Trước tình trạng dịch sởi và biến chứng do sởi bùng phát ở một số địa bàn trong cả nước gây tử vong hàng trăm ca bệnh, các địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là bệnh viện nhi đã tích cực chuẩn bị các biện pháp phòng chống dịch.
Theo ghi nhận, trong 15 ca lấy mẫu xét nghiệm có 10 ca dương tính với sởi, trong đó chủ yếu là trẻ em đang điều trị tại các trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh. Tại Bệnh viện Nhi tỉnh, có 4 trường hợp trẻ em nghi mắc sởi nhập viện, trong đó có 2 ca đang được điều trị cách ly ở khoa hồi sức. Hai trường hợp được cách ly là cháu N.H.T. (2 tuổi, ở Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) và cháu T.P.M.T. (8 tháng tuổi, ở Bình Nam, Thăng Bình), nhập viện khoảng 1 tuần nay. Trong buổi sáng 17.4, Bệnh viện Nhi cũng đã tiếp nhận 14 ca trẻ em nhập viện, chủ yếu liên quan đến các bệnh tay chân miệng, tiêu chảy, chưa phát sinh thêm ca bệnh mới liên quan đến sởi.
Một trường hợp trẻ em nhiễm bệnh sởi được điều trị tại Bệnh viện Nhi tỉnh vào sáng 17.4. |
Theo Bệnh viện Nhi, bệnh sởi xuất hiện và có nguy cơ bùng phát thành dịch được ghi nhận gần nhất là vào thời điểm năm 2009. Từ đó đến nay, chỉ có rải rác một số ca bệnh xuất hiện. Tuy nhiên, trước những nguy cơ, diễn tiến thất thường của dịch bệnh, công tác chủ động phòng chống dịch luôn được chú trọng, nhất là khi dịch bệnh đã xuất hiện ở các địa phương lân cận. Cách phòng bệnh sởi hiệu quả nhất vẫn là chích ngừa sởi khi trẻ được 9 tháng tuổi. Còn với những trẻ dưới 9 tháng tuổi, vi rút bệnh sởi thường theo người lớn từ ngoài về nhà, sau đó mới lây bệnh cho trẻ. Do vậy, khi người lớn đi ở ngoài về nhà cần rửa tay, thay quần áo mới bế trẻ. |
Bác sĩ Nguyễn Đình Thoại, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi cho biết: “Hiện tại, tình trạng trẻ em bị sởi chưa rộ lên thành dịch, chỉ rải rác xuất hiện một vài ca bệnh được bệnh viện tiếp nhận. Tuy nhiên, để phòng ngừa tình trạng tăng đột biến các ca bệnh ở trẻ em vào mùa nắng nóng, đặc biệt là phòng chống dịch sởi theo công điện khẩn vừa được ban hành, bệnh viện cũng đã tích cực chuẩn bị các biện pháp ứng phó với dịch bệnh”. Theo đó, bệnh viện đã tổ chức tập huấn lại cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng liên quan đến công tác điều trị bệnh sởi, chỉ đạo các khoa phòng chuẩn bị tiếp nhận bệnh nhân sởi. Hiện tại, phòng khám cấp cứu, khoa y học nhiệt đới và khoa hồi sức đã chuẩn bị phòng khám và phòng điều trị cách ly riêng để tiếp nhận bệnh nhân sởi. Thuốc men, trang thiết bị phục vụ điều trị bệnh sởi cũng đã được lên kế hoạch để phục vụ tốt cho việc phòng và chống dịch sởi và phòng ngừa những biến chứng do sởi gây ra ở bệnh nhi.
Trước tình trạng hàng trăm ca tử vong do sởi và biến chứng bệnh sởi trên cả nước, Bệnh viện Nhi cũng khuyến cáo các gia đình cần chủng ngừa đầy đủ đối với trẻ; lập tức đưa trẻ đến các cơ sở y tế khi có dấu hiệu sốt cao. Nếu trẻ bị sốt kèm phát ban, cần sớm cho trẻ nhập viện để điều trị cách ly, phòng ngừa những biến chứng. Mùa nắng nóng là thời điểm dịch bệnh dễ bùng phát, vì vậy, các gia đình cần lưu ý chế độ dinh dưỡng, vệ sinh cho trẻ em để ngăn ngừa dịch bệnh.
PHƯƠNG GIANG