Nằm ở vùng luôn bị thiên tai đe dọa, Quảng Nam đang có nhiều chương trình hành động, chủ động xây dựng hệ thống ứng phó với sự khắc nghiệt của thiên nhiên nhằm giảm thiệt hại về người và tài sản.
Trồng cây chắn sóng được xem như biện pháp giảm nhẹ thiên tai. |
Xuất hiện thời tiết cực đoan
Theo thống kê sơ bộ của ngành chức năng, từ năm 1997 đến 2013, trên địa bàn tỉnh xuất hiện gần 60 trận lũ lớn nhỏ, làm chết ít nhất 570 người và gần 2 nghìn người bị thương. Tổng giá trị thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng. Các loại thiên tai xuất hiện phổ biến trên vùng đất Quảng Nam thường là bão lụt, dông sét, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, áp thấp nhiệt đới, đặc biệt gần đây xuất hiện động đất ở thủy điện sông Tranh. “Kịch bản” thường thấy của diễn biến thời tiết hơn 10 năm qua là bước vào tháng 5, các địa phương trong tỉnh thường xuyên đối mặt với tình trạng hạn hạn cục bộ, nhất là mùa khô năm nay lượng mưa trung bình thấp hơn nhiều so với các năm trước. Điều này kéo theo hệ lụy dòng chảy của các con sông xuống thấp, mặn đã xâm nhập sâu vào hạ lưu các sông Bàn Thạch, Thu Bồn, Vu Gia…
Ngành nông nghiệp tỉnh cho biết, trong số 73 hồ chứa nước phục vụ tưới tiêu cho khoảng 21.450ha/vụ thì đến nay đa số các hồ đều có mực nước thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Lo ngại là 4 hồ chứa nước lớn của tỉnh như hồ thủy lợi Phú Ninh, Đông Tiển, Thạch Bàn, Khe Tân đã sụt giảm dao động từ 1,3 - 1,5m so với cùng kỳ năm 2012. Tình trạng xâm nhập mặn xảy ra khi thời tiết hạn hán còn làm cho các sông Vĩnh Điện, Thu Bồn, Tam Kỳ nhiễm mặn nặng. Hơn 10 năm qua, hầu như năm nào các địa phương trong tỉnh cũng bị thiệt hại về sản xuất do hạn hán cục bộ.
Nhằm giảm nhẹ thiên tai, thời gian qua, Sở Tài nguyên – môi trường phối hợp với các ngành liên quan đã đánh giá tổng hợp điều kiện địa hình, địa chất vùng đồng bằng ven biển thích ứng với BĐKH; đánh giá ảnh hưởng của BĐKH đến nguy cơ hạn hán trong tỉnh. Ngoài ra, sở đã đưa ra nhiều biện pháp bảo vệ nguồn nước chống lại xâm nhập mặn, trồng cây phục hồi các khu rừng ngập mặn ven biển ở Núi Thành, Hội An… |
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH), các hiện tượng khí tượng thủy văn (KTTV) cực đoan như lốc, mưa đá, lũ quét xảy ra ngày càng lớn và nguy hiểm, là thách thức đối với công tác dự báo trong nước và trên thế giới. Ông Vũ Anh Tuấn - Trưởng phòng Dự báo hạn ngắn (Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương) cho biết, các loại hình thiên tai chủ yếu của Việt Nam là áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh, mưa lớn trên diện rộng, nắng nóng… Hệ thống dự báo, cảnh báo hiện nay cơ bản được đáp ứng, song vẫn cần trang bị thêm thiết bị, công cụ hiện đại và đào tạo đội ngũ cán bộ có tay nghề chuyên môn giỏi. Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện nhiều là thách thức lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với hoạt động sản xuất, đe dọa tính mạng con người. Ngoài BĐKH có tác động đến thiên tai thì vai trò của con người cũng đã có tác động làm thay đổi, gia tăng sự phức tạp của thiên tai như việc chặt phá rừng, khai thác tài nguyên bừa bãi, làm cho môi trường sinh thái có sự thay đổi dẫn đến sự mất cân bằng sinh thái và phá vỡ quy luật tự nhiên của thiên tai.
Nâng cao nhận thức cho cộng đồng
Để phòng ngừa thiệt hại do sự tàn phá nặng nề của thiên tai đối với hoạt động sản xuất cùng tài sản và tính mạng con người, Quảng Nam đã tranh thủ nguồn lực đầu tư từ bên ngoài xây dựng các công trình thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ thiên tai. Theo đó, giai đoạn 2013 - 2015, các địa phương đã triển khai 27 chương trình hành động, dự án ưu tiên ứng phó với BĐKH và nước biển dâng; giai đoạn 2015 - 2030 có 38 chương trình, dự án. Trong đó có một số chương trình đáng chú ý như nâng cao nhận thức cho cộng đồng toàn tỉnh về BĐKH trong toàn tỉnh; xây trường mầm non kết hợp tránh bão lũ tại xã Duy Trinh (Duy Xuyên). Giai đoạn 2015 - 2030, thực hiện dự án tăng cường áp dụng và phát triển các biện pháp ứng phó BĐKH nhằm nâng cao nhận thức về BĐKH cho 230 nghìn nông dân trong tỉnh, gắn liền với các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ BĐKH theo chiến lược quốc gia. Riêng TP.Hội An ưu tiên 150 tỷ đồng cho các hợp phần ứng phó với BĐKH.
Mùa mưa, lũ lụt làm nhiều nhà dân ở vùng đồng bằng Quảng Nam bị ngập chìm trong nước. Ảnh: MINH HẢI |
Bên cạnh đầu tư các công trình kiên cố phòng tránh bão lụt; công trình trạm y tế xã, trường học đa năng kết hợp với chức năng giảm nhẹ thiên tai, thời gian qua, các địa phương đã làm tốt công tác truyền thông, nâng cao nhận thức đối với cộng đồng. Điển hình, dự án “Lá chắn xanh” do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ tài trợ hơn 400 nghìn đô la nhằm giúp 12 nghìn hộ dân của Quảng Nam và Bình Định có điều kiện phục hồi rừng, hỗ trợ cộng đồng dễ bị tổn thương bảo vệ cuộc sống và sinh kế của mình trước thiên tai. Tổ chức SEED ASIA - Nhật Bản tài trợ không hoàn lại gần 220 nghìn đô la Mỹ để giúp 6 huyện ven biển Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ và Núi Thành nâng cao năng lực giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho trường học và cộng đồng.
Theo Sở Tài nguyên – môi trường, trong các nhóm giải pháp giảm nhẹ thiên tai, sắp đến tỉnh sẽ ưu tiên tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó BĐKH của người dân thông qua việc tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; dạy kỹ năng bơi lội cho trẻ em, kỹ năng phòng chống thiên tai; chuyển đổi mô hình sinh kế; bổ sung chính sách an sinh xã hội cho các nhóm dễ bị tổn thương… Trong đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” ở Quảng Nam giai đoạn 2013 – 2015, tập trung nâng cao năng lực cho cán bộ chính quyền địa phương ở các cấp quản lý, triển khai thực hiện các hoạt động quản lý thiên tai cộng đồng và tăng cường truyền thông giáo dục, nâng cao năng lực cho cộng đồng về quản lý thiên tai cộng đồng.
TRẦN HỮU