Chiều 26.10 và cả ngày 27.10, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đều đến các địa phương kiểm tra thực tế và chỉ đạo khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị phòng chống, ứng phó với cơn bão số 9 đổ bộ vào đất liền và ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Nam.
Không chủ quan, lơ là
Ngày 27.10, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu kiểm tra công tác giúp đỡ nhân dân chằng chống nhà cửa tại các xã Tam Thanh (Tam Kỳ), Bình Hải, Bình Minh (Thăng Bình), Duy Nghĩa, Duy Hải (Duy Xuyên); nghe báo cáo về tiến độ di dời, sơ tán người dân đến nơi tránh trú an toàn và việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác để ứng phó với cơn bão số 9.
Làm việc với lãnh đạo các địa phương, đồng chí Phan Việt Cường nêu rõ, toàn tỉnh quyết tâm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, không để xảy ra thiệt hại về con người; mỗi địa phương chủ động đề ra kịch bản để sẵn sàng ứng phó khi bão số 9 đổ bộ vào đất liền.
Kiểm tra thực tế tại cơ sở cho thấy, người dân tập trung thực hiện tốt các yêu cầu về phòng chống bão số 9 như chằng chống nhà cửa, chuẩn bị các điều kiện cần thiết và sẵn sàng di dời đến nơi tránh trú an toàn. Vừa chằng chống xong mái tôn cửa hàng ăn uống vào sáng 27.10, ông Hoàng Văn Phụng (thôn Đồng Trì, xã Bình Hải, Thăng Bình) chia sẻ: “Bà con không ai chủ quan cả. Ai cũng lo chằng chống nhà cửa để chuẩn bị ứng phó với bão số 9 theo chủ trương chung”.
Kiểm tra tại hiện trường, ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, địa phương đã chỉ đạo thực hiện tuyên truyền phòng chống bão số 9 đến tận khu dân cư và yêu cầu các xã lập phương án cụ thể để di dời người dân đến nơi an toàn, chủ yếu di dời xen ghép là chính; những nơi không an toàn thì thực hiện di dời đến cơ quan xã, các công trình công cộng vững chãi.
“Theo phương án, Thăng Bình di dời hơn 2.200 hộ với hơn 9.000 nhân khẩu. Riêng xã Bình Hải phải di dời 586 hộ với 1.800 khẩu. Trước 17 giờ 27.10 phải hoàn thành công tác này” - ông Hùng nói.
Tại huyện Duy Xuyên, ông Phan Xuân Cảnh - Chủ tịch UBND huyện khẳng định, ngay sau cuộc họp với tỉnh, huyện triển khai cuộc họp khẩn với các xã, thị trấn để triển khai công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 9; đặc biệt là các xã vùng đông. Tàu thuyền đã sơ tán đến neo đậu tại âu thuyền Hồng Triều và các nơi an toàn theo kinh nghiệm dân gian. Huyện chỉ đạo người dân ở các nhà trọ không kiên cố cũng phải di dời. Các đội xung kích giúp các hộ dân neu đơn, người già yếu chằng chống nhà cửa và hoàn thành di dời trước 17 giờ cùng ngày.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường lưu ý các địa phương vận động người dân trên các tàu thuyền, lồng bè nuôi cá, ao tôm phải lên bờ tránh trú an toàn. Trước 17 giờ chiều 27.10, các trường hợp bị ốm đau cần được di chuyển đến trạm y tế, bệnh viện huyện để theo dõi điều trị chứ không nên để ở nhà. Những nơi đưa dân đến ở phải vệ sinh sạch sẽ, an toàn, nơi không an toàn thì cương quyết không được đưa dân đến.
“Lãnh đạo các địa phương chỉ đạo thành lập các tổ thường trực ở trụ sở các xã và mở đường dây nóng, khi có tình huống dân gọi đến thì phải ứng cứu kịp thời. Trong quá trình xảy ra bão và mưa lớn không để người dân đi lại mất an toàn, bảo vệ an toàn tính mạng là trên hết” - Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường chỉ đạo.
Sẵn sàng ứng phó
Từ sáng qua 27.10, Công an xã Tam An, Tam Đàn (Phú Ninh) tiếp tục sử dụng loa tay để tuyên truyền, vận động người dân khẩn trương chằng chống nhà cửa, sơ tán đến nơi tránh trú an toàn. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương chủ động khảo sát, đưa người dân sơ tán tập trung hoặc tại chỗ.
Đại úy Lê Tuấn Phương - Trưởng Công an xã Tam An cho biết, lực lượng Công an xã chính quy vừa duy trì ứng trực theo yêu cầu, vừa tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ người dân trong việc triển khai các giải pháp bảo vệ nhà cửa, tài sản, đồng thời sơ tán theo yêu cầu.
Tại âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên), Phòng Cảnh sát đường thủy sử dụng ca nô chuyên dụng tuần tra, yêu cầu chủ phương tiện khẩn trương tìm nơi neo đậu an toàn và không di chuyển sau 12 giờ trưa 27.10 trước khi bão số 9 đổ bộ.
Tại các bến neo đậu, cán bộ chiến sĩ của đơn vị hướng dẫn, giúp đỡ ngư dân sắp xếp phương tiện, đảm bảo tàu thuyền đều có chỗ neo trú. Song song với đó, đơn vị tham mưu Giám đốc Công an tỉnh đề nghị công an các địa phương phối hợp rà soát số lượng phương tiện không chỉ ở các âu thuyền mà còn mở rộng lên địa bàn các lòng hồ thủy điện, thủy lợi, các nhánh sông, bến đò ngang, yêu cầu người dân tuyệt đối không ở trong tàu bè khi bão đổ bộ.
Thượng tá Hồ Song Ân - Phó Giám đốc Công an tỉnh thông tin, Công an tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng phối hợp chặt chẽ với công an các địa phương tiến hành di dời sơ tán dân ở vùng trũng thấp, ven biển, nơi dễ xảy ra sạt lở sau bão lụt từ trước 17 giờ chiều qua 27.10. Tại 4 xã vùng cao của huyện Tây Giang, công an huyện được chỉ đạo tăng cường lực lượng tham gia cùng công an xã chính quy để tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân ở vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.
Tổ công tác của Công an huyện Quế Sơn cũng túc trực, phân luồng hướng dẫn phương tiện lưu thông về Nông Sơn trong khi chờ khắc phục sự cố sạt lở ở đèo Le. Những khu vực như ngầm tràn, các vùng trũng thấp, những khu vực bị đe dọa sạt lở cũng sẽ có công an túc trực, chốt chặn, nghiêm cấm phương tiện qua lại khi có mưa lớn, nước ngập sâu.
“Công an các huyện, thị xã, thành phố quán triệt công an xã chính quy giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân, đồng thời có phương án chốt chặn, điều tiết giao thông ở tuyến quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14B để xử lý tình trạng cây cối ngã đổ, sạt lở để thông tuyến. Lực lượng khác tham gia nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn cũng đã khẩn trương chuẩn bị các phương tiện ca nô, áo phao…, huy động cán bộ chiến sĩ để tìm kiếm cứu nạn trong tình huống cần điều động. Hiện nay, công an địa phương được lệnh huy động 100% cán bộ chiến sĩ trực chiến” - Thượng tá Hồ Song Ân thông tin.