Trước nguy cơ bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) xâm nhiễm vào địa bàn, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động khẩn cấp nhằm chủ động đối phó với loại dịch bệnh nguy hiểm này.
Cơ quan chuyên môn cần tăng cường khâu giám sát lâm sàng tại các chợ buôn bán heo để kịp thời phát hiện bệnh DTHCP. Ảnh: VĂN SỰ |
Cục Thú y trực thuộc Bộ NN&PTNT cho biết, cơ quan chuyên môn vừa phát hiện 8 ổ bệnh DTHCP trên địa bàn 2 tỉnh Hưng Yên và Thái Bình khiến 253 con heo của nhiều hộ dân bị mắc bệnh, phải tiêu hủy khẩn cấp. Trao đổi với PV Báo Quảng Nam hôm qua 21.2, ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y cho hay, trước nguy cơ bệnh DTHCP bùng phát mạnh, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động khẩn cấp nhằm chủ động ứng phó với loại dịch bệnh này, hạn chế tối đa số ổ dịch phát sinh, số heo mắc bệnh và phải tiêu hủy. Đồng thời tổ chức phát hiện sớm, khống chế và dập tắt ổ dịch kịp thời không để dịch lây lan, chuẩn bị đầy đủ nguồn kinh phí, nhân lực, vật lực và sẵn sàng ứng phó.
Theo ông Nam, khi chưa có bệnh DTHCP xảy ra trên địa bàn tỉnh, các cấp, các ngành và cả người chăn nuôi phải tổ chức thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Cục Thú y Trung ương… liên quan đến công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, cơ quan chuyên môn phải tăng cường giám sát lâm sàng để kịp thời phát hiện bệnh DTHCP. Cùng với đó, lưu ý theo dõi, giám sát đội ngũ hành nghề thú y và các cơ sở chăn nuôi heo. Siết chặt khâu kiểm tra, kiểm soát việc nhập heo tại các cơ sở để chăn nuôi, giết mổ. Hạn chế việc nhập heo từ các tỉnh giáp với biên giới Trung Quốc vào địa bàn tỉnh. Thành lập các đoàn công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Tập huấn về bệnh DTHCP và cách phòng, chống cho đội ngũ thú y cơ sở và đối tượng chăn nuôi heo. Phối hợp với các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh biên giới phía Bắc về phòng, chống bệnh DTHCP nhằm ngăn chặn từ xa, không để bệnh lây lan vào địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác thông tin - tuyên truyền về tình hình bệnh DTHCP, cách nhận biết bệnh và các biện pháp phòng, chống để mọi người biết, cùng phối hợp thực hiện...
Nhằm chủ động ngăn chặn nguy cơ bệnh DTHCP xâm nhiễm và các loại dịch bệnh nguy hiểm khác tái bùng phát trên đàn vật nuôi, trước Tết Kỷ Hợi, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh đơn vị đã hỗ trợ 1 nghìn lít hóa chất cho các địa phương để thực hiện vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng. Hiện nay, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài chính xuất nguồn kinh phí dự phòng của công tác phòng, chống dịch mua thêm 5 tấn hóa chất về chi viện cho 18 huyện, thị xã, thành phố để duy trì thường xuyên công tác phun tiêu độc khử trùng, trong đó tập trung chủ yếu tại các khu đông dân cư, cơ sở chăn nuôi, các điểm buôn bán, giết mổ, kinh doanh gia súc - gia cầm và các sản phẩm từ gia súc - gia cầm. |
Điều đáng lưu ý, không điều trị heo mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh DTHCP. Toàn bộ đàn heo bị bệnh buộc phải tiêu hủy trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh DTHCP. Việc tiêu hủy cũng được áp dụng đối với các đàn heo xung quanh, liền kề với đàn heo dương tính nhưng chưa được lấy mẫu xét nghiệm. Thực hiện việc khai báo và báo cáo cập nhật ổ dịch theo quy định. Họp giao ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp hàng tuần, đột xuất để cập nhật diễn biến dịch bệnh và chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Theo yêu cầu của UBND tỉnh, khi có bệnh DTHCP xảy ra trên địa bàn tỉnh, phải tập trung thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi & thú y; thường xuyên hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi, giám sát đàn heo. Nếu phát hiện heo bệnh, nghi mắc bệnh DTHCP, heo chết không rõ nguyên nhân hoặc heo, sản phẩm của heo nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì cần lấy mẫu trước khi xử lý tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh. Nghiêm cấm vận chuyển heo và các sản phẩm heo, kể cả các sản phẩm đã qua chế biến chín ra khỏi vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp...
NGUYỄN SỰ