Nằm ở trung điểm “đòn gánh” miền Trung, người dân Quảng Nam đã quá quen với chuyện chưa kịp lo nước chống hạn mùa khô đã nghĩ đến phòng chống bão lũ mùa mưa.
Năm nay, công tác phòng chống thiên tai mùa mưa bão sẽ càng khó khăn, áp lực và nhiều thách thức hơn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Để tránh “thiệt hại kép” cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ bây giờ.
Sự chuẩn bị đầu tiên và cần phải đi trước một bước là thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng tránh, ứng phó thiên tai cho cộng đồng.
Nâng cao nhận thức, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp chủ động thích ứng, phòng ngừa, ứng phó thiên tai kịp thời, khắc phục hậu quả thiên tai... cho đội ngũ cán bộ, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh, nhất là người dân ở các khu vực thường xuyên xảy ra bão, lũ quét, sạt lở đất, lũ, ngập lụt, đặc biệt là chủ động phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Còn nhớ, các tháng cuối năm 2020, Quảng Nam liên tiếp chịu ảnh hưởng của bão lũ gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản; ước tính thiệt hại về kinh tế gần 11.000 tỷ đồng. Nhận định về xu thế thiên tai trong thời gian tới, cơ quan chức năng dự báo, số lượng bão, áp thấp trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta năm 2021 có xu hướng tương đương so với trung bình nhiều năm.
Các tháng còn lại của năm 2021, khả năng xuất hiện 12 - 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có 5 - 7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Với khả năng các loại hình thời tiết cực đoan sẽ ảnh hưởng mạnh đến Quảng Nam từ lũ lụt, sạt lở…, việc ứng phó với thiên tai trong tình hình dịch bệnh Covid-19 sẽ cần các địa phương quan tâm để giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ thành quả phòng chống dịch.
Yêu cầu đặt ra là đảm bảo thông tin phải đi trước một bước, phải nhanh hơn thiên tai, bão lũ, dịch bệnh và đến được với tất cả mọi người; đồng thời để lãnh đạo tỉnh, các địa phương, cơ quan chức năng có sự phân công và đề ra cơ chế phối hợp.
Ngoài ra, việc chuẩn bị công cụ, trang thiết bị, thuốc men cho ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và các lực lượng tham gia công tác này tại các địa phương phải được hoạch định rõ ràng.
Hiện nay phương án tối ưu trong tình hình nếu có thiên tai và dịch bệnh cùng lúc thì lựa chọn cách sơ tán dân xen ghép qua những nhà kiên cố. Trong trường hợp buộc phải sơ tán tập trung thì phải chuẩn bị các nhu yếu phẩm để phục vụ nhu cầu tối thiểu về ăn uống, sinh hoạt cho người dân.
Tuy nhiên, với Quảng Nam hiện nay, trong công tác phòng chống thiên tai, khó khăn nhất vẫn là lũ quét và sạt lở đất. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã xác định được 93 điểm sạt lở ở 9 huyện miền núi; ngoài tuyệt đối không bố trí dân cư, tỉnh giao các địa phương cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại từng vị trí để người dân biết và phòng tránh khi mưa lớn xảy ra.
Giữa bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát tốt trong khi mùa mưa bão đang cận kề, điều cần thiết hiện nay ngoài chủ động các phương án, kịch bản ứng phó thiên tai, các địa phương cũng cần đánh giá mức độ an toàn của cơ sở cách ly tập trung.
Chưa kể, cần phải xem xét đến tình huống nếu có F0 xuất hiện trong vùng địa phương bị ảnh hưởng thiên tai. Như vậy, ngay từ bây giờ phải có sự chuẩn bị về mặt nhân lực y tế chuyên sâu hỗ trợ cho các địa phương có nguy cơ cao về lũ lụt, sạt lở.
Hy vọng về kiểm soát dịch bệnh chỉ có thể bằng chiến lược tiêm vắc xin để đạt miễn dịch cộng đồng cũng phải tính toán đến các đối tượng người dân ở những khu vực dễ bị tổn thương bởi mưa bão.
Phòng chống thiên tai trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch, hẳn không chỉ dựa vào ý thức của người dân…