Chủ động ứng phó khô hạn và nhiễm mặn - Bài 1: Khó khăn nguồn nước

HOÀI NHI 25/05/2016 08:55

Theo ngành chuyên môn, từ nay đến cuối tháng 8.2016, nắng nóng tiếp tục hoành hành trên diện rộng nên vụ sản xuất hè thu 2016 được dự báo sẽ hết sức khó khăn. Trước tình hình đó, các cơ quan chuyên môn đang nỗ lực giúp nhà nông ứng phó với thời tiết cực đoan nhằm giảm thiểu thiệt hại…

Người dân tận dụng nguồn nước ao hồ để bơm cho đồng ruộng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Người dân tận dụng nguồn nước ao hồ để bơm cho đồng ruộng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

BÀI 1: KHÓ KHĂN NGUỒN NƯỚC

Nắng nóng kéo dài khiến mực nước của hàng loạt hồ chứa và đập dâng bị tụt giảm mạnh. Trong khi đó, phía hạ du sông Thu Bồn và một số con sông khác, mặn có khả năng xâm nhập sâu vào bể hút của nhiều trạm bơm điện trọng yếu. Vì thế, vụ hè thu này, ngoài hàng loạt diện tích đất lúa phải bỏ hoang thì toàn tỉnh còn có hàng nghìn héc ta cây trồng các loại đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới nghiêm trọng...

Hồ đập thiếu nước

Chỉ tay về phía 3 sào ruộng chuẩn bị đổ ải gieo sạ, ông Đỗ Tám ở thôn Tĩnh Yên (xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên) cho biết, lâu nay số diện tích đất lúa này phụ thuộc vào nguồn nước tưới từ hồ chứa Hóc Kết. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài nhiều tháng qua khiến mực nước của hồ chứa này giảm xuống còn 3m, thấp hơn 1m so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Tám than phiền: “Đông xuân vừa rồi do thời tiết quá khắc nghiệt, nhiều loại sâu bệnh nguy hiểm hoành hành nên cả 3 sào lúa đều tụt giảm sản lượng, bây giờ tới vụ hè thu thì phải đối mặt với tình trạng khô hạn khiến tôi canh cánh nỗi lo mùa màng lại thất bát. Để việc sản xuất được thuận lợi, rất mong các cấp, các ngành nhanh chóng đưa ra giải pháp lâu dài nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước tưới”. Không riêng gì ông Tám, rất nhiều hộ dân khác ở địa phương cũng đang thấp thỏm lo cho những ruộng lúa trong vụ này. Ông Tăng Trung - Phó Ban nông nghiệp xã Duy Thu nói: “Hồ chứa Hóc Kết đảm nhận việc cung ứng nước tưới cho 140 sào lúa ở cánh đồng Hóc Đá. Nếu thời gian tới vẫn không có mưa bổ sung thì nguy cơ mất mùa rất dễ xảy ra”.

Ông Nguyễn Phước Năm - Giám đốc Chi nhánh thủy lợi Duy Xuyên cho biết, toàn huyện có 7 hồ chứa, 25 đập dâng, 40 trạm bơm điện cùng hàng trăm ki lô mét kênh mương phục vụ việc cung ứng nước tưới cho hơn 3.800ha lúa và gần 2.000ha hoa màu các loại trong mỗi vụ sản xuất. Thời điểm hiện tại mực nước của các hồ chứa lớn gồm Thạch Bàn, Vĩnh Trinh, Phú Lộc… đều thấp hơn cùng kỳ năm trước 1,1 - 2m. Nếu thời tiết vẫn cứ diễn biến bất lợi như 4 tháng qua thì chắc chắn sẽ có hàng trăm héc ta lúa và cây trồng cạn bị khô hạn, dẫn đến năng suất tụt giảm mạnh. Đáng lo hơn, các cánh đồng sử dụng nguồn nước tưới lấy từ những đập dâng, hồ chứa nhỏ thì có nguy cơ bị mất trắng vì nước dự trữ ngày một ít dần. Còn một vấn đề rất đáng quan ngại nữa là hiện nay mặn có khả năng xâm nhập sâu vào trạm bơm Xuyên Đông của thị trấn Nam Phước và trạm bơm 19.5 thuộc xã Duy Phước. Ông Lê Trung Ba - Phó ban Nông nghiệp xã Duy Phước cho hay, ngoài việc đảm nhận tưới gần 350ha đất canh tác của nông dân địa phương thì trạm bơm 19.5 còn có nhiệm vụ tưới ít nhất 50ha lúa ở xã Duy Vinh. Ông Ba nói: “Trong vòng 1 tháng trở lại đây, nắng nóng liên tục xuất hiện khiến mực nước trên sông Thu Bồn tụt giảm nghiêm trọng. Đây là điều kiện thuận lợi cho nước mặn xâm nhập sâu vào bể hút của các trạm bơm phía hạ du. Nếu ngay từ bây giờ không chủ động triển khai các biện pháp đối phó thì nhiều cánh đồng có khả năng bị cháy khô”.

