng vốn đầu tư xã hội sẽ tăng 8% UBND tỉnh dự kiến tổng vốn đầu tư xã hội năm 2013 sẽ tăng 8% so với thực hiện năm 2012, chiếm 32% GDP. Ngân sách nhà nước tỉnh quản lý chiếm 25%, nguồn vốn trung ương đầu tư trên địa bàn khoảng 24%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh và nhân dân chiếm 20%, đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 8% và nguồn vốn tín dụng chiếm khoảng 18%... Tuy nhiên, Quảng Nam đang phải đối mặt với sự suy giảm nguồn lực đầu tư khi nguồn vốn ngân sách nhà nước đến các chương trình hay nguồn vốn khác đều thiếu hụt. Cụ thể, nguồn vốn cân đối sẽ chỉ khoảng 3.115 tỷ đồng, giảm 18% so kế hoạch năm 2012; chương trình mục tiêu quốc gia 407,9 tỷ đồng, giảm 4%; nguồn vốn nước ngoài ODA 164 tỷ đồng, giảm 4%; nguồn trái phiếu chính phủ 874,7 tỷ đồng, giảm 9%. Đặc biệt, chương trình hỗ trợ theo mục tiêu 783 tỷ đồng, đã giảm 15%. Năm 2013 có 5 chương trình trung ương cắt, không bố trí vốn, đó là Chương trình 134, 167, các dự án khắc phục lũ lụt, dự án cứu hộ cứu nạn và đầu tư bệnh viện tuyến tỉnh. Trong khi đó, nợ khối lượng và nợ theo cam kết thỏa thuận nguồn vốn các dự án thuộc 5 chương trình này khoảng 260 tỷ đồng. |
Tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh khẳng định năm 2013 sẽ tiếp tục khó khăn, cần huy động tất cả nguồn lực xã hội để bảo đảm tăng trưởng. Tất cả việc điều hành chính sách Quảng Nam vẫn phải tuân theo tinh thần Chỉ thị 1792 của Chính phủ, nhất và việc chi tiêu công. Các địa phương phải chủ động tự chủ tài chính trong gói ngân sách đã được duyệt. Không trông chờ vào nguồn hỗ trợ từ trung ương. Quan điểm của chính quyền là không còn cơ chế bao cấp mà cần tạo cơ sở hạ tầng làm nền móng để địa phương và người dân tổ chức sản xuất để giảm nghèo. Nhà nước sẽ gia tăng đầu tư hơn nữa cho các chương trình an sinh xã hội, giảm nghèo đến dân chúng nhanh chóng hơn.
Nhìn thẳng vào sự thật, nhận diện nguyên nhân sụt giảm kinh tế để đưa ra những nỗ lực cải cách cụ thể, nhất là khả năng chủ động tạo nguồn, hướng về chất lượng đầu tư để lựa chọn những dự án hiệu quả, cấp thiết, sẵn sàng loại bỏ hay tạm thời dừng tất cả dự án dàn trải, kéo dài, được xem như bản cam kết đầy trách nhiệm của chính quyền Quảng Nam trước yêu cầu phát triển ổn định và bền vững. Theo đó, địa phương sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc, cơ chế, chính sách, tiến hành cuộc cải cách từ trong nội tại các cơ quan quản lý để cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, đồng thời tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các dự án đầu tư là sự thay đổi lớn.
Năng lực điều hành của địa phương phải được đo lường trên cơ sở kết quả cuối cùng là sự thịnh vượng. Đó là sự thể hiện qua chất lượng dự án đầu tư, đời sống người dân sẽ được cải thiện như thế nào, thu nhập ra sao và môi trường sống được bảo đảm tới đâu… Tất cả là sự kỳ vọng cho năm 2013 và tương lai!
Trịnh Dũng