Sẽ có khoảng 3.000ha lúa bị thiếu nước tưới

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Trương Xuân Tý - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, do thời gian qua nắng nóng kéo dài trên diện rộng nên hiện nay trong số 17 hồ chứa vừa và lớn do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý thì có 6 hồ chứa gồm Đá Vách, Đông Tiển, Khe Tân, Trung Lộc, Việt An, Cây Thông có mực nước thấp hơn so với mức trung bình nhiều năm 0,04 - 1,33m (tương ứng thiếu khoảng 1,89 triệu mét khối nước). Không chỉ vậy, trong số 49 hồ chứa nhỏ do các địa phương quản lý thì có đến 41 hồ chứa có mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường 1 - 3m.

Theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, hè thu 2016 toàn tỉnh triển khai sản xuất tổng cộng 42.500ha lúa. Trước tình trạng nắng nóng hoành hành và nguy cơ mặn xâm nhập sâu vào các con sông, dự báo trong vụ này Quảng Nam sẽ có ít nhất 3.000ha lúa bị thiếu nguồn nước tưới, trong đó khoảng 800ha sẽ bị khô hạn đe dọa nặng nề.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng NN&PTNT Phú Ninh, hè thu 2016 nông dân trên địa bàn huyện sản xuất 3.200ha lúa. Do mấy tháng nay nắng hạn hoành hành trên diện rộng nên đến nay mực nước của hàng loạt hồ chứa, đập thời vụ ở địa phương xuống rất thấp. Vì thế, rất nhiều khả năng sẽ có 300 - 400ha lúa bị thiếu nguồn nước tưới, nhất là tại 2 xã Tam Lộc và Tam Lãnh. Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho hay, vụ này nông dân địa phương gieo trồng 5.600ha lúa, 3.000ha hoa màu các loại. Nếu nắng hạn hoành hành, toàn thị xã sẽ có 400ha lúa và hơn 800ha rau màu bị thiếu nước tưới nghiêm trọng…

Nguy cơ bỏ ruộng hoang

Hiện không ít nơi ở khu vực trung du và miền núi phải bỏ ruộng hoang vì nông dân chẳng biết tìm đâu ra nguồn nước để đổ ải gieo sạ lúa. Ông Phan Quốc Mạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Cường (huyện Quế Sơn) cho biết, hiện nay địa phương có tổng cộng 130ha đất lúa. Thế nhưng, trong vụ hè thu này nông dân trên địa bàn 4 thôn của xã chỉ triển khai gieo sạ 100ha, còn 30ha không thể sản xuất được. Theo ông Mạnh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là thời gian qua nắng nóng khốc liệt khiến đập dâng Đồng Lãng ở thôn Phú Cường 1 bị mất khoảng 30% lượng nước. Trong khi đó, hạ tầng thủy lợi, nhất là hệ thống kênh mương và trạm bơm điện chưa được thi công đồng bộ. Ông Mạnh nói thêm: “Trong số 30ha đất lúa không xuống giống được đó thì họa may chỉ chuyển được chừng 3 - 5ha sang canh tác các loại cây công nghiệp ngắn ngày, còn lại phải bỏ ruộng hoang”. 

Nhiều vùng ở xã Duy Vinh (Duy Xuyên) thường mất trắng lúa hè thu vì ruộng bị nhiễm mặn nặng nề.
Nhiều vùng ở xã Duy Vinh (Duy Xuyên) thường mất trắng lúa hè thu vì ruộng bị nhiễm mặn nặng nề.

Ngoài Quế Cường, hàng nghìn hộ dân ở những nơi khác của huyện trung du Quế Sơn cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc canh tác do thời tiết quá cực đoan. Ông Lê Hữu Châu - Phó phòng NN&PTNT Quế Sơn cho hay, hè thu 2016 nông dân toàn huyện xuống giống khoảng 3.000ha lúa, giảm hơn 500ha so với vụ đông xuân vừa rồi. Theo ông Châu, lý do khiến ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân cắt giảm diện tích gieo sạ là vì mực nước của hàng loạt hồ chứa xuống thấp. Trong đó, lượng nước của hồ chứa Vũng Tôm và Cây Thông giảm đến 50% so với trước. Được biết, số diện tích đất lúa mà ông Châu nói không thể sản xuất được chủ yếu nằm ở các xã Quế Cường, Phú Thọ, Quế Thuận, Quế Châu, Quế Hiệp, Quế Minh, Quế Phong, Quế An, Quế Long và thị trấn Đông Phú.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những năm qua, bình quân mỗi vụ hồ chứa Đá Vách ở thôn 5 (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước) đảm nhận cung ứng nước tưới cho 40 - 45ha lúa. Tuy nhiên, do thời gian gần đây hồ chứa này bị cát đá bồi lấp và mực nước tụt giảm mạnh vì nắng nóng nên rất nhiều khả năng trong vụ hè thu 2016 công trình thủy lợi này chỉ chủ động tưới cho khoảng 28 - 30ha lúa. Ông Lê Trí Hiệu - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước nói: “Toàn huyện có hơn 2.400ha đất lúa nhưng vụ hè thu này chỉ đưa vào gieo sạ chừng 1.500ha. Nguyên nhân khiến địa phương phải cắt giảm đến 900ha lúa vì mực nước của phần lớn hồ chứa, đập dâng, đập thời vụ trên địa bàn xuống thấp và đặc biệt là hạ tầng thủy lợi còn quá nhiều hạn chế”.

_______
Bài 2: Linh hoạt nhiều giải pháp

HOÀI NHI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chủ động ứng phó khô hạn và nhiễm mặn - Bài 1: Khó khăn nguồn nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO